Báo cáo kết quả triển khai Đề án trong tháng 3, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, thành viên Tổ công tác cho biết, trong tháng 3, công tác chỉ đạo triển khai Đề án tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Bộ Công an đã đôn đốc các địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Đề án và thành lập Tổ công tác (tính đến ngày 18/3 đã có 69 bộ, ngành địa phương thành lập Tổ công tác và 72 bộ, ngành địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án).
Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, đã hoàn thành 6/11 dịch vụ công mức độ 4 của Bộ Công an; 2 dịch vụ mức độ 4 của Tập đoàn Điện lực đồng thời tiếp nhận hồ sơ trên cổng dịch vụ công đối với một số dịch vụ công thiết yếu. Các dịch vụ công thiết yếu có số lượng hồ sơ cao thực hiện qua cổng dịch vụ công Quốc gia từ đầu năm 2022 đến nay như: cấp mới từ lưới điện hạ áp 173.608 hồ sơ; đăng ký thuế lần đầu 54.480 hồ sơ; đăng ký khai sinh (61/63 tỉnh, thành phố cung cấp) 39.457 hồ sơ; cấp phiếu lý lịch tư pháp (62/63 tỉnh, thành phố cung cấp) 17.166 hồ sơ; đăng ký khai tử (34/63 tỉnh, thành phố cung cấp) 14.943 hồ sơ; đăng ký biến động sử dụng đất 14.552 hồ sơ; đăng ký kết hôn (28/63 tỉnh, thành phố cung cấp) 14.138 hồ sơ; liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế 6.979 hồ sơ; đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp 7.179 hồ sơ; đăng ký thường trú 6.437 hồ sơ; giải quyết trợ cấp thất nghiệp 2.872 hồ sơ...
Một số tiện ích giúp người dân, cơ quan, doanh nghiệp được hưởng như: giúp 173.608 người dân không phải đến nơi tiếp nhận đề nghị cấp điện áp; 265.405 công dân, cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh không cần đến cơ quan Công an để thực hiện thông báo lưu trú; 5.289 cá nhân, cơ quan, tổ chức được giải quyết đăng ký tạm trú trên hệ thống, không cần đến cơ quan Công an; đã tiếp nhận 54.480 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân trên cổng dịch vụ công...
Đối với tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, tiếp tục triển khai ứng dụng các tính năng của chíp điện tử gắn trên thẻ CCCD và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số. Bộ Công an phối hợp, lựa chọn triển khai thí điểm với 5 ngân hàng có vốn đầu tư nhà nước về các sản phẩm, dịch vụ xác thực danh tính dựa trên nền tảng của thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho các ngân hàng...
Đối với nhóm phục vụ phát triển công dân số, đã ban hành kế hoạch về cấp thẻ CCCD và định danh điện tử cho công dân trên toàn quốc. Tổng số hồ sơ định danh trong hệ thống căn cước (được gửi cùng hồ sơ căn cước) là 24.211 hồ sơ. Hiện 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử.
Đối với nhóm tiện ích kết nối, chia sẻ làm giàu dữ liệu, đã kết nối chính thức với Bộ Giáo dục và Đào tạo, vượt tiến độ và chủ động làm việc, kết nối, chia sẻ với các ban, đoàn thể (ngoài lộ trình Đề án) theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đơn vị đã gửi dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư để tra cứu, xác thực thông tin, làm sạch dữ liệu cho các bộ, ngành; làm giàu dữ liệu. Cụ thể, đồng bộ được hơn 9,2 triệu thông tin BHXH; hơn 56,2 triệu mũi tiêm của Bộ Y tế; đồng bộ thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 168.177 công dân...
Tại buổi họp, các thành viên Tổ công tác, đại diện các bộ, ngành đã thảo luận các vấn đề xoay quanh việc triển khai hiệu quả, kịp thời cũng như đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án. Là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm của người dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay chưa có quy định sử dụng mã định danh cá nhân thống nhất trong mọi hoạt động phòng bệnh, khám chữa bệnh. Hiện vẫn còn hơn 11 triệu đối tượng chưa được gửi sang xác thực trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Y tế kiến nghị Tổ công tác báo cáo Thủ tướng đưa vào nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ nội dung cho phép quy định sử dụng chính thức số định danh công dân trong hoạt động phòng bệnh, khám chữa bệnh.
Đồng thời đề nghị Tổ công tác cho ý kiến xây dựng nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế và quy định kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Về triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu sức khỏe của người dân, hiện nay dữ liệu này đang nằm phân tán tại các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế chưa có cơ sở dữ liệu tập trung. Trong tháng 3, Bộ Y tế sẽ rà soát hiện trạng để xây dựng kế hoạch triển khai và báo cáo tổ công tác…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng thảo luận về việc hoàn trả lại phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường điện tử.
Báo cáo với Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, khai tử, thường trú, bảo hiểm xã hội đã triển khai trong thời gian qua. Các bộ, ngành đã có thông tư liên tịch triển khai thủ tục liên thông. Tuy nhiên, việc liên thông vẫn còn những tồn tại. Các bộ, ngành địa phương sẽ làm việc để tháo gỡ trong thời gian sớm nhất. Còn đại diện Bộ Lao động- Thương binh và xã hội cho biết, hiện nay, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về an sinh xã hội, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em rất khả thi. Việc tích hợp chia sẻ thông tin giải quyết vấn đề trợ cấp thất nghiệp vẫn còn khó khăn, phải kết nối phần mềm chi trả với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bộ Lao động-Thương binh và xã hội sẽ triển khai quyết liệt để có dữ liệu trong tháng 5.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm đã biểu dương những thành tích các đơn vị đã đạt được trong tháng 3. Trong tháng 4, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đơn vị bám sát lộ trình thực hiện Đề án đồng thời nhấn mạnh một số nội dung công tác. Về vấn đề pháp lý, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để có bức tranh tổng thể về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để thực hiện Đề án; các đơn vị được giao chủ trì, tham mưu với Chính phủ ban hành các văn bản pháp, đặc biệt là 2 nghị định và 2 thông tư cần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành trong quý II. TP Hà Nội là đơn vị triển khai thí điểm đã có những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất. Vì vậy các thành viên Tổ công tác cần chỉ đạo bộ phận chức năng tập trung hướng dẫn, tháo gỡ cho các địa phương nói chung và TP Hà Nội nói riêng.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đồng chí thành viên Tổ công tác thuộc Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương còn lại khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án và thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án theo chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể từng dịch vụ công của từng cấp, từng địa phương về quy trình, biểu mẫu, thực trạng hạ tầng đường truyền, máy tính, phần mềm, nguồn nhân lực thực hiện... Từ đó phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đề xuất phương án phân bổ nguồn lực thực hiện theo từng ngành, từng lĩnh vực để đáp ứng được việc triển khai Đề án, tránh tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu”.
Về triển khai đối với 2 nhóm thủ tục liên thông (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối liên thông với hệ thống của Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng quy trình để thực hiện đầu mối tiếp nhận tại cổng dịch vụ công cư trú. Đề nghị thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt chủ trương sử dụng thẻ CCCD; sớm triển khai thu thập các thông tin về hồ sơ sức khỏe của công dân…
Đối với thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Lao động- Thương binh và xã hội cần khẩn trương chỉ đạo rà quét, vá lỗ hổng bảo mật và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, dữ liệu trẻ em với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với các thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu nghiên cứu, có giải pháp đầu tư cấp bách, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện Đề án cho các bộ, ngành, địa phương. Các thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường hướng dẫn kiểm tra đôn đốc các nhà mạng thực hiện đăng ký sim chính chủ, đảm bảo quyền và lợi ích người dân theo quy định pháp luật; chỉ đạo các nhà mạng hỗ trợ việc gửi tin nhắn tuyên truyền, OTP phục vụ triển khai Đề án đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu…
Nguồn: Báo CAND