Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Dự kiến 175 triệu liều vaccine cho chiến dịch tiêm chủng lớn

Đăng ký tiêm online

Nếu như cách đây 3 tháng, nhiều người còn ngần ngại từ chối tiêm vaccine phòng COVID-19 do lo sợ một số phản ứng sau tiêm, thì hiện nay, việc người dân mong đợi nhất chính là được tiêm vaccine, dù đó là vaccine nào. “Giờ tôi chỉ mong có  vaccine tiêm cho mình và gia đình để phòng dịch, hoặc chẳng may có bị dương tính, vaccine sẽ làm giảm tình trạng nặng của bệnh, điều này là quá tốt. Tôi không băn khoăn là mình được tiêm   vaccine loại nào, mà chỉ có nguyện vọng khi nào thì được tiêm vaccine”, chị Phạm Thúy Hạnh, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Việt Nam đã tiêm được hơn 7 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Cùng tâm trạng như chị Hạnh, nhiều người dân ở Hà Nội đều mong muốn được sớm tiêm vaccine, khi dịch bệnh ở Thủ đô trong những ngày qua không ngừng gia tăng số ca mắc mới. Trước biến chủng Delta, nhiều người lo ngại, đã hạn chế ra đường khi không thực sự cần thiết để phòng dịch. “Tôi có tiền sử dị ứng, đã 2 lần trì hoãn tiêm vaccine. Nhưng lần này tôi quyết định đi tiêm, cứ đến khám sàng lọc, test thử dị ứng, biết đâu lại tiêm được. Nếu cứ lo sợ không tiêm thì sẽ mất đi cơ hội phòng bệnh”, chị Nguyễn Mai Nhung, ở quận Tây Hồ là đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ cho biết.

Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn, Hà Nội đã quyết định 13 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng, trong đó có nhóm trên 65 tuổi, bệnh nền. Nhiều người dân Thủ đô ngoài đăng ký tiêm vaccine ở phường nơi cư trú, để đảm bảo công tác chống dịch, không chen chúc đi đăng ký, họ đã đăng ký tiêm online. “Tôi đăng ký tiêm cho cả nhà bằng hình thức online, bây giờ chỉ còn chờ, tới khi nào có vaccine, mình được gọi thì đi tiêm”, anh Bùi Xuân Phong, quận Cầu Giấy cho biết.

Trong đợt dịch thứ 4, hàng nghìn công nhân và người dân ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã được ưu tiên tiêm vaccine. Nhiều người trong số đó lúc đầu nghe tin một số người bị phản vệ sau tiêm đã không khỏi lo lắng. Nhưng lợi ích của việc tiêm chủng đem lại thì rất lớn, nhất là trong vùng bùng phát dịch, nên họ cảm thấy may mắn khi được tiêm vaccine.

Một chuyên gia dịch tễ cho biết, bất kỳ vaccine nào cũng có tác dụng phụ như nhau và có hiệu lực bảo vệ tương đương nhau.Vì thế, mọi người không nên có tâm lý chờ đợi được tiêm vaccine nào mà chỉ cần chờ tới lượt được đi tiêm trong tình trạng sức khỏe tốt nhất.

Tiêm phòng vaccine là vũ khí chống lại đại dịch COVID-19.

Chiến dịch tiêm chủng  vaccine sẽ tiến hành trên 63 tỉnh, thành phố với 19.500 điểm tiêm chủng. Các đối tượng tiêm chủng sẽ được sàng lọc cẩn thận, chia theo từng nhóm đối tượng về từng cơ sở để tiêm chủng, bảo đảm an toàn đến từng mũi tiêm. Vì thế, người dân hãy đăng ký tiêm chủng online để cơ quan quản lý sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vaccine sẽ báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

Từ nay đến cuối năm, có hơn 90 triệu liều vaccine về Việt Nam

Trước câu hỏi về số lượng vaccine Việt Nam đã mua và đàm phán được đến nay là bao nhiêu, Bộ Y tế cho biết, ngoài 3 triệu vaccine COVID-19 Moderna do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua cơ chế COVAX facility về Việt Nam trong tuần này, Pfizer đã đồng ý tăng số lượng vaccine COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong quý 3 từ 3 triệu lên 3,5 triệu liều. Hãng này cũng đồng ý bán thêm  20 triệu liều cho Việt Nam trong năm 2021, nâng tổng số liều vaccine Pfizer dự kiến bán cho Việt Nam là 51 triệu liều, tăng 20 triệu liều so với kế hoạch.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng cho biết, trong quý 3 sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vaccine, quý 4 là khoảng 65,5 triệu liều về Việt Nam.

Vaccnie Moderna về Việt Nam theo Cơ chế COVAX.


Tổng cộng 2 quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều, trong đó có khoảng 20 triệu liều vaccine Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi. Ngoài ra sắp tới Việt Nam sẽ nhận 100.000 liều từ Chính phủ Romania. Việt Nam cũng đang đề nghị Chính phủ Trung Quốc viện trợ không hoàn lại 5 triệu liều vaccine COVID-19 Sinopharm.

Ngoài đàm phán, ký kết hợp đồng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam còn thúc đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ       vaccine của Mỹ và Nga cũng như thỏa thuận hỗ trợ các đơn vị trong nước đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng và đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, khoa học, khách quan.

Lô vaccine Sputnik V khoảng 30.000 liều sản xuất đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn thành. Công ty Vabiotech cho biết, việc gia công, đóng ống vaccine Sputnik V bắt đầu từ 3 tuần trước. Công ty đã gửi lô vaccine sang Viện Gamaleya tại Nga kiểm định, dự kiến sau 30 ngày Nga sẽ trả lời. Đây là những triển vọng và hy vọng rất lớn. Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech hy vọng sẽ cung cấp thêm vaccine phòng COVID-19 chất lượng cao, giá cả phải chăng cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Vabiotech được Bộ Y tế giao tham gia đóng ống       vaccine Sputnik V từ bán thành phẩm, bắt đầu từ tháng 7. Quy mô gia công, đóng ống là 5 triệu liều một tháng, tiến tới mở rộng đóng gói lên 100 triệu liều/năm và xây dựng nhà máy tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V. Trước đó, Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine Sputnik V trong năm nay.

Sắp có vaccine “Made in VietNam”

Trước đại dịch đang bùng phát, việc khi nào Việt Nam sản xuất được vaccine trong nước luôn là tâm điểm chú ý của người dân. Vào chiều 22-7, cuộc họp giữa Bộ Y tế và Bộ Khoa học & Công nghệ đã được tổ chức nhằm rà soát các hồ sơ, dữ liệu, kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen.

Lô vaccine Pfizer đầu tiên về tới Việt Nam.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện công ty Nanogen cho hay, đến nay, vaccine Nanocovax đã tiêm thử nghiệm lâm sàng trên 13.620 tình nguyện viên. Trong đó, 60 người thuộc giai đoạn 1, 560 người thuộc giai đoạn 2 và 13.000 người giai đoạn 3. Trong giai đoạn 3, có 1.004 người tiêm đủ 2 liều. Công ty sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng để báo cáo Bộ Y tế vào tuần sau.

Căn cứ trên dữ liệu nghiên cứu, đánh giá chung, vaccine có an toàn, có tính sinh miễn dịch tốt, nhưng chưa đủ thời gian để đánh giá về hiệu lực (thời gian mà người tiêm có thể được bảo vệ sau khi tiêm đủ liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất).

Tại cuộc họp, GS.TS Phạm Ngọc Đính, thành viên Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia cho biết, trong nghiên cứu vaccine cần quan tâm 3 yếu tố: Cập nhật thiết kế, cấp phép có điều kiện và hậu cấp phép. Trong đó, nếu không giải quyết tốt việc cấp phép có điều kiện thì hậu cấp phép sẽ có những vấn đề phát sinh. Cấp phép có điều kiện cần dựa trên kết quả số liệu có tính liên hoàn, liên tục của giai đoạn 1, 2, 3 nhằm đánh giá tính an toàn, tính sinh miễn dịch.

“Cần hết sức tôn trọng kết quả của thử nghiệm kháng thể trung hòa, nhanh chóng có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, đồng thời, cần tính toán phương án gửi mẫu sang các phòng thí nghiệm nước ngoài để kiểm định, đánh giá đảm bảo tính chuẩn mực khách quan”, GS.TS Phạm Ngọc Đính khuyến nghị.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc khẳng định: Hội đồng rất ủng hộ việc nghiên cứu phát triển vaccine trong nước. Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp phép vaccine trong điều kiện khẩn cấp phải đảm bảo tính khoa học và pháp lý.

Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy cho hay, là đơn vị hỗ trợ về nghiên cứu, với tình hình diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn các chuyên gia y tế xem xét, đánh giá những kết quả thử nghiệm lâm sàng trên tinh thần khách quan, khoa học và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: Về chủ trương, Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho Nanogen cũng như các công ty, đơn vị trong nước trong việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine phòng COVID-19, với mong muốn sớm nhất có vaccine “Made in VietNam” để chủ động nguồn cung vaccine trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Về điều kiện để cấp phép khẩn cấp, Thứ trưởng đề nghị Công ty phải phối hợp chặt chẽ với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế và các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học hoàn thiện hồ sơ kết quả nghiên cứu pha 1, pha 2 và khẩn trương có được kết quả giai đoạn đầu của pha 3 (3A).

Dựa trên hồ sơ, số liệu đánh giá tổng kết này, Thứ trưởng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc sớm xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp đối với vaccine Nanocovax khi kết quả cho thấy an toàn, hiệu quả, chặt chẽ, khoa học…

Trên cơ sở những kết quả thử nghiệm lâm sàng đã có, ý kiến của các thành viên của 2 Hội đồng, ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, tình hình dịch bệnh và nhu cầu  vaccine phục vụ phòng chống dịch, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, xem xét việc cấp phép lưu hành khẩn cấp đối với vaccine Nanocovax.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị Bộ Khoa học & Công nghệ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp cùng với các đơn vị của Bộ Y tế, các đơn vị nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học và công ty Nanogen để sớm có thể nghiên cứu thành công, sản xuất được vaccine phòng COVID-19 trong nước, để có thể chủ động nguồn cung vaccine phục vụ phòng chống dịch bệnh.

Đây là một tín hiệu vui giữa đại dịch, hy vọng sớm có     vaccine trong nước để tiêm cho người dân, cũng như sớm có đủ vaccine nhập khẩu để tạo miễn dịch cộng đồng, chìa khóa để khống chế dịch.

Tính đến nay Việt Nam đã nhận hơn 10,6 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có tới 7,1 triệu liều là AstraZeneca; 2 triệu liều vaccine Moderna, 194.200 liều vaccine Pfizer...Đến sáng 23-7, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng 4.411.659 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là 4.077.099 người, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 33.560 người.

Như vậy, ngoài 105 triệu liều vaccine đã cam kết, đã ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được, thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam có tổng cộng 175 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

 

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi