Quảng Nam là một trong số ít những địa phương ở nước ta còn có sự phân bố tự nhiên của đàn voi rừng châu Á với khoảng 13-14 con chia làm 3 quần thể, gồm khoảng 5-6 cá thể khu vực Bắc Trà My và phía tây bắc huyện Tiên Phước; 8 cá thể tại khu vực huyện Nông Sơn.
Do đó, công tác bảo vệ các cá thể voi rừng châu Á được thực hiện nghiêm ngặt. Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định thành lập Khu bảo tồn (KBT) loài và sinh cảnh voi, có diện tích 18.977ha, nằm trên địa giới hành chính của 2 xã Phước Ninh và Quế Lâm, huyện Nông Sơn.
Vừa trở về cơ quan sau hơn 1 tháng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trong mùa ươi năm nay, chị Trần Thị Hương, nhân viên văn phòng của KBT loài và sinh cảnh voi chia sẻ với chúng tôi rằng, công tác kiểm soát hoạt động khai thác ươi, bảo vệ rừng vừa qua rất vất vả do có rất động người từ các nơi đổ dồn về các cánh rừng trong lâm phận KBT để thu hái quả ươi.
Trước thực tế đó, lãnh đạo KBT đã huy động tối đa lực lượng để tham gia công tác tuần tra kiểm soát, thành lập các tổ chốt chặn để kiểm soát hoạt động khai thác quả ươi. “Không chỉ có nam giới, các cán bộ nữ giới của KBT cũng được điều động tham gia làm nhiệm vụ QLBVR, quản lý, giám sát hoạt động khai thác quả ươi nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại rừng trong mùa khai thác quả ươi”, chị Hương tâm sự.
|
Các cá thể voi châu Á được ghi nhận tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. |
Ông Mai Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) KBT loài và sinh cảnh voi cho biết, xác định việc tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn để môi trường sinh thái, môi trường sống của voi rừng. Do đó, thời gian qua, công tác QLBVR luôn được KBT loài và sinh cảnh voi đặc biệt chú trọng.
Trong đó, chú trọng đến công tác tuần tra, kiểm tra rừng, đặc biệt là xung quanh những khu vực voi thường xuyên xuất hiện; tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia QLBVR, bảo vệ đàn voi.
Công tác hỗ trợ, phát triển dân sinh vùng lõi và vùng đệm KBT cũng được chú trọng hàng đầu. Từ năm 2018, BQL KBT loài và sinh cảnh voi đã bắt đầu triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ con giống, cây giống, đường điện chiếu sáng, vật liệu xây dựng cho 22 cộng đồng thôn thuộc 11 xã vùng đệm của KBT với tổng số tiền 880 triệu đồng/năm (40 triệu đồng /cộng đồng/năm).
Ngoài ra, BQL còn thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn 2 xã Phước Ninh và Quế Lâm, huyện Nông Sơn với diện tích gần 9.700ha; chi trả dịch vụ môi trường rừng với diện tích khoảng 5.700ha trên địa bàn xã Phước Ninh; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng cho 19 hộ gia đình thuộc khu vực Cấm La, thôn Phước Hội, xã Quế Lâm với diện tích 500ha...
“Việc giao khoán rừng cho người dân chính là để người dân tự tham gia QLBVR, đồng thời cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân tại địa phương”, ông Dưỡng nói, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, tuy BQL KBT loài và sinh cảnh voi đã đề ra các hoạt động nhằm bảo vệ và phát triển đàn voi nhưng đến nay, đàn voi vẫn đang đứng trước nhiều mối đe dọa có thể gây ra suy giảm về số lượng, trong đó vấn đề đáng lo ngại đầu tiên phải kể đến là sự xung đột giữa người và voi.
|
Việc bảo vệ đàn voi rừng, bảo vệ môi trường sống của voi có sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng dân cư địa phương. |
Khu vực hoạt động của đàn voi khá gần với khu dân cư, trước đây đàn voi từng xuất hiện và phá nương rẫy của người dân tại địa phương. Vì vậy, để giải quyết “bài toán” này, KBT loài và sinh cảnh voi đã tổ chức hướng dẫn người dân tránh xa đàn voi và cách ứng phó khi đàn voi xuất hiện như sử dụng thau đồng, chiêng trống, phát loa và chiếu sáng vào ban đêm để xua đuổi đàn voi quay vào rừng.
Bên cạnh đó, thành lập các nhóm bảo tồn cộng đồng tại xã Quế Lâm, xã Phước Ninh để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh xung đột giữa voi với người.
KBT loài và sinh cảnh voi đã phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ khảo sát, thiết kế và trồng xong tuyến hàng rào xanh với chiều dài khoảng 2,4km bằng cây bồ kết dọc theo vành đai lâm phận để ngăn cản sự di chuyển của đàn voi ra khu vực gần dân cư…
Sau khoảng thời gian dài thực hiện công tác bảo vệ và phát triển đàn voi rừng châu Á, cũng như công tác QLBVR, có thể thấy rằng từ khi KBT loài và sinh cảnh voi được thành lập đến nay, tình trạng đàn voi xuất hiện tại khu vực gần khu dân cư đã giảm đi đáng kể qua các năm, qua đó giảm thiểu sự “đối đầu”, xung đột giữa người và voi.
|
Tổ chức tuyên truyền về bảo vệ voi rừng tại huyện Nông Sơn. |
|
2 cá thể voi trưởng thành trong lâm phận Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi được "bẫy ảnh" ghi lại. |
Hầu hết các cá thể voi rừng hiện có trong KBT đang ở độ tuổi trung niên, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Các cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 1 cá thể voi con trong lâm phận KBT vào cuối năm 2019, nâng tổng số lượng từ 7 cá thể lên thành 8 cá thể voi rừng. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho công tác bảo vệ và phát triển đàn voi cũng như công tác QLBVR thời gian qua tại tỉnh Quảng Nam.
Nguồn: Báo CAND