Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tổng lực chống IS

Cộng đồng quốc tế cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khi lực lượng này đã đi tới tận cùng của sự tàn bạo khi liên tiếp gây ra các vụ hành hình man rợ làm bàng hoàng cả thế giới.

Hiện Mỹ đang dẫn đầu lực lượng đa quốc gia tiến hành không kích
vào lực lượng IS ở Sirya và Iraq

Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ngày1-2 tuyên bố đã hành quyết thêm 3 nhân viên an ninh Iraq. Cùng với đó, IS đã cho đăng tải lên mạng Internet một số bức ảnh chụp cảnh các tay súng của tổ chức khét tiếng cực đoan và tàn bạo này  chặt đầu 1 trung tá cảnh sát Iraq và 2 binh sĩ nước này bị chúng bắt giữ trước đó. 

Cho dù tính xác thực của các bức ảnh đang được kiểm chứng song động thái mới nhất trong một loạt hành động man rợ của IS thêm một lần nữa cho thấy tổ chức này đã leo tới tột cùng của sự tàn bạo. Trước đó vài ngày, lực lượng IS cũng đã hành hình dã man 2 con tin người Nhật Bản là nhà báo Kenji Goto và doanh nhân Haruna Yukawa khiến không chỉ nước Nhật mà cả thế giới phẫn nộ lên án.

Không khó để thấy rằng IS, bằng những hành động man rợ và đẫm máu của mình, muốn trước hết là các quốc gia liên quan và rộng ra là cả thế giới phải run sợ và chấp nhận những yêu sách của tổ chức cực đoan này. Song IS càng tàn bạo thì thế giới, qua phản ứng của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế trước các vụ hành hình dã man các con tin, càng thêm phẫn nộ và quyết tâm phải ngăn chặn,  loại bỏ cả lực lượng cùng tư tưởng cực đoan khỏi cuộc sống bình yên trên thế giới ngày nay.

Ngay từ khi lực lượng IS trỗi dậy, thực thi các hành động hà khắc và tàn bạo tại các vùng đất rộng lớn ở Syria và Iraq mà chúng kiểm soát, cộng đồng quốc tế đã có những biện pháp để ứng phó. Trong khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ tổ chức IS, Mỹ cũng dẫn  đầu một lực lượng đa quốc gia tiến hành không kích nhằm chặn bước tiến, tiêu diệt các tay súng IS trên chiến trường, chủ yếu ở Iraq.

Các biện pháp trên, dù phát huy tác dụng khi khiến tình hình tài chính của IS trở lên khó khăn hay hỗ trợ người Kurd chiếm lại thị trấn chiến lược Kobani, song vẫn chưa đủ để đánh bại lực lượng này, đặc biệt là ngăn chặn những hành động tàn bạo của chúng. Chính vì vậy mà Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham ngày 1-2 đã đề xuất triển khai 10.000 lính bộ binh Mỹ tham gia cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria. Thượng nghị sỹ Mỹ này cho rằng các cuộc không kích của liên minh do Mỹ cầm đầu chỉ có thể đẩy lùi được các cuộc tấn công, chứ không tiêu diệt được tận gốc IS ở Iraq và Syria, do đó Mỹ cần triển khai ít nhất 10.000 lính bộ binh ở 2 nước này, phối hợp với lực lượng của các nước Arab, mới có thể đánh bại được IS.

Việc Mỹ đưa bộ binh vào tham chiến chắc chắn sẽ tạo ta bước ngoặt trong cuộc chiến chống Iraq nhưng điều đó cũng có nghĩa là quân Mỹ sẽ lại một lần nữa trở lại “vũng lầy an ninh” mà khó khăn lắm họ mới rút chân ra được. Tuy nhiên, điều này không phải không có khả năng xảy ra bởi sự trỗi dậy cùng sự tàn bạo leo thang của IS đã khiến có tới 57% cử tri của đảng Cộng hòa ở Mỹ ủng hộ đề xuất của Thượng nghị sỹ Graham, dù vẫn còn 55% cử tri Mỹ nói chung  được hỏi ý kiến phản đối triển khai bộ binh chống IS.

Trích nguồn: Báo điện tử ANTĐ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè