Để ứng phó với diễn biến tiếp theo của dịch như thế nào, ứng phó của từng địa phương, sự tự giác chấp hành của người dân ra sao, phóng viên Chuyên đề ANTG đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Chỉ hơn 2 tuần, đợt dịch COVID-19 lần 4 đã lan rộng ra 26 tỉnh, thành phố, với số bệnh nhân lây nhiễm tăng rất nhanh. So với những đợt dịch trước, đợt dịch COVID-19 lần này có sự khác biệt gì, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27-4, kéo dài đến nay, với hơn 700 ca mắc được ghi nhận tại 26 tỉnh, thành phố. Có thể nói, sự khác biệt của đợt dịch này chính là chủng virus mới của Ấn Độ xuất hiện tại Việt Nam và có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Đồng thời, đợt dịch lần này phức tạp hơn so với các đợt dịch trước, bởi sự xuất hiện cùng lúc nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây và nhiều chủng SARS-CoV-2 với chủng của Anh, Ấn Độ và Nam Phi, do vậy tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại khu cách ly tỉnh Thái Bình. |
Phóng viên: Điều nguy hiểm trong đợt dịch này chính là dịch tấn công thẳng vào các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến cuối, nơi được coi là “thành trì chống dịch” và cũng là nơi COVID-19 dễ lây lan ra nhiều địa phương khác. Nhận định của ông về vấn đề này ra sao?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến Trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều địa phương vì bệnh viện Trung ương là nơi đón tiếp các bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên. Đợt dịch này đã tràn vào nhiều cơ sở y tế, trong đó có 2 bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K phải cách ly y tế vì phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19.
Hiện, Bộ Y tế đã có nhiều phương án cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, như việc sẽ tiếp tục mở rộng các bệnh viện khác ở Hà Nội để điều trị các bệnh nhân COVID-19; chuyển bớt bệnh nhân điều trị nội trú, bệnh nhân COVID-19 đã có xét nghiêm âm tính lần 1, 2 sang các cơ sở y tế khác như Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, hay một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nhằm giảm tải nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Hiện nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với Bệnh viện K, tình hình dịch trong viện vẫn đang được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là những người đã đi đến và về địa phương ở 2 bệnh viện này, các tỉnh phải rà soát, truy vết thần tốc, xét nghiệm thần tốc để sớm khoanh vùng dập dịch. Nếu để lọt người nào ra cộng đồng, mức độ lây lan sẽ rất nhanh.
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19, trước và trong đợt dịch lần này, Bộ Y tế luôn có các khuyến cáo với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc làm xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho nhân viên y tế, bệnh nhân, nhất là ở các khoa bệnh nặng như truyền nhiễm, hô hấp, hồi sức, thận nhân tạo... Bệnh viện được khuyến cáo giảm bớt người bệnh, bệnh nhân sau khi xét nghiệm âm tính sẽ chuyển sang bệnh viện có cùng chuyên khoa, chuyên ngành của tỉnh hoặc của địa phương. Thực hiện giãn cách đối với tất cả người nuôi bệnh, tuyệt đối hạn chế người thăm bệnh. Đội ngũ y, bác sĩ thì phải tăng cường trách nhiệm sàng lọc, đảm bảo an toàn phục vụ người bệnh. Đặc biệt là các bệnh viện, phòng khám tư nhân, luôn phải nêu cao cảnh giác khi có người ho, sốt tới khám để không bỏ lọt ca bệnh.
Bệnh cạnh đó, tại các địa phương cũng cần tăng cường trách nhiệm đảm bảo an toàn COVID-19 cho các cơ sở y tế. Nếu cơ sở y tế nào kể cả công lập hoặc tư nhân không đáp ứng an toàn COVID-19, không tuân thủ phòng, chống dịch thì lập tức cho dừng hoạt động. Không để xảy ra trường hợp F0 đến khám nhưng không phát hiện, bỏ lọt ca bệnh. Tương tự áp dụng với các cơ sở sản xuất, trường học, giao thông... căn cứ trên các tiêu chí, khuyến cáo về phòng, chống dịch COVID-19 mà Bộ Y tế đã ban hành.
|
Bệnh viện K lấy mẫu xét nghiệm cho người nhà và bệnh nhân đang cách ly tại bệnh viện. |
Phóng viên: Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng. Liệu tình hình có xấu đi hơn trong thời gian tới?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đến thời điểm này, chúng ta đã có thể xác định có 4 nguồn dịch bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Hải Dương do có 1 ca nhập cảnh trái phép từ Lào về.
Từ 4 nguồn dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố, với 721 ca mắc COVID-19 trong nước, chỉ trong thời gian ngắn, từ F1, F2 đã trở thành F0. Mặc dù số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng với việc thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời nên số ca nhiễm mới hầu hết đều là F1 được cách ly từ trước, nguồn lây ra cộng đồng cơ bản được ngăn chặn... Có thể nói, chúng đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh.
Phóng viên: Trong đợt dịch này Thủ tướng có chỉ đạo tinh thần “chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công”, việc này được hiện thực ra sao trong phòng, chống dịch, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Mặc dù đã xác định được nguồn lây tại các ổ dịch COVID-19, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng xử lý thần tốc nhưng chúng ta vẫn đang ở trong tình trạng nguy cơ rất cao, khả năng lây nhiễm mạnh... Muốn chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công” thì phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh truy vết, xét nghiệm, sàng lọc nguồn bệnh. Tại các khu vực có nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm cao như: Cơ sở khám chữa bệnh, chợ, siêu thị, nhà máy, nơi lưu trú, khu vực tập trung đông người,... phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm để chủ động ngăn chặn dịch bệnh. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.
|
Cán bộ y tế trong khu cách ly. |
Các địa phương cũng phải chủ động lường trước các kịch bản xấu hơn có thể xảy ra là tình huống cả nước có tới 30.000 ca nhiễm, trên cơ sở đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó. Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm (năng lực truy vết, lấy mẫu, bảo đảm máy móc, sinh phẩm, kỹ thuật viên,...); tiếp tục phát huy vai trò của tổ chuyên gia phân tích diễn biến tình hình dịch; Khoanh vùng cách ly gọn nhất có thể, tránh cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân; Triển khai lắp đặt camera giám sát ở những khu vực có nguy cơ... cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác.
Ngoài ra, tiếp tục siết chặt ngăn chặn, kiểm soát biên giới, cũng như nhiều người đang được cách ly tại khu cách ly tập trung hoặc đang trong thời gian theo dõi, giám sát y tế, không để lây nhiễm ra cộng đồng.
Trong bối cảnh hiện nay, có thể có những ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa được phát hiện, việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh. Thực hiện tốt 5K giúp chủ động cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược “phát hiện sớm, truy vết nhanh, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả” của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì.
Phóng viên: Theo dự báo của Bộ Y tế, thời điểm này đã phải là đỉnh dịch hay chưa và dự kiến đợt dịch thứ 4 này có kéo dài trong bao lâu? Để chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp, trong tình hình hiện nay, Việt Nam làm như thế nào để phòng, chống dịch hiệu quả khi người dân tập trung đi bầu cử?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đợt dịch thứ 4 này nguy hiểm hơn các đợt dịch trước bởi có tốc lây lan mạnh hơn do có các biến chủng của Ấn Độ. Theo dự báo, các ca mắc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nhiều F1 đưa đi cách ly tập trung nhưng năng lực xét nghiệm của nhiều địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu nên kết quả còn chậm. Để khống chế ca mắc mới, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, phải kiên quyết cách ly tập trung F1, điều đó là không bàn cãi. Chỉ khi F1 cách ly tập trung, mới chặt đứt các mối lây truyền dịch bệnh. Tuy nhiên, cách ly tập trung phải tuân thủ nghiêm ngặt, có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế và lần cuối cùng phải là ngày 21, không được để như tình trạng đã xảy ra trong thời gian qua.
Dự kiến, trong 1 tuần tới, các ca nhiễm mới có thể vẫn cao nhưng chủ yếu là các F1 đã được cách ly tập trung. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là chủ quan, mọi người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, phải khai báo y tế khi đi từ vùng dịch tễ về và khi có dấu hiệu ho, sốt; đẩy mạnh công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để khoanh vùng nhanh. Để chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp, trong tình hình dịch như hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn, đề nghị các địa phương phải xây dựng kịch bản cụ thể để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tối ưu nhất khi người dân đi bỏ phiếu.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn: Báo CAND