Được thành lập theo chủ trương của thành phố, chốt “vùng xanh” đang được xem là rào chắn quan trọng, hiệu quả cao trong công tác phòng dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn: làm thế nào để đảm bảo tính an toàn cho những người chốt trực, khi mà chính bản thân họ phần lớn chưa có lá chắn bảo vệ cao nhất là vaccine và không được trang bị kiến thức về y tế tốt nhất.
Chốt “bổ đầu”- liệu có an toàn
Là khu ngõ có chợ cóc hoạt động tự phát, ngõ 74 đường Trường Chinh là một trong những điểm được UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa- Hà Nội) chú trọng lập chốt “vùng xanh”. Theo đó, tất cả những hộ dân trong ngõ sẽ luân phiên thay nhau chốt trực 24/24h. Tuy nhiên, anh Hùng, một cư dân sống trong ngõ 74 đường Trường Chinh cho biết, khi được giao chốt, anh rất lúng túng vì không biết ai được qua, ai bị cấm.
Người dân phải tuân thủ quy định 5K để phòng dịch.
“Khi đứng trực, các anh chị không cho người ta đi qua ngõ thì dựa vào đâu, quy định nào để chặn người ta lại, quyền hạn của anh chị do ai cấp để làm việc? Nếu mọi vấn đề không rõ ràng thì sẽ rất khó cho người thực hiện. Theo tôi, khi có quyết định lập chốt, về nguyên tắc phải có văn bản của phường ký, phải đưa ra quy định những đối tượng nào được ra, vào ngõ. Nếu không, làm như thế này sẽ rất khó cho chính người trực và có thể gây những mâu thuẫn không đáng có giữa người trực với cư dân trong ngõ. Tôi cho rằng chủ trương là đúng nhưng cách triển khai ở tổ dân phố còn có bất cập”, anh Hùng góp ý.
Từ góc độ y tế, chị Vân Anh- nguyên là bác sỹ chuyên khoa hô hấp của bệnh viện Bạch Mai bày tỏ lo lắng: “Tôi trực tiếp ra đứng chốt mới thấy có nhiều vấn đề bất cập khi có rất đông người quanh đó xin vào ngõ, trình bày các kiểu, vô tình tụ tập rất đông. Điều này quá nguy hiểm vì biến chủng Delta siêu lây nhiễm. Là bác sỹ về hô hấp, tôi rất lo lắng. Việc phân công luân phiên theo kiểu “bổ đầu” như hiện nay là không hợp lý bởi chốt là nơi diễn ra việc tiếp xúc với rất nhiều người, và không thể xác định trong số đó có F0 hay F1, F2. Nếu những người có mặt ở chốt, kể cả những người gác chốt hay người qua lại, có mang mầm bệnh thì sẽ có nguy cơ lấy lan rất cao. Chưa kể, những người gác chốt đều được huy động luân phiên từ trong khu dân cư, nhiều người trong số đó, chưa từng được tiêm vaccine, và không được test COVID theo định kỳ. Ngay chính ông tổ trưởng tổ dân phố cũng chưa được tiêm một mũi nào- do thuộc đối tượng trên 65 tuổi nên vẫn đang phải đợi. Thế nhưng vì công việc, tổ trưởng vẫn phải có những thời điểm cùng chốt trực và đến từng hộ dân cư để phối hợp công việc. Điều này nguy hiểm bởi nếu bị nhiễm bệnh thì khả năng lây lan cao do tiếp xúc nhiều người. Hơn nữa, cả người trực và người đi qua đều không được xét nghiệm nên sẽ có thể là nguồn lây bệnh cho nhau và cho cộng đồng”.
Cùng chung nỗi lo lắng, chị Bạch Hương- một cư dân thuộc phường Phương Mai - cũng cho rằng: “Với những người quen mặt, vì cả nể, sẽ rất dễ có tình trạng “thông chốt” thoải mái, còn với những người không quen biết, việc kiểm tra giấy tờ cũng gây ra nhiều khó khăn. Đơn cử trong khu có mấy gia đình cho các công ty thuê kinh doanh. Khi hàng về, họ không thể để ngoài trời nên bắt buộc phải chuyển vào kho. Do quy định nên xe tải không thể qua chốt. Vì thế, một nhóm thanh niên được huy động ra khuân vác hàng, bọ bốc lên, dỡ xuống, hò dô lấy đà, cười nói khiến nguy cơ giọt bắn, virus bay vào không khí rất cao, rất nguy hiểm cho cộng đồng”.
Nghiêm túc thực hiện 5K để bảo vệ chính mình và cộng đồng
Trước những băn khoăn lo lắng của người dân, chúng tôi đã có trao đổi với bà Hoàng Thị Bảo Phương, Chủ tịch UBND phường Phương Mai (Đống Đa- Hà Nội). Bà Phương cho biết cần xác định rõ chốt “vùng xanh” là chốt tự quản của nhân dân, không phải là chốt hành chính, được lập theo chủ trương của thành phố, mang tính chất đôn đốc, nhắc nhở người dân chống dịch, giữ an toàn theo chỉ thị của thành phố.
Tuy nhiên hiện nay, do tất cả lực lượng cơ sở đều quá tải, với số lượng người ít, họ không thể gánh hết toàn bộ công việc chốt trực 24/24h, bởi vậy, mới cần huy động sức mạnh từ cộng đồng dân cư. Trước tiên là những đảng viên sinh hoạt 2 chiều, ưu tiên và kêu gọi tinh thần tự giác của những người đã được tiêm phòng 2 mũi, sau đó mới đề nghị các hộ gia đình bố trí người tham gia gác chốt. Nhiệm vụ thì rất đơn giản: Người vào thì phải đúng là người trong khu mới được vào, còn người ra thì phải có lý do chính đáng như đi làm việc, đi trực theo phân công của cơ quan đơn vị, hoặc đi chợ theo lịch đã phát cho từng hộ. Còn với lực lượng shiper thì giao hàng bên ngoài, không được vào “vùng xanh” gây nguy cơ lây nhiễm. “Còn về tính an toàn, chúng tôi hiểu nỗi lo lắng của người dân. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát phức tạp, lượng vaccine chưa đủ để tiêm cho tất cả mọi người, thì việc yêu cầu tất cả mọi người chốt trực phải tiêm phòng 100% hai mũi là rất khó.
Như ở phường Phương Mai, đến tận chiều 31-8, cũng chỉ mới có 51 cán bộ tổ dân phố là người trên 65 tuổi được tiêm mũi vacine đầu tiên. Dù thế, trước đó nhiều tuần, họ vẫn phải tham gia chốt trực “vùng xanh”, vẫn phải đi đến các hộ dân cư làm cánh tay nối dài của phường đến với cộng đồng. Họ, biết là nguy hiểm nhưng vẫn chấp nhận làm việc vì mọi người, và biện pháp duy nhất để phòng tránh là thực hiện nghiêm túc quy định 5K để tự bảo vệ mình và bảo vệ người dân. Bởi vậy, với tư cách là người đứng đầu phường, chúng tôi kêu gọi mọi người dân hãy nghiêm túc thực hiện quy định phòng chống dịch, đồng thời cùng chung sức với chính quyền để khống chế không để dịch bệnh lây lan”, bà Phương nói.
Góp ý theo góc độ y tế, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, để phòng, tránh nguy cơ dịch COVID-19 xuất hiện ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, hơn ai hết bản thân người dân phải thông minh và người giữ chốt cần có hiểu biết, luôn thực hiện triệt để quy định 5K. Người dân ra vào chốt cần tự giác tuân thủ, chuẩn bị sẵn các giấy tờ, đứng xa người giữ chốt 2m, không để người giữ chốt cầm vào giấy tờ của mình, bởi người đó có thể là F0 bất cứ lúc nào
“Lực lượng canh giữ chốt cũng cần nhận thức được việc mình đứng gần và cầm vào bề mặt giấy tờ của người dân có thể lây nhiễm virus cho họ và cho chính mình. Vì vậy, cần đảm bảo giữ khoảng cách an toàn”- PGS Nhung nói. Ngoài các biện pháp trước mắt, phải tăng cường xét nghiệm cho lực lượng làm việc ở chốt kiểm dịch để phòng ngừa, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm.
Nguồn: Báo CAND