Chị Kim Ngân (nhà ở phường Tân Hưng Thuận quận 12) có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Thần Đồng cho biết gần trưa thứ sáu vừa qua (tức ngày 18/2) bỗng nhiên chị nhận được thông báo đột ngột của cô giáo chủ nhiệm rằng lớp có một bé bị F0 nên cô nhờ phụ huynh đến trường ngay để đón các con về nhà.
Đồng thời, cô giáo còn căn dặn phụ huynh theo dõi con em mình tại nhà, nếu bé nào có triệu chứng nghi ngờ thì phụ huynh đưa bé đến Trạm Y tế phường Tân Hưng Thuận để test COVID-19. Và dĩ nhiên lớp sẽ lại quay trở lại học trực tuyến bắt đầu từ ngày hôm sau cho đến khi có thông báo mới.
Tương tự là anh Q.M, phụ huynh học sinh lớp 4 tại Trường Tiểu học Phong Phú (TP Thủ Đức) cũng vừa cho con đi học được vài ngày, chưa kịp mừng vì được thoải mái làm việc nơi công sở thì anh cũng nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm yêu cầu đến trường đưa con về như trường hợp của chị Kim Ngân kể trên.
Theo thông báo của cô giáo, trong lớp có học sinh bị sốt, nghi nhiễm COVID-19. Để an toàn cho học sinh, tất cả phụ huynh đến trường đưa con về và chờ thông báo của giáo viên. Sau khi nhận tin từ cô giáo, anh Q.M phải xin phép lãnh đạo để tức tốc về đón con. Điều đáng nói là thời gian qua, vợ chồng anh đã phải rất cập rập để sắp xếp công việc thay phiên nhau ở nhà trông và cho con học online…
Một trường hợp khác là anh P.L có con đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cũng đau đầu tìm cách ứng phó khi con anh sẽ phải học online ở nhà 14 ngày bắt đầu từ ngày 21/2 (sau một tuần học bán trú tại trường) vì trong lớp xuất hiện 2 ca F0.
Theo anh P.L, chiều tối Chủ nhật vừa qua (20/2), các phụ huynh trong lớp đột ngột nhận được thông báo trong nhóm phụ huynh của cô giáo chủ nhiệm cho biết lớp có hai bé mắc COVID-19 nên cả lớp sẽ lại ở nhà học online trong 2 tuần (kể từ ngày 21/2). Đọc xong thông báo của giáo viên, vợ chồng anh P.L thở dài chán nản.
Cùng chung cảm xúc như anh P.L, các phụ huynh khác có con cùng lớp với con anh P.L cũng tỏ ra rối bời. Như chị Lê Oanh bày tỏ: “Lòng dạ tôi rối bời, con vừa hí hửng đi học. Giờ ba mẹ đi làm hết, con ở nhà với ai?”. Chị Nguyệt Minh cũng buồn bã: “Thực trạng chung của các phụ huynh có con học lớp 1 là muốn cho con học bán trú vì yêu cầu công việc cũng như sinh hoạt của gia đình. Mà các con được đi học rất hào hứng và nhiệt tình. Ai ngờ đâu mới được có 1 tuần lại phải quay trở lại học online. Con gái em khi biết phải quay lại học online thì tỏ ra rất buồn, mà có lẽ đa số các bé cũng vậy. Buồn rầu theo tụi nhỏ luôn”…
Theo các phụ huynh, hiện nay do yêu cầu công việc, các cơ quan, công ty đều yêu cầu nhân viên phải đi làm đầy đủ, đúng giờ. Với quy định cứ lớp nào xuất hiện FO thì cả lớp buộc phải học online 2 tuần như hiện nay, phụ huynh không thể ổn định công việc mà các con cũng chẳng thể tập trung học hành được.
Trước khi tổ chức cho học sinh đồng loạt đến trường trở lại học tập trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có những hướng dẫn sát sao trong việc xử lý trường hợp F0 xuất hiện trong trường học. Các cơ sở giáo dục cũng lên phương án kỹ càng, tập huấn và sẵn sàng đón học sinh đến trường. Tuy nhiên, khi tổ chức thực tế, tình hình ca nhiễm tăng nhanh là điều khiến phụ huynh lo lắng, đứng ngồi không yên như tình trạng kể trên.
Điều đáng nói là hiện nay hầu hết các em học sinh tiểu học và THCS chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Chưa kể việc cho trẻ học kiểu pha trộn giữa trực tuyến - trực tiếp như hiện nay cũng tiềm ẩn rất nhiều vấn đề đáng nói về chất lượng dạy và học cũng như cách tiếp thu của học sinh.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đối với học sinh tiểu học là F0, F1, theo đúng quy định của Bộ Y tế vẫn phải cách ly 14 ngày. Đây là đối tượng chưa tiêm vaccine nên vẫn phải áp dụng chặt việc cách ly. Bên cạnh đó, Sở đặc biệt lưu ý và tầm soát kỹ đối tượng bảo mẫu tiếp xúc trực tiếp khi chăm sóc trẻ.
Cần có giải pháp bền vững
Thông tin tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, các cơ sở giáo dục, các trường đã tổ chức nhiều hoạt động đón trẻ, tương tác tốt với trẻ nên tránh được sự bỡ ngỡ khi trẻ lần đầu đến trường. Công tác phòng, chống dịch được triển khai đúng kế hoạch, có sự hỗ trợ chặt chẽ của y tế địa phương nên xử lý kịp thời, đúng quy trình khi có F0.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo đang giám sát chặt học sinh trong các trường qua tầm soát lấy mẫu ngẫu nhiên; đồng thời, quan sát các trường, khu vực có ca dương tính để xử lý kịp thời…
Tính từ ngày 14/2, khi trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 trực tiếp đi học, tỷ lệ trẻ đến trường đã tăng dần. Tính đến ngày 17/2, tỷ lệ trẻ mầm non đến trường đạt 66,33%, tiểu học 95,99%, THCS 96,89%, THPT 98,93%. Tuy nhiên, số ca F0 trong trường học có dấu hiệu tăng nhẹ mỗi ngày. Ngày 14/2, toàn thành phố có 27 F0 trong trường học; ngày 15/2 có 50 F0. Ngày 16/2 có 86 F0, dự kiến số F0 sẽ tiếp tục tăng nhẹ…
Nhiều phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh cho rằng, công sức gìn giữ mấy tháng trời con không sao, nay mới đi học trở lại đã bị nhiễm COVID-19. Không ít gia đình có ông bà đã lớn tuổi bị nhiều bệnh nền sợ các con về lây cho cả nhà. Các phụ huynh nóng ruột lo cho con nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Theo ý kiến của các phụ huynh, nếu quan sát con mình có triệu chứng liên quan đến dịch bệnh thì tự cho nghỉ ở nhà và báo với thầy cô giáo chủ nhiệm lớp. Ngành y tế cũng cần nghiên cứu hình thức xét nghiệm bằng nước bọt để tránh làm tổn thương cho trẻ.
Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các hoạt động để kiểm soát dịch bệnh. Như phối hợp Sở GD&ĐT triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học; tăng cường giám sát không để dịch lây lan; tổ chức tập huấn phát hiện sớm và xử trí ban đầu đối với các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm COVID-19 phát hiện tại trường học cho nhân viên phụ trách y tế, giáo viên của các trường học.
Đồng thời, phối hợp với UBND quận, huyện và Ban quản lý ký túc xá các trường đại học kiểm soát và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các ký túc xá; xem xét đề xuất thành lập khu cách ly y tế cho sinh viên là F0, F1.
Nguồn: Báo CAND