Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thế giới nín thở chờ đợi chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ

Theo RT, cuộc viếng thăm lần này diễn ra trong bối cảnh Washington vừa tiến hành một cuộc tấn công tên lửa phủ đầu nhằm vào Chính quyền Syria cùng nhiều “cáo buộc một phía của Mỹ” liên quan đến việc Nga ủng hộ Tổng thống Assad trong các hoạt động quân sự tại quốc gia Trung Đông.

Theo chương trình dự kiến, ông Tillerson sẽ có buổi gặp mặt với người đồng cấp Nga ngay trong ngày 11-4 và chưa rõ ông này có cơ hội gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không.

Trước đây, ông Tillerson thường xuyên gặp Tổng thống Putin cũng như Ngoại trưởng Nga khi công tác ở Moscow khi còn làm Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và ông Rex Tillerson ở thời điểm còn là CEO của Công ty ExxonMobil.

Liên quan đến lịch trình của Ngoại trưởng Mỹ, người phát ngôn Tổng thống Nga, Dmitry Peskov  khẳng định cuộc với ông Putin chưa từng được lên kế hoạch và  cho biết ông Tillerson sẽ chỉ gặp trực tiếp người đồng cấp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Cần lưu ý rằng, trong các cuộc viếng thăm Nga được thực hiện trước đó bởi cựu Ngoại trưởng John Kerry, ông Putin thường xuyên bố trí một khoảng thời gian để gặp gỡ người đứng đầu giới ngoại giao Mỹ.

Theo tuyên bố  từ cả 2 phía được đưa ra trước đó, chuyến thăm của Tillerson ban đầu được kì vọng sẽ tìm ra đồng thuận chung và mở đường cho việc nối lại quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn đang trong giai đoạn tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, những hy vọng đó đã phần nào giảm bớt sau khi quân đội Mỹ tiến hành cuộc tấn công tên lửa khổng lồ vào căn cứ không quân Shayrat, tỉnh Homs, miền Tây Syria hôm 7-4.

Washington mặc dù chưa từng tiến hành bất cứ cuộc điều tra nào, nhưng lại cáo buộc căn cứ không quân Shayrat là nơi các máy bay tiêm kích Syria được trang bị vũ khí hóa học và gây ra vụ tấn công chết người hôm 4-4 tại tỉnh Idlib.

Damascus phủ nhận những cáo buộc này. Cùng với Iran, Moscow và Bắc Kinh đã miêu tả cuộc tấn công của Mỹ là một hành động gây hấn chống lại một quốc gia có chủ quyền. Nga sau đó kêu gọi một cuộc điều tra nghiêm túc về vụ việc xảy ra tại tỉnh Idlib.

Đáp trả lại tuyên bố của Nga, đại diện tại Liên Hợp Quốc của Mỹ ra tuyên bố rằng Nga phải chịu trách nhiệm cho các chính sách của Tổng thống Syria Bashar Assad. Ngoài ra, Lầu Năm Góc đã sẵn sàng tiến hành một cuộc điều tra về sự dính líu của Nga vào vụ tấn công tại Idlib, theo CNN.

Hôm 10-4, truyền thông phương tây đồng loạt đưa tin Ngoại trưởng Tillerson sẽ sớm trình  một bản ghi nhớ của các thành viên G7 về việc yêu cầu Nga từ bỏ sự ủng hộ của chính phủ Assad để đổi lại việc G7 sẽ tái sáp nhập Nga vào lại trong nhóm.

Trong khi đó, một số thành viên khác của G7 đã ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt căng thẳng hơn nhằm vào Nga vì đã hỗ trợ chính phủ Syria. Hôm 10-4, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson tuyên bố huỷ bỏ chuyến viếng thăm Nga, kêu gọi các nước phương Tây thiết lập biện pháp “trừng phạt mạnh mẽ” và yêu cầu Nga ngừng ủng hộ Assad và rút quân khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Được biết, đến nay cả hai bên vẫn lên tiếng bảy tỏ lạc quan về cuộc họp. "Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có một buổi đàm phán mang tính xây dựng với chính phủ Nga, với Ngoại trưởng Lavrov và Nga sẽ ủng hộ tiến trình thúc đẩy một Syria ổn định hơn”,ông Tillerson nói với tờ The Week hôm 9-4.

Bộ Ngoại giao Nga thì cho biết họ không mong đợi gì nhiều từ cuộc họp,  nhưng cũng nhận định rằng có "cơ hội để thảo luận các vấn đề cấp bách quốc tế là một bước đi tích cực”.

"Chúng tôi sẽ lắng nghe Ngoại trưởng Mỹ một khi ông ấy ở đây, và hỏi những câu hỏi của chúng tôi. Tôi tin rằng, chúng ta cần hiểu về những gì đang diễn ra tại Washington, nhưng Nga cũng phải nói rõ rằng những cuộc tấn công (nhằm vào Syria) tương tự là không thể chấp nhận được ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết.

Mỹ khó lường trong chính sách ngoại giao

Cuộc viếng thăm lần này của Ngoại trưởng Mỹ đến Nga còn đáng được chờ đợi bởi lẽ thế giới vẫn đang mong mỏi một chính sách ngoại giao thống nhất trong cách tiếp cận vấn đề Syria và tương lai mối quan thệ với Nga của chính quyền ông Trump.

Ngay sau vụ tấn công nhằm vào Syria, chính quyền ông Trump ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng minh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận định rằng vụ không kích lại là một hành động mang tính bột phát thường thấy của Tổng thống Mỹ.

Điểm đặc biệt ở chỗ, trong khi Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định rằng mục tiêu trước hết của Mỹ ở Syria là "đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS)", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lại tuyên bố thay đổi chế độ ở Damascus là điều "ưu tiên và không thể tránh khỏi" của Washington.

 

Cuộc viếng thăm của ông Tillerson liệu có ảnh hưởng đến tương lai chính trị Syria?

Hôm 9-4, Ngoại trưởng Tillerson thậm chí còn tuyên bố phủ định bà Haley, khi khẳng định hi vọng hợp tác cùng Nga tìm giải pháp và để người dân Syria quyết định tương lai của Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, lời bà Haley phù hợp với việc ông Trump trước lúc ra lệnh phóng tên lửa đã nói rằng ông phải “suy nghĩ lại rất nhiều” về Syria và Bashar al-Assad.

Đây là sự thay đổi bất ngờ của ông Trump bởi trong suốt quá trình tranh cử và trong các phát ngôn sau khi thắng về nỗ lực xây dựng quan hệ với Nga, ông Trump luôn để ngỏ một tương lai tươi sáng hơn của ông Bashar al-Assad tại vị ở Syria sau hòa đàm.

Những tuyên bố tiền hậu bất nhất của các quan chức Nhà Trắng về chính sách đối với Syria ít nhiều đã khiến dư luận ít tin tưởng chính quyền của Trump có một chiến lược dài hơi và nhất quán để giải quyết xung đột tại quốc gia Trung Đông cũng như mối quan hệ với Nga.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga chắc chắn là xa vời nếu Mỹ quay trở lại với quan điểm muốn loại bỏ ông Assad, khi đó ông Trump sẽ vấp phải những xung đột trong mối quan hệ Nga-Mỹ tương tự như dưới thời người tiền nhiệm Obama.

Trích nguồn: Báo CAND
Biên tập: Hoàng Linh

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi