Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Lựa chọn ngành nghề nào để “bắt nhịp” với bối cảnh chuyển đổi số?

Tại buổi Toạ đàm “Hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tại Hà Nội ngày 24/4, những băn khoăn này của học sinh đã được các chuyên gia đến từ Ủy ban Văn hoá giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD&ĐT và các trường đại học giải đáp.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Câu chuyện định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà của toàn thế giới và xu hướng này là tất yếu. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, nhiều cơ hội lớn được hình thành và tác động bởi chuyển đổi số, trong đó có việc định hướng nghề nghiệp học sinh phổ thông. Việc đẩy mạnh hợp tác liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Xu hướng này sẽ là một sự cộng hưởng về nguồn lực mang lại lợi ích cả cho nhà trường, doanh nghiệp và chính người học.

Ảnh minh hoạ: Thí sinh cân nhắc lựa chọn ngành nghề sẽ không bị lạc hậu trong bối cảnh chuyển đổi số.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh: Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030, trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực cần chuyển đổi số mạnh mẽ, dẫn dắt hàng đầu như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng mới, tài nguyên môi trường, sản xuất nông nghiệp… Đó là những định hướng lớn đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông phải trang bị kỹ năng số cho các em rất sớm.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chuyển đổi số sẽ làm cho một số ngành nghề biến mất trong tương lai, đặc biệt những ngành nghề mang tính chất lặp đi lặp lại, ở trình độ kỹ năng thấp thì sẽ bị thay thế. Do vậy, để có thể làm chủ cuộc cách mạng số thì càng phải có tri thức cao, có kỹ năng hiện đại để thích ứng với mọi thay đổi. “Học tập là quá trình suốt đời, mỗi phút tri thức sẽ nhân lên rất nhiều lần. Tuy vậy, học sinh cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn ngành nghề để lĩnh vực mình đóng góp phù hợp với bối cảnh mới và không bị lạc hậu trong tương lai”, bà Thuỷ chia sẻ.

Ths. Vũ Chí Thành, Giám đốc khối đào tạo Cao đẳng-FPT Polytechnic đã chỉ ra những ngành nghề, những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Theo ông Thành, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) là hạ tầng của mọi hạ tầng, theo đó các khối ngành nghề kinh tế- xã hội khác đều phát triển dựa trên nền tảng của CNTT. Khối ngành này hiện đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trung bình khoảng 400.000 nhân lực chất lượng cao/năm.

Đặc biệt, trong lĩnh vực CNTT đang nổi lên các ngành liên quan đến thiết kế website, thiết kế đồ hoạ. Khối ngành thứ hai cũng được dự báo có nhu cầu nhân lực cao là nhóm ngành kinh tế-kinh doanh như marketing số, thương mại điện tử. Nhóm ngành thứ ba phải kể đến đó là nhóm ngành về du lịch, khách sạn. Nhóm ngành thứ tư là các ngành công nghiệp cơ bản được xem là xương sống của nền kinh tế như cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử viễn thông. Nhóm ngành thứ năm là chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng và làm đẹp.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, ngoài các nhóm ngành trên thì các ngành thiết kế về công trình thuỷ lợi, xây dựng, giao thông thông minh; công nghệ sinh học và ngoại ngữ cũng là những ngành hứa hẹn có nhu cầu nhân lực cao trong bối cảnh chuyển đổi số.

Nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh đến xu hướng lựa chọn ngành nghề, GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi lưu ý thí sinh không nên chỉ chăm chăm lựa chọn các ngành được dự báo là hot mà bỏ qua những ngành khoa học cơ bản. Theo GS Việt, trong một giai đoạn nhất định, sẽ có một số ngành cần nhiều nguồn nhân lực nhưng sau một vài năm, khi nguồn cung nhân lực quá lớn, sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa và tăng nguy cơ thất nghiệp.

“Không thể phủ nhận, xu thế của một số ngành liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh kỹ thuật số, sáng tạo nội dung trên nền tảng số... sẽ là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là khoa học kỹ thuật sẽ luôn luôn chiếm vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp cho thấy sự bất ổn về kinh tế - xã hội, đòi hỏi cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thay đổi cơ cấu sản xuất, phân công lao động... Do đó, dẫu quan tâm đến các ngành hot thì Chính phủ vẫn nên có các chính sách để thu hút học sinh chọn các ngành khoa học cơ bản, tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước” - GS Nguyễn Trung Việt nêu quan điểm.

Nguồn: báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi