Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Mở rộng đối tượng cấp thẻ căn cước công dân đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Căn cước (Dự thảo Luật CCCD sửa đổi) đã thể chế hoá quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ, giao dịch của công dân, tạo bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số, quản lý số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập của đất nước trong kỷ nguyên 4.0.

Mở rộng đối tượng cấp thẻ căn cước công dân đáp ứng yêu cầu thực tiễn -0
Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, tạo bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số, quản lý số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ảnh minh họa: CTV

Luật CCCD năm 2014 được Quốc hội khoá XIII thông qua đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các giao dịch, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai thực hiện Luật CCCD năm 2014 đã phát sinh những vấn đề vướng mắc, bất cập cần phải được nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung đáp ứng những yêu cầu đổi mới trong công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phục vụ hiệu quả quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật Căn cước công dân nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác quản lý CCCD, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về giấy tờ tuỳ thân của công dân. Bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải được ban hành dưới hình thức luật (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp), bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân trong đó có quyền tự do đi lại, giao dịch... Dự thảo Luật Căn cước đã bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD là trẻ em dưới 14 tuổi (thực hiện theo nhu cầu, không bắt buộc) và đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Việc bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD và giấy chứng nhận căn cước là không xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng, tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của các cơ quan chức năng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Việc mở rộng đối tượng cấp thẻ CCCD và giấy chứng nhận CCCD theo Dự thảo Luật Căn cước xuất phát từ những căn cứ sau:

Về việc bổ sung đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng là người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam: Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013). Do đó, việc bổ sung đối tượng là người gốc Việt Nam không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận căn cước là bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền của con người, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Thực tiễn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự của lực lượng Công an cho thấy, do nhiều yếu tố liên quan đến lịch sử, chiến tranh nên thực tế hiện nay ở Việt Nam có khoảng 31.117 trường hợp người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch. Trong đó, có 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch tập trung tại Gia Lai, Bạc Liêu, Vĩnh Long...; 10.650 trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai...; 16.161 trường hợp người không có giấy tờ tùy thân tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương... Do đó, cần phải có chính sách, quy định của pháp luật để giải quyết, quản lý chặt chẽ những người này, bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu để bảo đảm cuộc sống.

Ngoài ra, việc bổ sung đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước sẽ giúp Nhà nước quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam không quốc tịch đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo đảm quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội của các cơ quan chức năng. Bởi, trường hợp người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống lâu dài tại Việt Nam không được thu thập, quản lý thông tin, dữ liệu về nhân thân thì cơ quan Nhà nước sẽ không có thông tin để tiến hành tra cứu, xác minh, nhất là thông tin nhân trắc học gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Về việc bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD là trẻ em dưới 14 tuổi (thực hiện theo nhu cầu, không bắt buộc): Sự thay đổi về đối tượng được cấp thẻ CCCD là có tính khả thi trong thực tiễn áp dụng, bởi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì việc sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản có thể thu nhận được vân tay cho người từ đủ 5 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý Nhà nước.

Cùng với đó, việc cấp thẻ CCCD cho đối tượng công dân dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định của pháp luật xuất nhập cảnh và các quy định của các pháp luật khác liên quan. Bởi, thực tế việc thu nhận ảnh khuôn mặt đã được áp dụng và quy định trong việc cấp thị thực cho trẻ em dưới 14 tuổi tại khoản 2 Điều 7 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, việc cấp thẻ CCCD cho diện đối tượng này là phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ Căn cước cho công dân dưới 14 tuổi như: Algeria, Argentina, Bỉ, Bhutan, Brunei, Chile, Colombia, Síp, Equatorial Guinea, Đức, Guatemala, Kuwait, Malaysia, Bồ Đào Nha, Rwanda, Syria, Thái Lan…

Đồng thời, việc cấp thẻ CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm thiểu những giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy giá trị khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD và tiện tích của thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử, nhất là trong việc xác nhận thông tin cá nhân, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong việc thực hiện các giao dịch dân sự phục vụ cuộc sống thiết yếu của người dân như: tiện ích của công dân trong đi lại (như đi máy bay...), học tập, khám chữa bệnh (vì thông tin bảo hiểm đã được tích hợp trong thẻ CCCD) và thực hiện các giao dịch khác.

Để cụ thể hoá chính sách được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật và khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, cũng như tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, Luật Căn cước đã có những điều chỉnh, bổ sung, chỉnh lý như sau:

Thứ nhất, mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật CCCD năm 2014. Dự thảo luật không chỉ mở rộng đối tượng áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Theo đó, tại Chương I Dự thảo luật về quy định chung đã bổ sung một điều về người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam để cấp giấy chứng nhận căn cước và số dịnh danh cho đối tượng này.

Thứ hai, mở rộng, tích hợp thông tin khác của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự thảo luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (người gốc Việt Nam) trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của CCCD, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư; đồng thời, chỉnh lý mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022.

Thứ ba, chỉnh lý quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước tại khoản 9 Điều 16 của dự thảo Luật Căn cước quy định: “Thông tin về người gốc Việt Nam được thu thập, cập nhật riêng vào Cơ sở dữ liệu căn cước do Chính phủ quy định”.

Thứ tư, bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Đồng thời, phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Trong đó, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật CCCD hiện hành.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục cấp thẻ CCCD dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật. Theo đó, đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi; đối với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ CCCD đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD theo quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 24 cho trẻ em (trẻ em dưới 6 tuổi thì không thu nhận thông tin sinh trắc học). Trường hợp công dân là trẻ em đủ 6 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD.

Thứ sáu, quy định về độ tuổi đổi thẻ CCCD quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Căn cước được kế thừa theo luật CCCD hiện hành (25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi) và bổ sung thêm độ tuổi 14 tuổi để bảo đảm phù hợp với sự phát triển, trưởng thành của con người, tại các độ tuổi khác nhau thì đặc điểm nhân dạng của mỗi con người sẽ có sự thay đổi nhất định. Do vậy, cần thiết phải cấp đổi thẻ CCCD tại các độ tuổi này để bảo đảm sự chính xác trong quá trình khai thác, sử dụng thẻ CCCD.

Từ những cơ sở, phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng việc mở rộng đối tượng cấp thẻ CCCD và giấy chứng nhận căn cước theo Dự thảo Luật Căn cước là hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, gớp phần phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong quá trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số, bảo đảm quyền con người, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi