Trong trường hợp quyết định rút hồ sơ, TS nên rút trước ngày 19/8 (20/8 là thời hạn chót) để tránh tình trạng quá tải, thậm chí là hỗn loạn vì sẽ có nhiều TS đợi đến phút chót mới đưa ra quyết định rút và nộp hồ sơ.
Sau 10 ngày thí sinh (TS) trên toàn quốc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) năm 2015 cho thấy đã có sự phân hóa cao về số lượng lẫn điểm số giữa các trường. Điều này đã khiến rất nhiều TS rơi vào tình trạng thấp thỏm không biết nên tiếp tục “bám trụ” hay nên rút, bởi cơ sở duy nhất để TS có thể dựa vào làm căn cứ đến thời điểm này chủ yếu là dữ liệu về TS đăng ký được cập nhật 3 ngày/lần trên website chính thức của trường.
Theo thông tin cập nhật mới nhất trên website của Đại học Công nghiệp Hà Nội, tính đến chiều 10/8, đã có 23.545 TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, bao gồm cả hệ ĐH và CĐ trên tổng số gần 7.000 chỉ tiêu. Trong đó, TS đạt điểm cao nhất là 27,75 điểm. Đây cũng là trường ĐH có số lượng TS đăng ký “khủng” nhất tại khu vực phía Bắc. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã nhận được hơn 5.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển trên tổng số 6.000 chỉ tiêu tuyển sinh.
Nhóm ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa thuộc top đầu của trường chiếm số lượng hồ sơ đăng ký lớn nhất với hơn 1.000 bộ. Nhóm ngành Công nghệ thông tin cũng thuộc top đầu của Đại học Bách khoa có 550 hồ sơ đăng ký. Nhóm ngành Hóa - Sinh - thực phẩm - môi trường có 612 hồ sơ đăng ký.
ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội nhận được khoảng 4.000 hồ sơ trên 4.800 chỉ tiêu tuyển sinh. Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội hiện cũng đã nhận được hơn 1.300 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Trong đó, ngành “hot” nhất - Kinh tế đối ngoại chiếm tới hơn 810 hồ sơ.
Theo thống kê của Học viện Ngoại giao Hà Nội, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có hơn 300 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Ngành Quan hệ quốc tế áp đảo với hơn 100 hồ sơ, tiếp đến là ngành Ngôn ngữ Anh với 50 hồ sơ. Trong đó, TS đạt điểm cao nhất là ngành Ngôn ngữ Anh với 33,75 điểm.
Còn theo thống kê của ĐH Y Hà Nội, ngành Bác sỹ đa khoa có số lượng đăng ký nguyện vọng 1 nhiều nhất với hơn 500 hồ sơ, tiếp đến là ngành Bác sỹ răng hàm mặt với 335 hồ sơ, các ngành còn lại như Bác sỹ y học dự phòng, y học cổ truyền và cử nhân điều dưỡng đều có số lượng xấp xỉ nhau với gần 60 hồ sơ.
Trong đó, hiện ngành Bác sỹ đa khoa đang có mức tổng điểm xét tuyển cao nhất (tổng điểm của tổ hợp xét tuyển + điểm ưu tiên) là 32,25. Số TS đạt từ 26,75 trở lên là 441 em, từ 27,0 trở lên là 425. Với mức điểm này, nhiều người dự đoán điểm chuẩn vào ngành Bác sỹ đa khoa năm nay sẽ không dưới 26 điểm (điểm chuẩn năm 2014 là 25,5 điểm)...
Chia sẻ với PV Báo CAND về thời điểm nào TS nên rút hồ sơ, bà Nguyễn Thị Thìn, Trường phòng Đào tạo Học viện Ngoại giao cho rằng: Năm nay TS có thuận lợi hơn năm trước là biết điểm rồi mới nộp hồ sơ. Điều này giúp các em tăng thêm cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là các em phải đưa ra được quyết định chính xác về việc liệu có nên rút hồ sơ nộp sang trường khác hay không? Nếu rút thì nên rút thời điểm nào?..
Để giải quyết chính xác vấn đề này, TS chỉ có 2 cơ sở để căn cứ. Đó là theo dõi, cập nhật liên tục về danh sách các TS đăng ký xét tuyển vào trường để xem vị trí của mình. Cơ sở thứ 2 là so sánh điểm thi với điểm chuẩn của trường năm trước, nếu điểm thi cao hơn điểm chuẩn năm trước ít nhất 2 điểm thì mới có cơ hội.
Cũng theo phân tích của bà Thìn, khó có thể đưa ra thời điểm rút hồ sơ cho tất cả TS vì dữ liệu của mỗi em và mỗi trường là khác nhau và dữ liệu này biến động liên tục theo từng ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp quyết định rút hồ sơ, TS nên rút trước ngày 19/8 (20/8 là thời hạn chót) để tránh tình trạng quá tải, thậm chí là hỗn loạn vì sẽ có nhiều TS đợi đến phút chót mới đưa ra quyết định rút và nộp hồ sơ.
Sẽ chấm dứt tình trạng thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt, thấp lại đỗ
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 10/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Trước đây học sinh nộp hồ sơ xong mới thi nên rất tù mù. Nhiều em điểm cao đăng ký trường quá cao thì trượt trong đó có những em điểm thấp lại đỗ.
Năm nay, tổ chức thi xong, biết điểm các em mới nộp hồ sơ, vừa có thể lượng sức mình, vừa được phép thay đổi nguyện vọng. Mục tiêu là tránh hiện tượng điểm cao vẫn trượt, điểm thấp vẫn đỗ và tạo điều kiện để các trường chọn học sinh tốt nhất.
“Để đạt được mục tiêu đó thì các TS phải lo lắng, theo dõi để quyết định rút ra rút vào. Tuy rắc rối chút ít trong vài chục ngày nhưng sẽ tránh được tình trạng oan ức một năm, thậm chí một đời. Cả hệ thống chúng ta đang phải làm việc vất vả, khó khăn hơn trước nhưng chúng ta sẵn sàng nhận khó về mình để tạo cơ hội cho các cháu lựa chọn tốt nhất”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Trích nguồn: Báo CAND Online Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK