Trước đó, 3 ông Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang, Huỳnh Tấn Việt đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì những sai phạm trong quá trình công tác. Trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương. Ông Phong phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng và UBND TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ông Huỳnh Tấn Việt trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng đoàn HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Việt cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, tài sản nhà nước, quản lý và bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thi tuyển công chức, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, làm thất thoát ngân sách nhà nước...
Với ông Bùi Nhật Quang, Bộ Chính trị xác định ông phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 (giai đoạn từ tháng 11/2019 đến tháng 8/2020) và nhiệm kỳ 2020-2025. Những khuyết điểm được chỉ ra là vi phạm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, Quy chế làm việc của Đảng ủy dẫn đến nội bộ Ban Thường vụ Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Viện Hàn lâm mất đoàn kết; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Với tư cách người đứng đầu, ông Quang còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát, để Viện Hàn lâm và một số đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm kéo dài trong công tác cán bộ, quản lý sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; quản lý nghiên cứu khoa học, đào tạo...
Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 7 Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XIII hoặc bị khai trừ Đảng, cách chức, hoặc bị cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó có 3 Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XIII bị khai trừ Đảng gồm: Ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phạm Xuân Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương. Vi phạm của 3 ông được xác định là rất nghiêm trọng, liên quan đến vụ kit test COVID-19 của Công ty Việt Á. Hiện tại, cả 3 ông đều đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Trước đó, một Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XIII bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng là ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Ông Nam sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (còn gọi là Tổng Công ty 3/2). Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 8/2022, ông Nam bị tuyên án 7 năm tù.
Những diễn biến nói trên là minh chứng cho thấy việc xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực là “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (2012-2022) cho thấy, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (trực thuộc Bộ Chính trị), Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo quyết liệt, bài bản, công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Công cuộc phòng, chống tham nhũng thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”.
Không chỉ ở mặt luật pháp, những vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế còn là vấn đề đạo lý, y đức khiến dư luận rất bức xúc. Như trong vụ nâng khống thiết bị y tế, để làm rõ được hành vi phạm tội của các đối tượng, ngoài việc thu thập tài liệu, chứng cứ, tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn, thẩm định giá, cơ quan điều tra đã xác minh, làm việc với các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại 17 tỉnh, thành trên cả nước. Một robot Rosa được nhập khẩu mới từ Pháp có giá 7,4 tỷ đồng, đã gồm thuế nhưng quyết toán lên tới 39 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần. Con số nâng khống nhiều lần đó rốt cuộc đánh vào túi tiền người bệnh vốn đã hao kiệt khi phải phẫu thuật sọ não. Rồi vụ kit test Việt Á xảy ra khi cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch, vậy mà nhóm lợi ích đứng sau Việt Á đã kiếm hoa hồng ít nhất 800 tỉ đồng bằng việc mua bán kit test. Khi mà Nhà nước áp dụng chính sách nhân đạo để thực hiện các chuyến bay giải cứu đồng bào về nước tránh đại dịch thì nhóm lợi ích lại câu kết, đặt ra “luật lệ” riêng để vơ vét, trục lợi cá nhân, mỗi chuyến bay giải cứu “kiếm chác” bình quân 2 tỷ đồng (tổng cộng có hơn 2 nghìn chuyến bay giải cứu).
Tiêu cực trong các lĩnh vực y tế, tài chính, đất đai... do lỗi cơ chế hay con người? Cơ chế là điều kiện cần, song cơ chế dù chặt chẽ đến đâu cũng phụ thuộc người thực hiện, thừa hành cơ chế đó. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vấn điều này. Tham gia trả lời câu hỏi trong nội dung chất vấn - trả lời chất vấn, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hoạt động vi phạm liên quan đến đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhiều vụ vi phạm xảy ra tại các bệnh viện lớn đã được lực lượng Công an phát hiện, khởi tố, điều tra. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là “phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe cả lĩnh vực. “Qua các vụ việc này, cũng có dư luận cho rằng, các vi phạm trong ngành y tế là do lỗi cơ chế hoặc hệ thống nhưng chúng tôi khẳng định không phải do các lỗi này mà đều là do lợi dụng khó khăn, lách luật để vi phạm. Trước khi xử lý hình sự, chúng tôi đều yêu cầu cơ quan điều tra phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng cá nhân trong từng vụ việc đó. Phải chứng minh yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi để xử lý các đối tượng này” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, kết quả phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. “Tôi đã nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nguồn: Báo CAND