Trong bài viết mang tiêu đề “Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo mà ai cũng biết tới”, tờ Resumen Latinoamericano của Argentina, tờ báo rất có uy tín trong lực lượng cánh tả Mỹ Latinh và Tây Ban Nha, nhấn mạnh về thời khắc mang tính quyết định khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930.
Tờ báo bình luận, việc thành lập một đảng chính trị đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và người dân Việt Nam cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng và chiến lược gia tài giỏi. Bài báo điểm lại rằng, năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Việt Nam cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đội vũ trang Việt Minh, chuẩn bị lực lượng để tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Việt Nam vẫn tiếp tục cho tới ngày 7/5/1954 khi quân đội và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử trước quân đội Pháp. Bài báo nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc ký kết Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954 về đình chiến, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm kiếm đoàn kết dân tộc và tránh xung đột vũ trang. Tuy nhiên sau đó, Mỹ đã làm mọi cách ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.
Trong khi đó, tờ Reporte Asia đăng bài viết mang tựa đề “Cuộc đời và di sản của Hồ Chí Minh, Lãnh tụ cách mạng Việt Nam” trong đó khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân và sự bóc lột của các thế lực phương Tây. Bài viết nhấn mạnh di sản mà Bác Hồ để lại là một biểu tượng vượt xa giới hạn lịch sử và có ảnh hưởng sâu sắc đến những thay đổi chính trị và xã hội ở Đông Á trong nửa sau thế kỷ XX. Bài viết ghi lại bối cảnh lịch sử Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp khi Người ra đời; thời gian khi chàng trai Nguyễn Sinh Cung đi học ở Huế, tham gia vào các cuộc biểu tình chống chế độ thực dân và khi Người rời Việt Nam để ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba khắp năm châu trong suốt 30 năm. Bài báo điểm lại những thời khắc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tại châu Âu, đặc biệt là thời gian tại Pháp, Người tham gia tích cực trong các phong trào xã hội chống chủ nghĩa thực dân. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng hình thành tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh viết khi đó, Người luôn thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân.
Trong bài viết dưới tiêu đề “Hồ Chí Minh, con người mà cả thế giới đều biết đến”, báo điện tử Đài phát thanh quốc gia Argentina viết, trước khi Bác Hồ mất vào tháng 9/1969, Người đã đưa ra lời kêu gọi cuối cùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặc dù chiến tranh kéo dài đến năm 1975 nhưng đối với dân tộc Việt Nam, ông là nhà kiến trúc sư vĩ đại cho nền độc lập, giải phóng và thống nhất đất nước. Từ ngày Bác Hồ đi xa cho đến khi dân tộc Việt Nam hoàn toàn chiến thắng quân xâm lược, ngày 30/4/1975, trong lòng các chiến sĩ Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng luôn vang câu nói: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.
Về phía giới học giả, bà Poldi Sosa Schmidt, năm nay đã 80 tuổi, Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam (ICAV), khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh, linh hồn của cuộc cách mạng Việt Nam, đã hy sinh trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam. Bùi ngùi và xúc động khi nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà nhắc lại, kể từ lần đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1997, bà đã có tới 26 lần đến Việt Nam và trong tất cả các lần tới Hà Nội, bà đều vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuốn hồi ký về cuộc đời mình, bà viết “Hồ Chí Minh và người dân Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời tôi”. Bà Poldi Sosa nhấn mạnh bà vô cùng ấn tượng và cảm động trước những nỗ lực phi thường của Người. Người đã đi nhiều nơi trên thế giới, làm việc vất vả, trải nghiệm cuộc đời lao động của giới cần lao. Người đã tìm hiểu, tiếp cận tư tưởng cách mạng tiến bộ, từ đó tìm ra con đường phù hợp nhất để giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân Pháp. Những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cho Việt Nam và nhân loại thực sự rất tuyệt vời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị-xã hội ở Pháp, đặc biệt là ở Paris. Người cũng từng viết báo, các bài viết của Người tố cáo chế độ thực dân và ách đô hộ hà khắc của người Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào tháng 12/1920. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà yêu nước vĩ đại mà còn là một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc của thế kỷ XX. Đứng trước bức hình Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng tại ngôi nhà nơi bà sinh sống, bà Poldi Sosa kể lại với tư cách đại biểu của Đông Dương trong Đảng Cộng sản Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tận dụng tối đa mọi diễn đàn để kêu gọi sự chú ý ủng hộ của những người cộng sản ở “chính quốc” cho phong trào giải phóng ở các thuộc địa. Chủ tịch ICAV nhấn mạnh, những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc Cách mạng tháng Tám, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong khi đó, ông Ignacio Arruda - Chủ tịch Hội Hữu nghị Brazil - Việt Nam, đồng thời là Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil, khẳng định, trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước từ đầu thế kỷ XX, khi Người đến thành phố Rio de Janeiro năm 1912 trong hành trình đi tìm đường cứu nước. Ông nhớ lại khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trên một con tàu Pháp thực hiện lộ trình từ Việt Nam tới Pháp. Trong chuyến đi, Người bị ốm và đã xuống cảng Rio de Janeiro để chữa bệnh. Đây chính là lý do tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có mối liên hệ mật thiết với phong trào công nhân công đoàn Porto của Brazil. Chính điều này đã được Người ghi lại trong một bài báo xuất bản ở Moscow (Nga) vào năm 1922. Nhiều thập niên sau sự kiện lịch sử khi Hồ Chí Minh dừng chân tại Rio de Janeiro, vào năm 1968, các sinh viên TP São Paulo và nhiều địa phương khác ở Brazil đã tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh vì hòa bình và phản đối chiến tranh ở Việt Nam thông qua các tài liệu do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam gửi tới. Đó là những thước phim quay lại những hành động giết chóc tàn bạo của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Brazil - Việt Nam cho biết, hội đã góp phần tuyên truyền về tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh thông qua cuốn sách “Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp của Người lãnh đạo giải phóng dân tộc Việt Nam” của nhà báo Pedro de Oliveira, đồng thời cũng là Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Brazil - Việt Nam. Tác giả Pedro de Oliveira cũng đã nhận được giải Nhất loại hình Sách, Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ VIII với tác phẩm này.
Nguồn: Báo CAND