Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giúp giảng viên tạo “nét riêng” bằng tự học của học viên

Tự học, tự nghiên cứu là khâu then chốt, có tầm quan trọng đặc biệt trong chuẩn bị bài giảng của bất kỳ một giảng viên nào.

Tự học quyết định “nét riêng” của mỗi giảng viên

Tự học, tự nghiên cứu có tầm quan trọng đặc biệt trong qua trình “bếp núc” của người giảng viên, đặc biệt là yêu cầu cao của quá trình đào tạo.

Kết quả tự học, tự nghiên cứu không chỉ góp phần hoàn thiện kiến thức, cập nhật thông tin mới, tri thức mới mà còn giúp giảng viên nghiền ngẫm sâu hơn, nhuần nhuyễn hơn để giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình truyền đạt tri thức đến sinh viên.

Hoạt động này là nhân tố cơ bản có tính chất quyết định chất lượng bài giảng và hình thành “nét riêng” của từng giảng viên. Và, cũng chỉ có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người học, người nghe, vì những sự kiện trong đời sống chính trị - xã hội của một quốc gia hay trên thế giới, diễn ra và thay đổi hàng ngày.

Đặc biệt, với các ngành khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, lý giải và định hướng những diễn biến phức tạp này như thế nào để người học có niềm tin lạc quan vào cuộc sống.

Và, người giảng viên phải phân tích để sinh viên tin tưởng đồng thời có thái độ đúng đắn không bi quan trước các hiện tượng tiêu cực của xã hội hiện nay.

Tuy nhiên, tự học, tự nghiên cứu như thế nào mang lại hiệu quả, thực sự lại là vấn đề thời sự được nhiều giảng viên quan tâm.

Với yêu cầu của phương pháp dạy học “lấy học viên làm trung tâm”, nghĩa là giảng viên phải tổ chức để sinh viên được hoạt động, được tìm hiểu, khám phá tri thức, hay nói cách khác là được giao lưu, chia sẻ.

Và, các học viên thành “người trong cuộc” trong quá trình dạy và học, học viên chủ động cùng giảng viên tìm tòi khám phá để chiếm lĩnh những nội dung cơ bản của bài học.

Chính vì vậy mà giảng dạy trong đào tạo được hiểu “là dạy phương pháp học” cho học viên và việc tự nghiên cứu để truyền đạt tri thức và cách tự học, tự nghiên cứu cho học viên là điều hết sức quan trọng và cần thiết.

"Chúng ta đều biết, trong đào tạo kiến thức của bài học phải là tổng thể của phần kiến thức học viên thu lượm được trong bài giảng của giảng viên ở trên lớp và phần tự học, tự nghiên cứu ở nhà. Do đó, đòi hỏi khối lượng tri thức sâu rộng mang tính lý luận, tính thực tiễn và tính thời sự của giảng viên là không thể thiếu được.

Vì, học viên cũng tự học, tự nghiên cứu tự giác có mục đích rất rõ nhưng nếu thiếu định hướng của giảng viên thì e rằng việc nắm bắt tri thức khoa học xã hội sẽ không toàn diện và sâu sắc.

Với giảng viên tự học, tự nghiên cứu phải thực sự coi đây là một nhu cầu tất yếu, đòi hỏi tính tự giác tích cực với các hoạt động như: Đọc sách, báo, nghe, nhìn, nghiên cứu tài liệu, hoặc nghiên cứu khoa học, nghiền ngẫm viết tham luận tham gia các hội thảo khoa học các cấp …

Muốn vậy, phải có ý thức tự học, tự nghiên cứu là trước tiên và thường xuyên. Nhất là, trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, muốn tự học, tự nghiên cứu đạt hiệu quả thì phải biết chia xẻ và hợp tác, biết thẩm định và đánh giá, đối chiếu, so sánh và biêt rút ra những kết luận bồi đắp cho nhận thức của mình".

Những yêu cầu quan trọng

Để hoạt động tự học, tự nghiên cứu đạt hiệu quả cao và thật sự góp phần tích cực “tự nâng cao” trình độ của chính mình, nhà trường cần thiết phải có một sự quan tâm thích đáng cho hoạt động tự học, tự nghiên cứu của giảng viên trong tính giờ thực hiện trong năm.

Hoạt động giảng dạy của giảng viên, phải được bộ môn, khoa kiểm tra, đánh giá xếp loại bài giảng của giảng viên; tổ chức dự giờ, xem xét việc hướng dẫn sinh viên viết khóa luận, chuyên đề cuối khóa của ngành đào tạo; phổ biến những kết quả nghiên cứu của giảng viên. Giảng viên phải tích cực dành thời gian để tự học, tự nghiên cứu để làm mới chính bản thân mình.

Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy của mình, giảng viên phải chuẩn bị bài giảng chu đáo, thiết kế bài giảng sao cho sinh động, cuốn hút và khơi dậy sự ham hiểu biết, tìm tòi sáng tạo của học viên.

Phải tích cực huy động kiến thức học viên đã có, đã được học để tiếp thu cái mới; lôi cuốn học viên tham gia giải quyết những tình huống có vấn đề.

Điều này sẽ giúp học viên dễ nắm bắt, mau hiểu, dễ nhớ những nội dung cần truyền đạt và qua đó buộc sinh viên biểu đạt những suy nghĩ của mình về những nội dung đã được nghe giảng viên trình bày.

Sau mỗi bài học, giảng viên rất cần thiết định hướng cho học viên cách hiểu tổng quát về nội dung bài học sau khi đã dự giờ trên lớp, dứt khoát phải có hướng dẫn của giảng viên.

Giảng viên phải lựa chọn nội dung, vấn đề và chỉ rõ mục đích, yêu cầu nghiên cứu, gợi ý cách thức thực hiện cho học viên.

Cuối cùng, muốn tự nghiên cứu tốt cũng phải biết cách tìm kiếm tài liệu, chia sẻ thông tin và xử lý thông tin khi mà hiện nay thông tin các loại và các cấp độ đang tác động vào thói quen và cả nếp tư duy của chúng ta.

Trích nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

Gửi cho bạn bè