Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố đường dây nóng tuyển sinh ĐH, CĐ 2014

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014.

Theo đó, thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi; coi thi; thanh tra công tác chấm thi, chấm kiểm tra, chấm phúc khảo; thanh tra việc xác định chỉ tiêu và xét tuyển.

Với công tác chuẩn bị thi sẽ thanh kiểm tra việc ban hành các văn bản để triển khai công tác tuyển sinh của Giám đốc đại học, học viện, Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các văn bản về tuyển sinh; phương án, kế hoạch, công tác tuyên truyền về tuyển sinh và các văn bản phối họp với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan; việc tổ chức học tập quy chế và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cho những người tham gia kỳ thi và thí sinh.

Đoàn Thanh tra Bộ GD&ĐT ghi nhận túi bài thi tại điểm thi
Trường ĐH Lạc Hồng kỳ tuyển sinh 2013

Việc thành lập Hội đồng tuyển sinh (HĐTS), thanh tra kỳ thi và các Ban giúp việc cho HĐTS (Ban Thư ký, Ban Đề thi, Ban Coi thi, Ban Chấm thi, Ban Chấm kiểm tra, Ban Phúc khảo ...) và bố trí lực lượng tham gia kỳ thi.

Việc bảo đảm cơ sở vật chất, trong đó đặc biệt lưu ý cơ sở in sao đề thi, khu vực thi, phòng thi..; các phương án đảm bảo an toàn kỳ thi: đảm bảo an toàn các khâu giao, nhận, vận chuyển đề thi tới các điểm thi, an ninh - trật tự, giao thông, điện, y tế, phòng cháy chữa cháy và các nội dung liên quan khác. Việc thu nhận hồ sơ, tổ chức các điểm thi.

Công tác coi thi sẽ thanh tra phương án tổ chức, bố trí lực lượng và các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn cho kỳ thi.

Việc thực hiện lịch thi; công tác điều hành của Trưởng ban coi thi, Trưởng điểm thi và các thành viên.

Việc phân công cán bộ coi thi, quy định về vị trí chỗ ngồi của thí sinh trong phòng thi ở các buổi thi; quy trình giao, nhận đề thi; giao, nhận và quản lý đề thi thừa.

Việc thực hiện nhiệm vụ (trong đó đặc biệt lưu ý về trách nhiệm) của cán bộ coi thi, thanh tra thi và các lực lượng tham gia kỳ thi; quy trình thu bài, giao, nhận, bảo quản bài thi.

Việc xử lý vi phạm quy chế với các đối tượng tham gia kỳ thi.

Thanh tra công tác chấm thi, chấm kiểm tra, chấm phúc khảo. Cụ thể: Việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ chấm thi và thủ tục mời người ngoài cơ sở đến chấm thi (nếu có); việc bố trí phòng giao, nhận bài thi; phòng chấm thi lần 1, lần 2 đối với môn tự luận, phòng chấm trắc nghiệm; địa điểm làm phách, thực hiện quy trình làm phách và công tác bảo mật phách.

Việc tổ chức nghiên cứu quy chế và các văn bản khác liên quan đến chấm thi cho các thành viên Việc thực hiện các quy định chấm thi:

Thanh tra việc xác định chỉ tiêu và xét tuyển. Đối với các trường tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh riêng đã được Bộ GD&ĐT xác nhận thì thanh tra điều kiện trúng tuyển theo Đề án tuyển sinh của Trường.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập đoàn thanh tra hoặc cử cán bộ thanh tra để tiến hành thanh tra tuyển sinh theo quy định. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra hoặc cử cán bộ thanh tra.

Các đoàn thanh tra coi thi, chấm thi sẽ tiến hành theo hình thức thanh tra không báo trước.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh đối với các trường trực thuộc theo quy định…

Bộ GD&ĐT yêu cầu đoàn thanh tra của các Bộ, các tỉnh, các Sở GD&ĐT và của cơ sở giáo dục đại học báo cáo Bộ GD&ĐT (bằng văn bản) về công tác thanh tra, kiểm tra coi thi, chấm thi chậm nhất 2 ngày khi kết thúc thanh tra, kiểm tra. Trong tình huống đặc biệt, cần xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT bằng phương tiện thông tin nhanh nhất.

Đối với thanh tra của Bộ GD&ĐT: Đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra phải báo cáo nhanh về tình hình tổ chức thi và thực hiện quy chế thi của các Hội đồng tuyển sinh nơi đến thanh tra bằng fax hoặc email về Thanh tra Bộ GD&ĐT ngay sau mỗi buổi thi.

Khi có tình huống đặc biệt, dù đã thống nhất giải quyết cũng phải báo cáo ngay về Bộ GD&ĐT (qua Thanh tra Bộ) bằng phương tiện thông tin nhanh nhất.

Trong trường hợp giao nhầm đề thi, phát hiện nội dung đề thi có sai sót, có dấu hiệu lộ đề thi, khu vực thi bị mất trật tự nghiêm trọng,... Đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra phải báo cáo về Bộ GD&ĐT để được chỉ đạo xử lý kịp thời.

Đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra phải chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo cũng như việc không báo cáo hoặc báo cáo không chính xác, không kịp thời.

Ngoài báo cáo nhanh, khi kết thúc kỳ thi, các Đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra phải gửi các biên bản, báo cáo về công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi cho Thanh tra Bộ GD&ĐT.

Biên tập: Hồng Thắm – Trung tâm TTKH & TLGK
Trích nguồn: Báo Giáo dục Thời đại.vn

Gửi cho bạn bè