Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thời khắc lịch sử “một ngày bằng 20 năm”

Giữa tháng 8/1945, nhận định thời cơ đã chín muồi, Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào, họp từ ngày 13 đến 15/8/1945, quyết nghị chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Ngày 16/8/1945, Quốc dân đại hội họp tại Tân Trào – một hội nghị Diên Hồng trong thế kỷ XX, đã nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; thông qua 10 chính sách của Việt Minh và thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

4-1.jpg -0
Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu).

Cũng trong ngày 16/8/1945 tại số nhà 101 Gambetta (nay là 101 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Xứ ủy Bắc Kỳ triệu tập cuộc họp với Thành ủy Hà Nội. Dù chỉ thị Tổng khởi nghĩa của Trung ương chưa kịp truyền đạt tới Hà Nội, nhưng căn cứ Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, cùng sự nhạy bén trước thời cơ, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban khởi nghĩa), gồm các vị: Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy; Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy), cán bộ Ban Công vận Xứ ủy; Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Duy Thân, Thành ủy viên và Lê Trọng Nghĩa, cán bộ Xứ ủy. Ông Trần Đình Long được Xứ ủy cử làm cố vấn cho Ủy ban khởi nghĩa. 

Trong số những chứng nhân lịch sử trên, đến nay chỉ còn lại duy nhất cụ Nguyễn Quyết; cụ là đại tướng và từng giữ trọng trách Phó Chủ tịch nước. Một ngày đầu tháng 8/2023, tôi hỏi thăm sức khỏe cụ Nguyễn Quyết thì được anh Trần Kiến Quốc (thứ nam của Thiếu tướng Trần Tử Bình, nguyên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, người cùng với cụ Nguyễn Quyết giữ vai trò lãnh đạo khởi nghĩa tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ) thông tin: “Gia đình cụ Quyết cho biết, sức khỏe cụ ổn định theo chiều đi xuống; dù cụ không có bệnh gì nhưng rất yếu”. Năm nay, cụ Nguyễn Quyết đã bước vào tuổi 102!

Tôi có may mắn từng được gặp và trò chuyện nhiều lần với 2 trong số 5 vị lãnh đạo Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, là Đại tướng Nguyễn Quyết và Đại tá Lê Trọng Nghĩa.

Nhớ lần đến tư gia của Đại tướng Nguyễn Quyết, khi đó phu nhân của ông là bà Võ Thị Hoàng Mai vẫn còn bình sinh. Ông bà đã dành cho tôi buổi nói chuyện thú vị và lúc ra về, còn tặng tôi những cuốn sách hồi ký về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình…

4-3.jpg -0
Tác giả với Đại tướng Nguyễn Quyết và phu nhân Võ Thị Hoàng Mai. (Ảnh chụp năm 2007).

Tháng 8/1943, đang hoạt động trong Ban cán sự (Tỉnh uỷ) Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Quyết được Xứ uỷ Bắc Kỳ điều về Hà Nội, bổ sung vào Ban cán sự (tức Thành uỷ, lúc này chỉ có 3 lãnh đạo là đồng chí Lê Quang Đạo, Trưởng ban; đồng chí Vũ Quý phụ trách Thanh niên; Nguyễn Quyết phụ trách công nhân và ngoại thành). Sau khi Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội được thành lập, trong ngày 19/8, dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban khởi nghĩa, quần chúng với lực lượng tự vệ làm nòng cốt lần lượt chiếm Phủ Khâm sai, Toà Thị chính… Mũi chiếm Trại Bảo an binh (nay là khu vực Nhà hát Hồ Gươm, số 40 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) – một vị trí quân sự quan trọng nhất của Hà Nội lúc đó - do đồng chí Nguyễn Quyết phụ trách. Sau khi ta chiếm được trại, quân Nhật đưa xe tăng tới bao vây; chúng định tước vũ khí của ta và đòi trả lại Trại Bảo an binh cho Chính phủ Trần Trọng Kim.

Mặc dù trong đoàn khởi nghĩa, nhiều ý kiến đòi tấn công quân Nhật nhưng là người giữ vai trò lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Quyết nhận định: Nếu để xảy ra xung đột với quân Nhật, hậu quả sẽ khó lường, có thể không giữ được thành quả cách mạng. Với thái độ mềm dẻo nhưng cương quyết, ông nói với đại diện chỉ huy quân Nhật: “Nhật Hoàng đã tuyên bố đầu hàng. Các ông chỉ còn đợi nay mai quân Đồng minh vào tước vũ khí rồi về nước… Tốt nhất là các ông trở về vị trí cũ, không nên can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam chúng tôi”.

Dưới sức mạnh của khối quần chúng, cùng với lí lẽ sắc sảo của vị chỉ huy Việt Minh, quân Nhật phải rút về doanh trại vào lúc 5 giờ chiều… Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn vì một số địa phương gần Hà Nội như Thái Nguyên, lúc đầu ta chủ trương dùng biện pháp quân sự nên thương vong lớn mà vẫn không đạt được mục tiêu. Đặc biệt tại Hà Đông, sau khi chiếm được Dinh tỉnh trưởng, quần chúng cách mạng tiếp tục diễu hành rồi tràn vào Trại Bảo an binh. Viên chỉ huy trại là quản Dưỡng đã ra lệnh nổ súng, việc chiếm trại không thành. Nhiều cán bộ và đồng bào hy sinh, bị thương hoặc bị bắt vào trại. 

Cũng nhờ duyên may nghề báo, tôi nhiều lần đến thăm, trò chuyện với Đại tá Lê Trọng Nghĩa. Ngày ông về với tổ tiên, tôi cũng đến thắp cho ông nén hương, nhìn khuôn mặt ông lần cuối và ghi vào sổ tang tri ân một con người nhiều công lao nhưng cũng gặp không ít sóng gió trong cuộc đời (năm 2015)…

Trong một lần đến thăm Đại tá Lê Trọng Nghĩa, ông kể lại những cuộc gặp bí mật trong Phủ Khâm sai (nay là Nhà khách Chính phủ, số 2 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước ngày 19/8/1945. Đây là trung tâm quyền lực của chế độ bù nhìn thân Nhật. Đại tá Lê Trọng Nghĩa kể lại: “Ngày 16/8, đoàn đại diện Việt Minh do ông Nguyễn Khang dẫn đầu, tôi và ông Trần Đình Long (tham gia với vai trò “cố vấn”) vào gặp ông Phan Kế Toại, theo lịch hẹn từ trước. Vị Khâm sai đại thần cùng các cộng sự đón khách từ tiền sảnh và bày tỏ thái độ tôn trọng, cầu thị. Ông Phan Kế Toại đặt vấn đề: “Chúng tôi muốn mời Việt Minh tham chính”. Không đồng ý với đề xuất này, đại diện Việt Minh đã thẳng thừng bác bỏ và nói: “Tốt hơn hết là các ông từ chức đi!”. Ông Nguyễn Khang đề nghị Khâm sai nên đứng về phía Việt Minh, nhanh chóng giao vũ khí và chính quyền cho cách mạng. Không đạt được đồng thuận, đoàn Việt Minh ra về. 

4-2.jpg -0
Tác giả trò chuyện với Đại tá Lê Trọng Nghĩa. (Ảnh chụp năm 2010).

 Sau đó không lâu, một cuộc gặp gỡ nữa diễn ra tại Phủ Khâm sai với sự sắp đặt của ông Phan Kế Toại, nhưng lần này là giữa “Giáo sư Lê Ngọc” – bí danh hợp pháp của Lê Trọng Nghĩa, với Thủ tướng Trần Trọng Kim. Đại tá Lê Trọng Nghĩa hồi tưởng: Cuộc gặp gỡ diễn ra trong phòng khách lớn Dinh Khâm sai Bắc Bộ với sự có mặt của ông Toại... Tôi tranh thủ trình bày trước để giới thiệu chương trình Việt Minh, nêu lên ưu thế của Việt Minh là đã cùng đứng về phía Đồng minh chống lại phát xít Nhật từ nhiều năm và đã lập được khu giải phóng; Mặt trận của Việt Minh có đông đảo dân chúng đi theo, chỉ có Việt Minh mới đủ điều kiện đảm bảo giành được độc lập hoàn toàn cho đất nước. Ông Trần Trọng Kim chú ý nghe nhưng không có phản ứng gì rõ ràng. Đến lượt mình nói, ông phác ra chủ trương của chính phủ, tỏ rõ quan điểm thân Nhật, dựa vào Nhật... Tôi cảm thấy hơi nóng mặt, nhưng ông Phan Kế Toại đã tiếp lời ngay, công khai bày tỏ tin tưởng chính phủ sẽ xem xét đến các vấn đề mới được đề cập, theo ông “Những người Việt Minh ở ngoài Bắc này khá mạnh... và dân chúng đi theo họ”.

Đại tá Lê Trọng Nghĩa nhớ lại hình ảnh tiến chiếm Phủ Khâm sai vào đầu giờ chiều ngày 19/8/1945. “Từ Nhà hát Lớn Hà Nội, chúng tôi dẫn đầu đoàn quần chúng ào ạt tiến về Phủ Khâm sai... Tôi, anh Trần Tử Bình (Thường trực Xứ ủy phụ trách 10 tỉnh Bắc Bộ), anh Nguyễn Khang và nhiều quần chúng vượt qua cổng sắt, tràn lên đại sảnh và tiến vào Văn phòng Phủ Khâm sai. Nhân danh Uỷ ban quân sự cách mạng, anh Trần Tử Bình tiến thẳng đến nơi làm việc của Nguyễn Xuân Chữ, người cầm đầu “Uỷ ban chính trị” bù nhìn, ra lệnh phải đầu hàng. Hai tự vệ Thành Hoàng Diệu lập tức trói Nguyễn Xuân Chữ lại, giải đi (sau này, ông Nguyễn Xuân Chữ được đích thân Hồ Chủ tịch kí lệnh phóng thích – PV). Thấy trong phòng có hệ thống máy thông tin, anh Trần Tử Bình điện gọi các tỉnh trưởng và thị trưởng Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… thông báo Việt Minh đã giành chính quyền ở Hà Nội; yêu cầu họ phải mau chóng giao chính quyền cho Việt Minh, nếu không sẽ bị cách mạng xử lí. Cùng lúc, một số tỉnh trưởng, tri phủ, tri huyện hoảng hốt gọi điện về Phủ Khâm sai để xin ý kiến, đều nhận được mệnh lệnh dứt khoát của anh Trần Tử Bình: “Lập tức trao quyền ngay cho Việt Minh!”.

Như đã đề cập ở phần trên, đồng thời với chiếm Phủ Khâm sai, lực lượng cách mạng đã bao vây và chiếm những trung tâm quyền lực: Trại Bảo an binh, Ty Liêm phóng, Sở Cảnh sát Hàng Trống, Kho bạc, Bưu điện... Chỉ trong ngày 19/8, về cơ bản, các vị trí trọng yếu của chính quyền bù nhìn đã rơi vào tay cách mạng. Ngay tối 19/8, Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ họp, quyết định thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc bộ do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch, các ủy viên gồm Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Thân; Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội cũng được thành lập, do đồng chí Nguyễn Huy Khôi làm Chủ tịch.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi