Giải quyết 3 "món nợ" tồn đọng
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhận định, năm 2022 chúng ta đã vượt qua "cơn bão kinh tế xã hội" với cấp độ mạnh trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, để lại nhiều bài học quý báu với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước và truyền thống đoàn kết, nhân văn của nhân dân ta khi đất nước hoạn nạn.
Bày tỏ nhất trí với 6 quan điểm, 15 chỉ tiêu, 5 cân đối lớn và 12 nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ, song đại biểu đề xuất tập trung trả dứt điểm 3 "món nợ" tồn đọng từ nhiệm kỳ trước, đó là: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, trong đó phát triển bền vững dựa trên kinh tế số, kinh tế tuần hoàn với khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo; giải quyết các dự án đầu tư thua lỗ, ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu đang đè nặng lên "đôi cánh" tăng trưởng; xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Về một số kiến nghị cụ thể, ĐBQH Đoàn TP Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ để ngành Y tế khôi phục và có năng lực hoạt động như trước thời kỳ COVID-19. Những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.
"Nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới", ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhận định.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình. "Lưu ý mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là "ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo" như thời bao cấp", đại biểu nhấn mạnh.
Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 1/1/2023. Mặt khác, đại biểu cũng đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành Y tế, Giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp, các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật về lương tối thiểu.
Cũng liên quan chi tăng lương cơ sở, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) thống nhất với tờ trình của Chính phủ, thống nhất áp dụng từ 1/7/2023, tuy nhiên nếu cuối năm hoặc sang năm 2023 nếu nguồn thu ngân sách tăng cao, ổn định, tốt, chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả, có dư thừa thì nên áp dụng từ 1/1/2023.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, những nơi giải ngân chậm thì kiên quyết điều chuyển vốn sang những nơi giải ngân tốt nhưng thiếu vốn, có hồ sơ đầy đủ, chất lượng để kích thích những bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác giải ngân, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Cần chế tài mạnh hơn với vi phạm pháp luật trên mạng xã hội
Ở góc độ khác, ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) cho biết, mạng xã hội ra đời đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi của các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ. "Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube với tỷ lệ đến 92 %, Facebook tỷ lệ sử dụng là 91,7%, tiếp đến là Zalo 76,5%... Điều này cho thấy mức độ phổ biến của mạng xã hội rất rộng rãi", đại biểu viện dẫn.
Vì tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng, có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi, dùng để kết nối với gia đình, bạn bè, người thân trên mọi miền Tổ quốc và là nguồn tìm kiếm thông tin nên nếu biết cách khai thác, sử dụng hợp lý thì mạng xã hội sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống; ngược lại, nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt vì lượng thông tin nhiều nhưng đan xen giữa thông tin tốt và thông tin xấu, khó kiểm chứng.
Nhiều thông tin trên mạng xã hội chứa nội dung xấu, độc, chứa nội dung kích động bạo lực, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan việc sử dụng các trang mạng đăng tải các thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân. "Điển hình như tài khoản Facebook cá nhân Nguyễn Phương Hằng, TP Hồ Chí Minh; Đặng Như Quỳnh, TP Hà Nội vừa qua đã bị cơ quan chức năng mời làm việc và xử phạt; hay một số cá nhân sử dụng mạng xã hội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, buôn bán hàng giả, hàng cấm...", đại biểu lấy ví dụ.
Từ đó, ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đề nghị nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, phối hợp với nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục định hướng để giới trẻ biết cách khai thác thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội; giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng và kiểm soát hành vi, lời nói. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 874 của Bộ Thông tin Truyền thông ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp quản lý Nhà nước đối với mạng xã hội, nhất là thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng.
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với mạng xã hội làm sao để kẻ xấu không có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, giúp giới trẻ sử dụng mạng xã hội tích cực, an toàn, hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ, hình thành thói quen sống tích cực, lành mạnh... "Các cơ quan có trách nhiệm cần có những chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trên mạng xã hội", ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh kiến nghị thêm.
Nguồn: Báo CAND