Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Dấu ấn của Bộ trưởng giáo dục tại vị 29 năm

Đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thường đạp xe từ chiến khu đi khắp các tỉnh miền Bắc, Liên khu 4 để thăm trường, nói chuyện với thầy trò. Có lần, ông bị té xuống sông trên đường đi công tác.

Nằm ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội), Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên do gia đình vị cố bộ trưởng giáo dục mở ra. Bảo tàng rộng hơn 150 m2, ghi lại những dấu ấn khó phai của gia đình cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên mà qua đó có thể thấy được cả thời kỳ biến động của lịch sử đất nước. Tuổi trẻ, cuộc đời và dấu ấn gần 30 năm lãnh đạo ngành giáo dục của ông được thể hiện qua hơn 400 hiện vật trưng bày tại đây.

GS.TS Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) cùng vợ Vi Kim Ngọc.
Ông là người giữ cương vị bộ trưởng Bộ Giáo dục 29 năm và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ảnh tư liệu.

Ông Nguyễn Văn Huyên giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) từ năm 1946 đến 1975, là "tư lệnh" tại vị lâu nhất của ngành cho đến nay. Sau cách mạng tháng Tám, từ việc xóa nạn mù chữ cho nhân dân đến hai cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (năm 1950) và lần thứ hai (năm 1956), xây dựng nền giáo dục phát triển qua hai cuộc kháng chiến đều mang đậm "dấu ấn Nguyễn Văn Huyên".

Tôn chỉ, tâm huyết dành cho sự nghiệp giáo dục của ông thể hiện rõ trong bài diễn văn nổi tiếng tại lễ khai giảng năm học đầu tiên của ĐH Quốc gia Việt Nam, ngày 15/11/1946: "…Dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa, còn nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hóa nhân loại. Chúng tôi muốn nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam…".

Ông Phạm Trọng Đang, người thư ký đầu tiên của ông Huyên kể lại: "Cùng với tập thể lãnh đạo Bộ, anh Huyên đề ra những kế hoạch rất sát và kịp thời. Từ việc củng cố tổ chức, di chuyển cơ quan bộ từ miền xuôi lên Việt Bắc để tránh sự tấn công của địch, cho đến việc thành lập các khu giáo dục dựa theo các khu kháng chiến và việc chấn chỉnh cơ quan giáo dục tỉnh để chỉ đạo việc học tập của học sinh toàn quốc".

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bộ Giáo dục tản cư về chiến khu Việt Bắc. Nhiệm vụ hàng đầu của ngành lúc này là xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa cho nhân dân. Dù thiếu thốn trăm bề nhưng các ngành bình dân học vụ, giáo dục phổ thông ở vùng tự do vẫn phát triển mạnh. Sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, chương trình học của các cấp dần được biên soạn và hoàn chỉnh. Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn ngành mà đến năm 1948, trên 90% dân số Việt Nam biết chữ. Do có kinh nghiệm trong việc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục nên những năm sau này, Bộ trưởng Huyên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao cho nhiệm vụ phát triển quan hệ với các nước châu Phi bằng cách đưa chuyên gia sang giúp đỡ họ xây dựng nền giáo dục.

Đất nước vừa kháng chiến vừa học tập, công cuộc xóa mù chữ diễn ra mạnh mẽ ở cả hai miền Nam Bắc. Năm 1948, khi nhận được thư của đặc phái viên Phạm Văn Đồng đề nghị lo nhiều hơn tới công tác giáo dục ở miền Nam, Bộ trưởng Huyên đã ký quyết định thành lập Nha giáo dục Nam Bộ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1949, công cuộc Bình dân học vụ ở đây thu được thắng lợi lớn, hơn 2.300 đoàn viên tổ chức dạy 1.935 lớp học, thanh toán xong nạn mù chữ ở 231 thôn trong 17 tỉnh Nam Bộ. Đến năm 1956, Bình dân học vụ Nam Bộ đã dạy hơn 2 triệu đồng bào biết đọc biết viết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên trong một lần về thăm cơ sở giáo dục.  Ảnh tư liệu

Bộ trưởng Huyên trăn trở "Có đủ giáo viên, có giáo viên giỏi thì mới chia được chữ cho nhân dân". Các lớp sư phạm cấp tốc, trường cao đẳng sư phạm, lớp sư phạm ngang với bậc trung học phổ thông và chuyên khoa các trường đại học sư phạm lần lượt ra đời. Ông trực tiếp chỉ đạo các trường đại học Sư phạm, Cục Đào tạo chăm lo đến công tác bồi dưỡng giáo viên và nhấn mạnh rằng "giáo viên là người của Đảng, là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa nên phải được bồi dưỡng thường xuyên".

Trong ký ức nhiều thế hệ thầy trò thuở ấy, nhắc đến bộ trưởng giáo dục là nhớ hình ảnh ông cùng người bảo vệ đạp xe từ chiến khu đi khắp các trường ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng vào tận Liên khu 4. Ông Phạm Trịnh Cán, Chánh Văn phòng Bộ khi ấy từng kể rằng Bộ trưởng Huyên rất hay "la cà" với giáo viên dự hội nghị để nghe ngóng ý kiến. Khi đi công tác, ông không bao giờ báo trước với địa phương mà đạp xe thẳng đến trường rồi dành trọn một ngày để nghe báo cáo và thảo luận chứ không thăm hỏi qua loa.

Trèo đèo lội suối đi khắp các trường học, nhiều lần ông gặp tai nạn bất ngờ. Năm 1951, trong chuyến đi họp Chính phủ trở về phải vượt qua sông, trời chạng vạng tối, cả thuyền bị chìm. Bộ trưởng Huyên không biết bơi, bị chìm nghỉm. Đến khi cả đoàn kiểm tra danh sách phát hiện thiếu ông mới cuống lên đi tìm. May mắn ông ngoi lên bám vào cây sào và thoát chết.

Năm 1954, miền Bắc giải phóng, Bộ Giáo dục từ chiến khu trở về Hà Nội, tiếp quản các cơ sở giáo dục. Ngành giáo dục có những nhiệm vụ mới: trên cơ sở hoàn thành gấp rút việc thanh toán nạn mù chữ, phải đẩy mạnh công tác bổ túc văn hóa; đào tạo thế hệ trẻ tài năng cống hiến cho đất nước; đào tạo nhanh chóng đội ngũ đông đảo những cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề. Ông ký quyết định mở hàng loạt trường sư phạm từ sơ cấp, trung cấp đến đại học, mở đầu công cuộc kiến thiết nền giáo dục đại học của quốc gia. Tính đến năm 1965, cả nước có 17 trường đại học, hơn 2.700 cán bộ giảng dạy và gần 30.000 sinh viên với tổng số 97 ngành học.

Dấu ấn của vị bộ trưởng giáo dục in đậm qua từng chặng đường lịch sử của đất nước. Khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại, ông thường đến những vùng núi xa xôi, hẻo lánh để dự giờ, động viên thầy trò khi lớp phải học dưới hầm tránh máy bay. Ông cử hàng loạt cán bộ đi học nước ngoài để xây dựng đội ngũ trẻ cho khoa học, giáo dục; thực hiện nhiều chuyến khảo sát kinh nghiệm của các nước Liên Xô, Đức để chuẩn bị cho công cuộc cải cách giáo dục mới.

Một góc bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Hoàng Phương.

Sau ngày hòa bình lập lại, Bộ trưởng Huyên nhận thấy tầm quan trọng, yêu cầu cấp thiết của bộ môn ngoại ngữ. Bộ Giáo dục đã đề nghị Hội đồng Chính phủ khẳng định vị trí của môn ngoại ngữ trong chương trình học phổ thông và quyết định dạy 4 thứ tiếng: Nga, Hoa, Anh, Pháp. Nguyện vọng của Bộ trưởng Huyên là việc dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông phải giúp cho học sinh sau khi học liên tục 6 năm về một ngoại ngữ có thể đọc được những sách thông thường, những truyện ngắn cho thiếu niên. Số từ tối thiểu trong số từ cơ bản nhất của ngoại ngữ là khoảng 3.000.

"Bông hoa của chế độ" là từ ngữ quen thuộc để nói về thành quả nền giáo dục mà cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cùng đồng nghiệp đã dày công xây dựng trong suốt 29 năm. Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19/10/1975 trong cuộc phẫu thuật ở Đức, ông vẫn đang giữ cương vị Bộ trưởng Bộ giáo dục.

Đánh giá những đóng góp của ông cho nền giáo dục nước nhà, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dành những lời khen ngợi: "Có thể nói ngay mấy việc lớn mà ông, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong suốt 30 năm đã làm được cho sự nghiệp giáo dục. Thứ nhất là chống nạn mù chữ mà ông là người lãnh đạo, một chiến sĩ xung kích; thứ hai là lãnh đạo việc dùng tiếng Việt trong sự nghiệp giáo dục; thứ ba là mặc dù kháng chiến nhưng vẫn xây dựng, giữ vững và phát triển hệ thống các trường học, nhất là trường đại học trên chiến khu; thứ tư là động viên các em học sinh đi học trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Hoàn thành các công việc này trong những hoàn cảnh khó khăn lạ lùng của cuộc kháng chiến chứng tỏ ông là người có một ý thức trách nhiệm, lương tâm nhà nghề cực kỳ đẹp đẽ".

Trích nguồn: Báo Vnexpress.net
Tác giả: Hoàng Phương
Biên tập: Mai Loan

Gửi cho bạn bè