Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT; lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương. Về phía Bộ Công an có Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2022, Bộ TT&TT được Chính phủ giao thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số, kinh tế số hay công nghiệp công nghệ số. Đây cũng là năm Bộ TT&TT tập trung xây dựng nhiều Chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực, trong đó nhiều chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, một số chiến lược đang trong giai đoạn hoàn thiện, bao gồm: Bưu chính, Hạ tầng số, Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, Công nghiệp công nghệ số và Chuyển đổi số báo chí.
Chuyển đổi số số đã trở thành toàn dân và toàn diện; tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình chuyển đổi số; 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số lớn chưa từng có. Các giao dịch về kết nối chia sẻ dữ liệu đang tăng dần; các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tập trung vào các kết quả thực chất. Về Bưu chính sẽ đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ. Về Viễn thông, sẽ giải quyết triệt để sim rác và thương mại hóa 5G. Về dịch vụ công trực tuyến sẽ nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến. Về chuyển đổi số, nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%. Về công nghiệp công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo ra sự cộng hưởng trong nước và lan ra nước ngoài. Về báo chí xuất bản và truyền thông là sự tuân thủ luật pháp Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, giải quyết các vấn đề tư nhân hóa báo chí hay báo hóa trang tin, mạng xã hội…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực thông tin truyền thông năm 2022, chúc mừng Bộ TT&TT được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhất”, đồng thời khẳng định truyền thông phải đi đầu chứ không đi theo, truyền thông phải là một trong những động lực truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo cho Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực thông tin, truyền thông như chuyển đổi số dù đạt nhiều kết quả nhưng vẫn chưa tạo ra được sự đột phá; kinh tế số có tăng nhưng tỷ trọng còn chưa cao. Việc liên thông dữ liệu còn rời rạc, phân tán, chưa thực sự có sự thống nhất; doanh nghiệp công nghệ số vươn ra thị trường quốc tế còn khiêm tốn; tình trạng SIM rác, tin giả, thông tin xấu độc vẫn còn diễn biến phức tạp; truyền thông chính sách chưa chủ động…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021- 2025. Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị TW6 khóa XIII: “Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và các đột phá chiến lược. Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và được cụ thể hóa bằng Chương trình của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ TT&TT đề ra cơ bản đã bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế, trong đó có nhiều mục tiêu rất lớn, rất khó, cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Để hiện thực được mục tiêu nhiệm vụ đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT cần chủ động, tích cực, sáng tạo tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số; triển khai hiệu quả, thực chất Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Quán triệt quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn. Phấn đấu phủ sóng viễn thông, internet đến tất cả mọi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo phương châm “điện lực đi đến đâu, viễn thông ở đó”.
Bộ TT&TT cũng cần tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, xem đây là tài nguyên đặc biệt cần được sử dụng, lưu trữ, chia sẻ một cách an toàn; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng số hiện đại, thương mại hoá mạng 5G, phát triển bưu chính, viễn thông trở thành cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế. Chú trọng phát triển kinh tế số phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân để đẩy mạnh thương mại hoá điện tử và tỷ lệ người dân sử dụng các nền tảng số quốc gia.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, trẻ em trên môi trường mạng, tạo lập niềm tin số trên môi trường mạng; tiếp tục đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, ngăn chặn kịp thời thông tin xấu độc, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là các biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử, “báo hóa” mạng xã hội; có biện pháp ngăn chặn hiệu quả vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác…
Nguồn: Báo CAND