Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Truyện ngắn Bình minh Đăk D’rao - Tác giả: Bùi Tuấn Minh

Ban biên tập Website nhà trường xin giới thiệu truyện ngắn Bình minh Đăk D’rao, truyện đã được đăng trên báo Văn nghệ Công an số 613 (tháng 8/2022)

Link truyện: https://cand.com.vn/Truyen/binh-minh-dak-drao-i662093/

Trung tá Bùi Tuấn Minh.

 

BÌNH MINH ĐẮK D’RAO

                                                                                          Bùi Tuấn Minh

Những tháng ngày đen tối, âm u, giữa cánh rừng bên đất Campuchia, có nhóm người lặng lẽ trong đêm, bám theo con đường mòn về hướng đông. Họ đã đi mấy ngày nay mệt mỏi, đói lả, nhiều người đã chết, những người còn sống phải đi tiếp, họ không thể dừng lại. Phía sau, quân lính Pôn Pốt truy đuổi gắt gao. Bên kia cánh rừng là sự sống, “Việt Nam trước mặt rồi” có tiếng nói đủ nghe, lòng người hân hoan, phấn khích tột độ. Bỗng những tràng đạn vang lên từ sau lưng, rách toạc đêm, những tia lửa từ đầu nòng súng dội đến, chằng chịt tử thần, nhiều người trúng đạn ngã xuống, họ như bầy chim tan tác.

*

“Dậy, dậy !”, sáng sớm, trạm trưởng quân y tất tưởi chạy vào lán gọi cả trạm đang say sưa trong giấc ngủ thức dậy. Mọi người khoác vội chiếc áo blu, phía ngoài bộ đội đang cõng mấy người bị thương vào lán cấp cứu của đơn vị. Đó là những người Campuchia tìm đường cứu nước may mắn sống sót đêm qua. Bộ đội phát hiện nhóm người này bị Pôn Pốt truy đuổi nên nổ súng và cứu được họ đưa về đây. Trong nhóm người ấy có một người thanh niên tên là Chey bị thương nặng nhất, tính mạng của Chey như ngàn cân treo sợi tóc, một viên xuyên qua lồng ngực, một viên vẫn nằm trong đầu. Mấy tháng sau, những người Campuchia khỏe mạnh theo quân tình nguyện Việt Nam trở về nước chiến đấu, chỉ còn duy nhất Chey vẫn trên giường bệnh bất tỉnh, mê man. Những cơn mê sảng kéo dài đến tận mùa mưa. Sau những cuộc giành giật sự sống, Chey cũng tỉnh lại. Trong đôi mắt người trở về từ cõi chết là hình ảnh người con gái đang nở nụ cười tỏa nắng đẹp như nữ thần mặt trời, điều mà Chey chưa được thấy trên khuôn mặt của những người con gái đất nước mình kể từ ngày Pôn Pốt lên nắm quyền. Ở nơi ấy, chẳng bao giờ con người có thể tin được nụ cười lại gần cái chết đến thế.

Đến giữa mùa mưa, nước kéo về đầy suối, tràn sông, sức khỏe đã dần bình phục, ngày nào Chey cũng theo L’ren lên rẫy tra hạt bắp, khi mầm non đâm chồi, là lúc tình yêu giữa hai người chớm nở. Chàng thanh niên Campuchia đã đem lòng yêu thương nữ y tá vất vả chăm sóc mình suốt những tháng ngày qua. Người con gái M’Nông mồ côi cũng dành hết tình cảm cho chàng trai, mỗi lần nghe Chey ấp úng, cái giọng lai lái là cô chỉ muốn phì cười, cứ thế họ bên nhau cho đến hết mùa mưa.

Một ngày, khi những rẫy ngô xanh mướt, che khuất cả nỗi buồn, chỉ lộ ra những tiếng Chey gọi người yêu len lỏi khắp cánh rừng, Chey chạy theo bóng L’ren. Chạng vạng chiều, cuộc rượt đuổi như chạy theo nữ thần mặt trời, chạy mãi, đuổi mãi, cuối cùng bàn tay người đàn ông cũng chạm được vào bóng nắng. L’ren nức nở, ngày mai Chey phải trở về, tàn quân đã dạt đến tận biên giới phía tây, những người như anh phải trở về truy quét tàn quân và kiến thiết đất nước.

“Anh sẽ quay lại, hãy chờ anh”. L’ren nức nở, kể từ ngày cha mẹ mất, cô không khóc nữa, nhưng nay, nước mắt không ngừng chảy, chiến tranh có buông tha ai bao giờ. L’ren gục vào Chey như dựa vào thứ duy nhất còn lại. Hoàng hôn đỏ rực như đất. Trên nương, từng vạt ngô ngả xuống. Dưới đồi, suối vẫn ào ào, nước va vào đá, dội vào đất từng nhịp, từng nhịp dữ dội như tiếng thở của người.

*

Tây Nguyên mùa này hoa cà phê trắng trời, cao nguyên như mặt chiêng cồng rung lên vang vọng bởi những cơn gió hoang và nắng ngọt. Vậy mà vùng Đắk D’rao đến lạ, mưa dầm dề từ ngày Ngọc Vạn về đây, nước cào đường, xói đất chảy thành những dòng đỏ quạch. Cả tuần nay cô làm việc miệt mài như một con ong cần mẫn, đi sớm, về muộn. Cô nhận công tác trong thời điểm nhiều công việc cần phải triển khai ngay và phải hoàn thành sớm, đặc biệt là việc làm căn cước công dân và xây dựng quy chế phối hợp để triển khai quy trình đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Mấy hôm nay cô đang bị cảm vì dính nước mưa, mặt xanh xao, gầy đi trông thấy, người như bị đất vật. Mà kể, dù nắng hay mưa, kham khổ hay sung sướng thì Ngọc Vạn vẫn quyết tâm trở về, cô thuộc về vùng đất này, trong người cô là dòng máu M’Nông đang chảy, thứ chất lỏng diệu kỳ ấy như một nguồn sinh lực dồi dào, tiềm ẩn, vô hình kết nối những giấc mơ với vùng đất đỏ.

Hồi còn học thiếu sinh quân, cứ mỗi lần có đoàn văn công trên Tây Nguyên về biểu diễn là Ngọc Vạn lại háo hức trước mấy ngày, nghe tiếng cồng chiêng, ngắm những thiếu nữ mặc Nah Nrang nhảy múa cô lại rạo rực, thúc giục cô trở về nơi mình đã sinh ra. Thầy cô, bạn bè vẫn luôn nhớ hình ảnh trên sân khấu diễn viên nhảy múa, phía dưới là một cô bé đang bắt chước những động tác ấy một cách thuần thục, đáng yêu. Hết tiếc mục, cả trăm người nhìn cô bé ấy mà vỗ tay.

Khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học, cô nói nguyện vọng công tác của mình với mẹ nuôi, bà ôm cô vào lòng, nghẹn ngào. Bà nghĩ con chim non ngày nào đã đủ lông đủ cánh, muốn về với núi rừng rồi “Có là Kơ tia của cao nguyên thì vẫn là con vẹt của mẹ” nghe bà nói, lúc ấy cô chợt nhận ra mình thật ích kỷ, cái tôi cá nhân bé nhỏ dường như đang cố che mờ tấm lòng vĩ đại của bà. Công sinh không bằng công dưỡng, bà là đồng đội của mẹ ruột cô, đã dang tay cưu mang một đứa trẻ mồ côi, coi cô như con đẻ, bà nhân từ đặt di ảnh cha mẹ con nuôi trên ban thờ gia tiên, gần đến ngày giỗ, thấy cô chưa về là bà điện nhắc ngay. Mẹ nuôi hay kể cho cô nghe về mẹ đẻ của con gái, bà bảo cô thừa hưởng nét đẹp của mẹ, từ đôi mắt biết nói, làn da thăn chắc đến tính cách mạnh mẽ của người phụ nữ Tây Nguyên, nhìn thấy cô là bà nhớ người đồng chí ngày nào. Ngọc Vạn quyết định ở lại, công tác tại công an thành phố mấy năm cho đến khi mẹ nuôi mất. Lúc ấy cô mới xin về cao nguyên, trong hành trang người con gái M’Nông ngày ấy có di ảnh cha mẹ tươi cười được đặt ngay ngắn trong vali.

Lấy chiếc điện thoại, cô gọi điện hình ảnh về cho chồng và cô con gái năm tuổi đang ở Gia Nghĩa, cách nơi cô công tác ngót trăm cây số. Bình thường cứ cuối tuần cô về thành phố với gia đình, tuần nào cô trực thì bố con lại đưa nhau lên với mẹ. Ở đây ủy ban có bố trí cho cô một gian nhà gỗ cách trụ sở công an xã không xa, nên xong việc cơ quan cô về đó nghỉ ngơi như một ngôi nhà thứ hai. Khi về đây làm trưởng công an xã, đúng dịp triển khai làm căn cước công dân, bà con sớm đi làm rẫy, tối mới về nhà, nên công an phải thông báo lên xã làm căn cước vào buổi tối. Mọi người đến rải rác, hôm nhiều hôm ít, có buổi làm đến tận quá nửa đêm. Trường hợp người già, bệnh tật không đến được, cô phải cùng mấy đồng chí vào tận buôn gặp và làm trực tiếp, việc nhiều, đơn vị thì thiếu người làm nên hai tuần nay cô không về thành phố. Thuận, chồng cô đợt này cũng lu bu tổng kết cuối năm nên con gái cũng phải gửi bà nội đưa đón.

 “Cô cảnh sát đáng yêu của anh đã đi làm về rồi đấy à?” Ngọc Vạn mỉm cười hạnh phúc khi nhìn thấy chồng trong màn hình điện thoại.

 “Con ngủ rồi”, chưa kịp để cô trả lời, Thuận đã nhắc đến đứa con gái làm vợ an lòng, chồng và con gái như một nguồn sống bất tận đối với Ngọc Vạn, cứ về nhà được nhìn thấy chồng con là sự mệt nhọc cứ thế mà tan biến. “Nay con gái có nhớ mẹ không? ”, cô hỏi chồng.

 “Khi thức thì con nhớ mẹ, còn khi con ngủ, nỗi nhớ ấy là của bố”

Ngọc Vạn nhìn chồng bằng ánh mắt trìu mến. Chiếc điện thoại thông minh làm con người không còn khoảng cách nhưng lại vô tình dung dưỡng một cảm xúc dâng trào lúc nào cũng muốn vỡ tan ra. Thuận vẫn tếu táo như những ngày đầu tiên hai người gặp nhau. Hồi cô còn làm ở Phòng Cảnh sát hình sự, anh là phóng viên tờ báo của tỉnh, đến liên hệ tìm hiểu xin số liệu về các vụ án trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn. Ngọc Vạn nhìn Thuận không có cảm tình, phần vì cô chẳng thích gì cánh nhà báo, hay đánh giá một cách cảm quan, cảm tính, phần vì anh ta cứ để ý cô, nhìn cô chằm chằm, “Nhà báo gì cái hạng này” cô nghĩ. Đúng lúc ấy tin quần chúng báo có một nhóm trộm cắp đang trên tuyến xe khách từ thành phố chuẩn bị xuất bến về Đắk Lắk, Ngọc Vạn được cử đi đánh án cùng với hai đồng chí khác. Với lý do để viết bài sát với thực tế, Thuận năn nỉ và được thủ trưởng cơ quan cho đi cùng, bất đắc dĩ cô gật đầu, nhưng yêu cầu Thuận phải giữ khoảng cách, chỉ được quan sát từ xa, không được lại gần đội đánh án, nếu có lên xe cũng không được tỏ ra quen biết, dặn dò mãi, Thuận nghiêm mình, giơ tay lên trán chào cô y chang như điều lệnh “Rõ, thưa nữ thủ trưởng”.

Trên xe, hành khách đã ngồi gần kín, Ngọc Vạn ngồi cuối, hai đồng chí còn lại người ngồi ghế khoảng giữa xe, người gần đầu xe chỗ cửa lên xuống. Thuận lên sau, ngó nghiêng rồi hớn hở chọn ghế cuối cùng cạnh chỗ cô, khuôn mặt giả vờ nghiêm túc làm Ngọc Vạn vừa buồn cười vừa tức. Xe chuyển bánh, độ nửa tiếng ở hàng ghế gần cuối có người phụ nữ cố bắt chuyện với người phụ nữ lớn tuổi áo hoa bên cạnh, người đàn ông ngồi ngoài cùng cũng tham gia vào cuộc trò chuyện của hai người phụ nữ, một cái lắc nhẹ của xe làm người đàn ông như bị xô mạnh vào người phụ nữ áo hoa. Một lời xin lỗi lịch sự được cất lên. Ở một góc khác, một người đàn ông khắc khổ ngả đầu vào một cô gái, một người thanh niên khác rơi điện thoại đang lúi húi cúi tìm giữa hai hàng ghế, hành động rất chuyên nghiệp. Mọi hành động khác lạ trên xe đều không qua được mắt của cô và các trinh sát, nhưng họ vẫn im lặng. Chỉ có Thuận, vẫn cố quan sát nhưng không thấy gì, khi thấy Ngọc Vạn bất ngờ lao lên cùng hai đồng chí kia ập vào bắt hai nam, hai nữ đang phối hợp móc túi thì anh mới ú ớ lao theo cô như phản xạ. Bị phát hiện và bất ngờ thấy đồng bọn bị khống chế, người đàn bà lao ra, va vào Thuận, làm anh ngã ngửa ra sau, đập gáy xuống sàn choáng váng. Mãi một lúc sau, Ngọc Vạn vỗ mấy cái vào mặt thì anh mới định hình lại được mọi thứ xung quanh. Có bốn kẻ lưu manh đã bị bắt. Sau lần ấy, đội của Ngọc Vạn bắt thêm vài tên nữa, nạn trộm cắp, móc túi trên các tuyến xe khách dọc quốc lộ 14 chấm dứt hẳn. Chỉ có anh nhà báo tên Thuận vẫn cố tìm cách gặp lại nữ cảnh sát hình sự, nhưng đều bị cô từ chối.

Một dịp kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, Thuận tháp tùng lãnh đạo cơ quan báo chí vào chúc mừng công an tỉnh, anh tranh thủ cầm theo một bó hoa đã chuẩn bị sẵn đến phòng làm việc của Ngọc Vạn tặng cô, làm cô ngại ngùng, đỏ mặt giữa bao người.

“Anh có biết là anh đáng ghét lắm không?” cô nói với Thuận như vậy trong một lần anh tìm cách gặp cô tại một quán nước ven hồ giữa thành phố. “Những người ghét anh thường không có nhiều người thích đâu, em đừng cứng đầu nữa”, thản nhiên đáp trả đầy thông minh, trái khoáy, Thuận nhìn sâu vào đôi mắt cô, đôi mắt người đàn ông như mặt hồ mênh mông, phẳng lặng nhưng chân thành đầy xúc cảm làm cô thấy mình như bị chinh phục. Cô đồng ý hẹn hò, một năm sau hai người làm lễ cưới, khi con gái lên năm tuổi, Ngọc Vạn xung phong về làm trưởng công an xã Đắk D’rao. Thuận biết tính vợ nên anh ủng hộ quyết định đi xa ấy, anh trêu cô “Xa nhau một chút cho vợ nhớ người đã từng ghét”.

Hôm sau, Ngọc Vạn cùng mấy đồng chí di chuyển vào Krông, buôn xa nhất Đắk D’rao. Mọi người bảo, chả năm nào mưa kỳ lạ như năm nay, y như cái mưa rả rích của miền Bắc, con đường đi chưa được rải nhựa nên lầy lội, trơn trượt khó đi, sình lầy bám chặt vào bánh xe, nhiều đoạn phải dắt bộ, đùn đẩy ì ạch. Đắk D’rao đất rộng, người thưa, Ngọc Vạn mới về đây được vài tháng vừa tập trung củng cố nơi làm việc, ăn nghỉ, vừa phải tập trung làm dữ liệu dân cư, nhưng cô vẫn cố gắng đi hết buôn trong xã, duy chỉ có Krông là chưa đến. Rẫy gần buôn, người dân tranh thủ làm việc và đến rải rác, đội căn cước miệt mài làm, hết ngày thì cũng gần hết buôn. Đến tối, mưa vẫn kín trời, còn một ít người dân chưa tới, già làng bấm máy gọi điện, rồi lại hớt hải đội mưa chạy đến mấy nhà không liên lạc được. Ai nấy đều mệt lả, Ngọc Vạn tranh thủ đi mượn cái xoong đun nước làm mỗi người một tô mì ăn vội lót dạ tại chỗ để tránh phiền hà bà con. Ngọc Vạn tất bật chuẩn bị, củi được nhóm lên, lửa bập bùng, cô nhìn thấy một người đàn ông có vẻ giống một người tu hành bước vào từ ngoài cửa, bộ quần áo nâu gần như ướt sũng.

*

Trên trời, mây đen vần vũ xám ngoét, những giọt mưa lót thót rơi xuống thân thể L’ren như những mũi tên cắm vào da thịt đau đớn và lạnh buốt, cô vật vã dưới trời, quằn quại trên đất, hai bàn tay bấu vào cỏ, bám lấy tất cả những gì trên vệt cào. Máu chảy thành dòng miên man giữa hai chân người đàn bà, tan vào nước, thấm vào đất, tanh nồng. Phía trên, khuôn mặt L’ren bê bết, răng cắn vào môi dưới ứa máu nhưng miệng vẫn gắng thều thào “Con ơi cứu mẹ, con phải đợi cha về”. L’ren hét lên đau đớn khi thấy da thịt mình bị tách ra, trời đất tối sầm, nước mưa như những dòng nham thạch chảy buốt da xót thịt. Cô thấy mình đang đối diện với sự thiêu đốt, cơ thể nhão nhoẹt như bùn đất mà tan chảy. Tại thời khắc quay cuồng giữa sự sống và cái chết, bầu trời mang khuôn mặt quỷ dữ đang hút cạn hơi thở, cướp lấy sự sống mong manh trên mặt đất, miệng cô há lên khô khốc. Bỗng, đôi mắt trở nên dữ dội, bản năng người đàn bà trỗi dậy, cô nín thở, gồng người, rồi cố gắng tỉnh táo giằng lại những gì thuộc về mình “Mẹ con ta không thể chết”. Giữa cuộc giằng giật sinh tồn ấy, có tiếng khóc của đứa trẻ, mà chỉ có thanh âm ấy mới làm người đàn bà bừng tỉnh, kéo cô khỏi địa ngục. Đứa bé chào đời ở ngay cái nơi được tạo ra.

Mưa tạnh. Trời hửng lên, nắng tưới lên những mầm bắp non nhàu nát và chảy trên người khuôn mặt người đàn bà đang mỉm cười trong nước mắt.

Ai cũng biết cha đứa trẻ là ai, tổ chức kỷ luật nhưng không ruồng bỏ cô, đồng đội thương cho người đồng chí nhẹ dạ. L’ren vẫn mạnh mẽ đối diện với mọi thứ như cái cách cô chấp nhận. Hằng ngày, L’ren địu con lên đồi cao ngóng về cánh rừng phía tây xa xôi, cô cầu thần rừng, thần núi, thần đất và tất cả các vị chư thần của người M’Nông mang Chey về với mẹ con cô. Thế rồi, trong một chiều hoàng hôn, mặt trời đỏ tô bóng người thành vệt đỏ, L’ren thấy Chey đi từ phía chân trời, ra khỏi cánh rừng. Họ ôm lấy nhau, tiếng cười rộn trời cao nguyên, chỉ có đứa trẻ là khóc.

Đám cưới được diễn ra sau những thủ tục phức tạp, đứa trẻ được đặt tên là Ngọc Vạn, cái tên không liên quan gì đến dân tộc Khmer của cha và M’Nông của mẹ. Cha mẹ nói với con gái rằng “Con là sứ giả của hòa bình”.

*

Cha vẫn đi về giữa hai nước, cứ vài tháng lại tranh thủ về bên này thăm hai mẹ con, cánh rừng ngày xưa người ta đã làm con đường thông thương và dựng cái barie làm chốt gác kiểm soát qua lại. Ngôi nhà nhỏ của ba người được dựng tạm gần con đường ấy, cách cái chốt không xa, bên cạnh ngôi nhà có một cây bông gòn lâu năm, cao bằng ba cái nóc nhà, cứ đến cuối mùa khô, hoa bông gòn bung nở như những bông tuyết trắng lơ lửng giữa trời. Ngọc Vạn vẫn nhớ cái lần bị đau răng, mẹ đã dùng vỏ cây bông gòn về sắc nước cho cô, kỳ lạ thay chỉ ngậm có đôi lần là khỏi.

Hôm ấy cha về, cha nói hết mùa mưa sẽ đưa mẹ con sang thăm quê nội, dù bên ấy họ hàng chẳng còn ai qua nổi cơn đại nạn. Trong ngôi nhà nhỏ dưới bầu trời đêm, Ngọc Vạn bé nhỏ nằm gọn trong vòng tay cha mẹ, nghe những ấm áp, ngọt ngào. Mẹ kể vì sao đặt tên là Ngọc Vạn, đó là công nữ của chúa Nguyễn được gả cho vua Chân Lạp mấy trăm năm trước, tên con là minh chứng cho tình yêu của cha mẹ, tình nghĩa của hai dân tộc. Cha kể cho cô nghe về câu chuyện sự tích rắn thần Nagar của người Campuchia, chuyện kể về một ông vua người Khmer sáng lập ra vương quốc Chân Lạp đã yêu nàng công chúa của vua rắn Nagar, nhà vua đã dùng sức mạnh và tài năng của mình để lấy công chúa và cùng nhau sáng lập, dựng nên nước Campuchia. Người cha đeo vào cổ con gái chiếc vòng có mặt đá khắc hình thần rắn “Thần Nagar sẽ bảo vệ con”.

Tây Nguyên về đêm, chỉ có tiếng gió và tiếng dế ri rỉ từ trong đất, những thanh âm mơn man, huyền diệu đưa con người đến những giấc mơ đẹp đẽ. Đêm nay thì khác, trong thanh âm có tiếng lá khô rôm rốp, vỡ vụn ngoài sân, ngay sau đó là những tiếng bôm bốp như búa đập vào cánh cửa

“Có ai trong nhà không, mở cửa”, tiếng một người đàn ông gắt lên, ném cái giọng dữ dằn vào trong nhà. Mẹ ôm con, cha vỗ về trấn an, chẳng lẽ là đám tàn quân Fulro chạy từ Lâm Đồng tới tìm cách vượt biên mà mấy chú công an hồi chiều đi qua nhắc nhở mọi người cẩn thận. Ai cũng được nghe kể về bọn chúng, tội ác khắp vùng Tây Nguyên. Tiếng đập cửa lại vang lên “Mau mở cửa, mở thì sống, chống thì chết ?”.

“Đúng bọn chúng rồi” mẹ thốt lên, một tay ôm con gái, tay kia cố níu lấy cha đang đứng dậy mở cửa “Cẩn thận anh ơi”. Khi cánh cửa vừa hé ra, ba kẻ bặm trợn mang súng đạp cửa xông vào làm cha ngã dúi dụi về phía sau, mẹ gào khóc ôm con lao đến bên cha.

 “Câm mồm lại, không tao cắt cổ cả nhà chúng mày”, kẻ dữ tợn nhất, có vẻ là tên cầm đầu, lao đến túm lấy cổ áo cha hăm dọa, hắn bắt cha và con gái ngồi chỗ làm con tin, yêu cầu mẹ đi nấu cơm cho bọn chúng, mẹ mà có hành động gì khác là chúng giết hai cha con. Ăn xong, chúng lục lọi không thấy trong nhà có tài sản gì. Bực bội, tên cầm đầu ném ánh nhìn đê tiện lên người mẹ, rồi hắn hất hàm ra hiệu cho hai thằng còn lại lôi hai cha con ra ngoài sân chỗ gốc cây bông gòn. Khi cánh cửa vừa đóng sập lại, là lúc tiếng của mẹ hét lên, cha vùng dậy lao vào thì bị một cái báng súng thúc vào gáy làm cha gục xuống, con gái thóc thét lên ôm chặt lấy cha.

“Á…” cùng lúc ấy, trong nhà tên cầm đầu la lên đau đớn thảm thiết, cánh cửa bật tung, mẹ lao ra, một tay mẹ vẫn giữ chặt cổ áo đã bị đứt mấy cúc, tay còn lại cầm con dao dính máu. Ngay phía sau, tên cầm đầu loạng choạng lao theo, một cánh tay thõng xuống, máu chảy xối xả, dường như hai ngón tay đã bị đứt lìa, chỉ còn dính tí da, tay kia cầm khẩu súng ngắn hướng thẳng lưng mẹ bóp cò “Đoàng”.

Sau tiếng súng chát chúa, Ngọc Vạn chỉ kịp nhìn thấy sự vô hồn trong ánh mắt và thân thể mẹ ngã xuống trước mặt. Chưa kịp định thần thì một tiếng súng nữa vang lên, cô thấy cha gục xuống khi cố gắng lao đến kẻ thủ ác. Trong chớp mắt, nỗi đau chồng lên nỗi đau, nước mắt tràn lên nước mắt, dồn dập trước mặt đứa trẻ, đôi tay bé nhỏ cố lay lay thân thể hai đấng sinh thành nằm cạnh nhau mà khóc “cha ơi, mẹ ơi” trái tim bị bóp nghẹt, nấc lên.

Khuya cao nguyên tang tóc, những sợi bông gòn trắng muốt rũ rượi rơi xuống, bông vương trên đầu, rơi qua nòng súng, bông chạm vào máu lan ra đẫm ướt, hoa rơi trắng xóa nơi mẹ cha nằm.

Khẩu súng hướng vào đứa bé, một bàn tay đầy máu run run chạm vào cổ, vân vê chiếc dây có hình mặt rắn, khi định cầm dây luồn qua cổ đứa bé thì phía xa nhiều ánh đèn, tiếng người đang chạy tới, hắn buông tay. Cả đám hốt hoảng, lẩn vội vào bóng đêm. Lúc sau nhiều tiếng súng vang lên cách đó không xa, hai kẻ bị tiêu diệt nhưng một tên trốn thoát.

*

Ngọc Vạn chạm tay lên cổ, chiếc vòng còn đây, đứa trẻ may mắn sống sót sau hơn hai mươi năm vừa đối mặt với kẻ thủ ác giết cha mẹ mình. Ông ta có thể không nhận ra cô nhưng chắc chắn đã nhận ra chiếc vòng cổ hình mặt rắn. Còn cô như chết lặng khi ông ta đưa tay trái lên máy lấy vân. Có chết Ngọc Vạn cũng không thể quên được cái hình ảnh bày tay đầy máu của kẻ sát nhân năm nào, nó không thể liền lại, trước mặt cô là bàn tay bị cụt mất hai đốt. Cô run run định chạm vào bàn tay ấy để chỉnh ngay ngắn cho máy nhận diện thì ông ta bất ngờ rụt tay lại, mặt hốt hoảng nhìn cô rồi vội bước khỏi nhà văn hóa như một kẻ chạy trốn.

Ngọc Vạn cũng chạy ra ngoài theo bóng đen phía trước, mưa xối vào đêm rát mặt, nát trời. Đuổi được một đoạn, xa nhà dân, bóng đêm phủ kín con đường, bàn chân như có sức mạnh bí ẩn đẩy về phía trước, cô cứ đi, đi mãi, lẫn mình vào đêm đen. Có tiếng sét như nhát dao chém ngang trời, lóe lên sáng rực, Ngọc Vạn thấy bóng người đàn ông khi nãy đang đứng trước mặt mình không xa, hai bàn tay chắp lại hiệp chưởng, ngay phía sau lưng ông ta là hủm tối, đen ngòm, như vực sâu thăm thẳm.

 “Chính là ông phải không ?” bối cảnh không lây lan sự sợ hãi, thay vào đó là đôi mắt rừng rực, giọng nghẹn ngào đầy căm phẫn. Người đàn ông im lặng, khẽ cúi đầu như thay cho câu trả lời. Tiếng mưa ầm ào xối xả vào lòng người cũng không làm ngọn lửa hận thù của người con gái vơi đi.

“Tại sao ?” Ngọc Vạn lại thét lên, đứa bé yếu đuối năm nào nay đang đứng trước sừng sững trước tội ác như một tòa án công lý. Bầu trời lóe lên chớp giật, ranh giới giữa sự sống và cái chết giờ mong manh với người đàn ông, dường như ông ta đã chấp nhận mọi điều tồi tệ xảy ra đến với mình, mắt khép lại, chờ đợi.

Nào “Giết ông ta đi” con quỷ hận thù sau bao nhiêu năm ngủ say giờ thức dậy thúc giục cô mau chóng đưa ông ta khỏi cõi đời này. Tội ác nào cũng phải trả giá, Ngọc Vạn bước tới gần hơn, chỉ cần một cái đẩy của cô là linh hồn và thân xác ông ta sẽ ngủ yên dưới vực thẳm. Thế là hết nợ. “Ông niệm phật ư ? cầu xin sự từ bi hay đợi chờ cái chết ?”. Ông ta đã trốn chạy, không, đã cố tình đưa cô tới đây, cô không thấy ánh mắt của người đàn ông, nhưng dường như ánh mắt ấy vẫn đang nhìn mình. Ngọc Vạn cảm thấy mình như bị sợi dây vô hình bó buộc, khó chịu đến nghẹt thở, cho đến khi cô thấy đôi tay ông ta chầm chậm dang ngang rồi từ từ ngã người về phía sau...Hành động ấy giống như đoạn kết của sự xám hối làm Ngọc Vạn sững sờ, nó chẳng khác gì một nhát kiếm chặt đứt sự hận thù đang làm héo rũ tâm hồn người phụ nữ.

“Cầu xin sự tha thứ chăng ?”, khuôn mặt người đàn ông không biểu lộ cảm xúc. Ngọc Vạn lao đến nhưng không kịp, thân thế người đàn ông cứ thế rơi xuống vực sâu thăm thẳm, hun hút. Có bàn tay chới với, như cố níu kéo một thứ vô vọng giữa đêm đen. Trong giây phút định mệnh ấy, Ngọc Vạn chợt nhận ra mình mới là người cần được giải thoát, cô gục xuống bên mỏm đá, đêm tan vào đêm, người tan vào đêm.

*

Mọi người mừng rỡ khi thấy Ngọc Vạn tỉnh lại, mùi dầu gió xông lên sực cả gian phòng “May quá chị tỉnh rồi, suy nhược nặng quá, chị ngất đi rồi mê man cả đêm qua”, người công an viên có vẻ biết về y khoa nói với Ngọc Vạn như thế, đôi tay vẫn xoa dầu lên trán người nữ cảnh sát. Ngọc Vạn gắng gượng người ngồi dậy cảm ơn rồi nhìn già làng đang đứng đó.

“Ông ta chết rồi”

“Ai chết ?” già làng hỏi lại

“Người đàn ông cụt mất hai ngón tay”

“Có phải chị nói đến sư thầy tám ngón không ? ông ấy tu ở ngôi chùa của người Bắc lập nên ở cuối buôn từ hồi họ mới vào đây khai hoang”

“Vâng, chắc là ông ta, đêm qua tôi vừa gặp ông ấy”

Già làng ngạc nhiên “Ông ấy ngày xưa đi theo Fulro, sau ra hàng, được nhà nước khoan hồng, nhưng đã chết mấy năm trước rồi”

Ngọc Vạn khẽ rùng mình, đứng lên đi ra ngoài, mưa đã tạnh từ lâu. Cô nghe tiếng chuông chùa từ đâu vọng đến, thanh âm như đang lan khắp cao nguyên, đánh thức cỏ cây, tơi màu đất đỏ. Phía xa, mặt trời nhấp nhô sau dãy Nâm Nung, gió như đang thổi đi những vướng víu, bó buộc hận thù, hồi sinh những điều bao dung vốn có từ cuội nguồn. Đắk D’rao sớm hôm ấy, ban mai rực rỡ cả trong lòng người.

                                                                                                       B.T.M

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi