Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục

Sáng 29/9, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục Việt Nam (1945-2015) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VI.

Đến dự Lễ kỷ niệm có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước; lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng hơn 400 thầy cô giáo tiêu biểu cho hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên trong cả nước…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Bộ GD&ĐT.

Tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ngành giáo dục cần phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng của ngành, tiếp tục phát huy và nhân rộng nhiều hơn nữa những mô hình mới, cách làm hay của các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tấm gương tiêu biểu có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định ngay từ ngày đầu thành lập nước năm 1945, Bác Hồ đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và Người kêu gọi toàn dân chống nạn thất học, “diệt giặc dốt”, coi đây là khâu đột phá để nâng cao dân trí. Phong trào "Bình dân học vụ" đã đạt được kết quả quan trọng trong việc xóa mù chữ, ngành giáo dục đã có sự phát triển và thay đổi về chất và bước đầu hình thành xã hội học tập. Dù phải dạy và học ở các vùng an toàn khu, trong những điều kiện học tập vô cùng khó khăn, nhưng ngành giáo dục trong 9 năm kháng chiến đã đào tạo được một thế hệ nhân lực có phẩm chất và năng lực, trình độ cao, đặt nền móng vững chắc cho nền giáo dục nước nhà.

“Chúng ta có quyền tự hào rằng, nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ, cứ 1 triệu người dân mới có 32 người có trình độ CĐ, ĐH thì ngày nay chúng ta đã hoàn thành phổ cập tiểu học năm 2000, hoàn thành phổ cập THCS năm 2010 và đang phổ cập mầm non 5 tuổi. Mỗi năm có 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT, gần nửa triệu học sinh vào học tập tại các trường ĐH, CĐ”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Dẫn lại số liệu năm 1989, thu nhập đầu người của nước ta mới đạt 97 USD/năm, nhưng đến năm 2014 đã đạt trên 3.000 USD/năm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cho rằng những thành tựu to lớn đó là sự đóng góp của hàng chục triệu người lao động Việt Nam, sự đóng góp của nền giáo dục Việt Nam.

Thành tựu to lớn đó của ngành giáo dục 70 năm qua gắn liền với kết quả của các phong trào thi đua yêu nước, như lời dạy của Bác Hồ trong bức thư Người gửi ngành giáo dục năm 1968 “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Đó là hàng triệu tấm gương tập thể, cá nhân là các điển hình tiên tiến, hàng vạn tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú…

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 5 năm từ 2010 đến 2015, toàn ngành giáo dục đã có 11 tập thể được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 110 cá nhân được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 79 Nhà giáo Nhân dân và hơn 1.000 Nhà giáo Ưu tú. Cùng với đó là biết bao thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đang miệt mài, âm thầm, sáng tạo, lặng lẽ vượt lên mọi khó khăn, bám trường, bám lớp để chăm lo, nuôi, dạy các em học sinh thành người.

Trong lễ kỷ niệm, các đại biểu đã dành những giây phút tưởng nhớ tới những vị Bộ trưởng của ngành giáo dục trong suốt 70 năm qua: Vũ Đình Hòe, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh năm học 2015-2016 là năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngành giáo dục cần tạo điều kiện, chuyển biến về cơ bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân, giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đóng góp và làm việc hiệu quả, xây dựng nền giáo dục mới mở, thực học, thực nghiệp, dậy tốt, học tốt, quản lý tốt.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết hiện cả nước có hơn 23 triệu người đến trường học tập, hơn 1 triệu thầy cô giáo. Mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển mạnh, phân bố đều khắp ở các địa phương. Cơ sở vật chất-kỹ thuật của giáo dục được tăng cường và từng bước hiện đại hóa. Xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Ngành giáo dục đã tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả việc đổi mới nhận thức trong cán bộ quản lý, các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và cộng đồng xã hội; tập trung xây dựng Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng thời chỉ đạo đổi mới đồng bộ cách tiếp cận và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng chuyển mạnh từ phương thức giáo dục nặng về trang bị kiến thức một chiều sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chia sẻ, tuy đạt được kết quả rất đáng tự hào nhưng so với yêu cầu phát triển đất nước, giáo dục và đào tạo nói chung, công tác thi đua, khen thưởng của ngành nói riêng còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo, toàn ngành quyết tâm tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, sâu sắc và hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tổ chức thực hiện có chiều sâu và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tạo chuyển biến căn bản, thực chất về giáo dục và đào tạo.

* Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ GD&&ĐT, phần thưởng ghi nhận những đóng góp của ngành giáo dục trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc..

Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè