Mở đầu phiên họp Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ được tổ chức sáng 31/5, tại Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ khái quát những kết quả đã đạt được trong tháng 5; đồng thời nhấn mạnh 3 nội dung các thành viên trong tổ công tác cần tập trung đánh giá, thảo luận, đó là Công văn số 452 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ 4 “điểm nghẽn” thực hiện Đề án 06; Phân định rõ những nhiệm vụ cụ thể cũng như lộ trình thực hiện của các bộ, ngành trong Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kết nối các dữ liệu nhằm phục vụ thương mại điện tử, chống thất thu thuế và kiểm điểm những đầu việc theo Chỉ thị 05, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 ngày 25/12/2022.
“Các thành viên trong Tổ Công tác Đề án 06 cần đánh giá chính xác, nhất là những phần việc hiện nay vẫn còn triển khai chưa xong, đề xuất giải pháp tháo gỡ, thực hiện, khẳng định rõ thời điểm giải quyết, hoàn thành, có như vậy 6 tháng cuối năm mới đạt được kết quả theo đúng lộ trình đã đặt ra trong thực hiện Đề án 06. Chúng ta đang đi những bước rất chắc chắn trên nền tảng cơ sở pháp lý, đảm bảo hạ tầng công nghệ, an ninh, an toàn, kết nối, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, xây dựng niềm tin đối với người dân và xã hội”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh trên tinh thần rõ nhiệm vụ, lộ trình, giải pháp thực hiện, hoàn thành.
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đại diện các thành viên trong Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ, gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường …đã báo cáo những nội dung liên quan đến phần việc, nhiệm vụ của bộ, ngành được giao trong thực hiện Đề án 06. Cụ thể, xây dựng đảm bảo an ninh, an toàn, thủ tục rút gọn, tài chính, đầu tư, đường truyền, hạ tầng công nghệ, kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành để phục vụ thủ tục hành chính, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, các thành viên Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ cũng nhìn nhận rõ những tồn tại và nguy cơ, đồng thời đề xuất các biện pháp, khẩn trương giải quyết những “điểm nghẽn”.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương những kết quả của các bộ, ngành trong thực hiện Đề án 06 tháng 5, đồng thời nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết 4 "điểm nghẽn" trong thực hiện Đề án 06. Những chỉ đạo của Thủ tướng trong các công văn, chỉ thị đối với Đề án 06 là rất cụ thể, rõ ràng, trên cơ sở, mục tiêu phải phục vụ được cải cách thủ tục hành chính, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tội phạm... Cùng với 4 "điểm nghẽn" đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, qua báo cáo, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tổng hợp, hiện có 11 nhóm tồn tại nằm trong nhiệm vụ của các bộ, ngành và thống nhất cần phải nhanh chóng tháo gỡ.
“Các bộ, ngành cần tập trung giải quyết bằng những phương pháp, giải pháp trên tinh thần thực hiện Đề án 06. Đề án 06 không dừng lại, không lùi lại, chính vì vậy các bộ, ngành phải thực hiện, hoàn thành những phần việc theo đúng lộ trình, thời gian được giao”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ.
Đối với 4 điểm nghẽn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra trong Công văn 452 và những nội dung của Chỉ thị 18, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương tính chủ động, khẳng định của các bộ, ngành trong phân định rõ nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ thời gian, đồng thời đề nghị các đơn vị, bộ, ngành phải nhanh chóng phối hợp, giải quyết hiệu quả. Đồng chí Thứ trưởng lưu ý những nội dung liên quan đến hạ tầng công nghệ, làm sạch dữ liệu, đầu tư…
Về những đề xuất của các thành viên Tổ Công tác Đề án 06 trong phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các bộ, ngành tiếp tục bám sát, đôn đốc để thực hiện hiệu quả. Những phần việc nào đã xong, chưa xong, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phải được báo cáo rõ trước Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6.
Báo cáo của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ trong tháng 5 nêu rõ, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, nhiều dịch vụ công tỷ lệ trực tuyến cao, như: Thông báo lưu trú (đạt 99,9%); Đăng ký thường trú (đạt 89,4%, tăng 3,7% so với tháng 4/2023). Một số địa phương làm tốt, như Đồng Nai (đăng ký thường trú đạt tỷ lệ 97,35%, Đăng ký tạm trú đạt tỷ lệ 99,19%); Hà Nam (cấp điện mới từ lưới điện hạ áp đạt 100%).…
Tính đến ngày 13/5/2023, đã có 1.025.154 thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 968.903 thí sinh đăng ký trực tuyến (chiếm tỷ lệ 94,51%), 56.251 thí sinh đăng ký trực tiếp (chiếm tỷ lệ 5,49%). Ngày 21/5/2023, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cùng với FPT IS, Đại học Bách khoa phối hợp tổ chức thi thử, đánh giá tư duy sử dụng và tích hợp giải pháp xác thực CCCD gắn chip. Khi làm thủ tục thi, thí sinh cần quét thẻ CCCD gắn chip, thực hiện việc quét thẻ và chụp ảnh đối chiếu khuôn mặt, sau đó kiểm tra trong danh sách dự thi, số phòng thi đảm bảo chính xác, quá trình xác thực thông tin chỉ mất khoảng 20 giây/1 thí sinh, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng gian lận trong thi cử, nâng cao chất lượng giáo dục.
Kết quả về những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 trên 51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt 83,28%).
Hiện, Bộ Công an đang phối hợp với 5 ngân hàng (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Pvcombank, VIB) triển khai thí điểm giải pháp định danh, xác thực khách hàng trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID, tiến tới cung cấp toàn bộ dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ nghiệp vụ ngành ngân hàng. Ngoài ra, định danh điện tử còn tích hợp các công cụ số khác như: Chữ ký số công cộng, sim thuê bao, ví điện tử, hợp đồng điện tử… từng bước hoàn thiện hệ sinh thái công dân số theo Nghị quyết 50 của Chính phủ.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đến ngày 18/5/2023, đã có 16,8 nghìn doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công (tăng 3.623 doanh nghiệp so với tháng 4/2023), với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 4,68 triệu hóa đơn (tăng 1,6 triệu hóa đơn so với tháng 4/2023). Tổng số tiền thuế thu trên hóa đơn 222,8 tỷ đồng (tăng 118 tỷ đồng so với tháng 4/2023).
Hiện, tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc ngành lao động quản lý là 4,4 triệu người (trong đó có 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; 1,1 triệu đối tượng người có công). Các địa phương đã thực hiện rà soát được 2,8 triệu người (chiếm 64,66%). Tổng số đối tượng đã có tài khoản (mong muốn chi trả qua tài khoản) là 478.931 người (chiếm 10,73%/tổng số đối tượng quản lý). Đã thực hiện chi trả qua tài khoản cho 96.988 người (chiếm 20,25%/tổng số đối tượng đã có tài khoản) với kinh phí đã thực hiện chi trả qua tài khoản từ tháng 1/2023 đến nay là 68,9 tỷ đồng.
Về thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại trường học và bệnh viện, một số địa phương thực hiện tốt như: Hà Nội (56/71 cơ sở y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt); Nghệ An (820/943 trường thực hiện thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt; tổng số học sinh hoặc phụ huynh học sinh đã được cấp tài khoản: 393.423/432.145 trường hợp, đạt 91,04%); Ninh Bình (có 257/320 cơ sở giáo dục, thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 80%)...
Trong tháng, Bộ Công an đã tập trung nguồn lực, triển khai các mô hình điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, như xác thực sinh trắc học ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử tại Sân bay Phú Bài với 1,520 trường hợp đã sử dụng thẻ CCCD check- in. Phối hợp với Viettel triển khai điểm dịch vụ công tự động với 7 dịch vụ công, gồm: Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; Cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa; Cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người Việt Nam thuộc thẩm quyền của Sở Y tế; Cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc; Thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất; Thủ tục cung cấp dữ liệu về đất đai; Đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký mã số thuế; Hỗ trợ thiết bị đọc mã QR phục vụ khám chữa bệnh bằng CCCD và triển khai phần mềm ASM tại cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn; khảo sát và chuẩn bị triển khai mô hình khám chữa bệnh bằng sinh trắc học ứng dụng thẻ CCCD gắn chip tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Tính đến nay, Bộ Công an đã thu nhận 32,6 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó, phê duyệt 29 triệu hồ sơ (tăng 5,2 triệu hồ sơ so với tháng 4/2023); có 12,3 triệu tài khoản kích hoạt (chiếm 42,5% tổng tài khoản phê duyệt; tăng 3,8 triệu tài khoản so với tháng 4/2023). Bộ Công an đã cấp trên 80 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử cho công dân. Đã có 10 tỉnh, 100 huyện và 298 xã trên toàn quốc cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn.
Trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 19/5/2023, có 9 bộ, ngành và 55 địa phương đã thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 1,3 triệu trên 2,2 triệu hồ sơ được đồng bộ.
Nguồn: Báo CAND