Đại dịch COVID-19 hiện đã được ghi nhận tại những quốc đảo xa xôi của Thái Bình Dương, những nơi mà chính sự biệt lập về vị trí địa lý đã giúp các nước này tránh được đại dịch trong suốt 2 năm. Tại Hong Kong (Trung Quốc), số ca tử vong đang gia tăng đáng báo động, khiến chính quyền thành phố phải xét nghiệm diện rộng đối với 7,5 triệu dân đến 3 lần trong vòng một tháng qua theo quy định của chiến lược “zero-COVID”.
Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cũng đang phức tạp tại Ba Lan, Hungary, Romania hay các nước khu vực Đông Âu khác, nơi đang tiếp nhận hơn một triệu người di cư tránh chiến sự từ Ukraine. Trong khi đó, bất chấp điều kiện kinh tế phát triển và lượng vaccine dồi dào, số ca tử vong tại Mỹ cũng đang gần chạm mức một triệu dù đang có xu hướng giảm trong tháng qua.
Nhìn chung, tỷ lệ tử vong trên thế giới hiện nay cao nhất ở những người chưa được tiêm chủng, theo Tikki Pang, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore kiêm đồng Chủ tịch Liên minh tiêm chủng châu Á - Thái Bình Dương. “Đây là căn bệnh đe dọa đến những người chưa được tiêm chủng – hãy nhìn vào tình hình tại Hong Kong hiện nay, hệ thống y tế đang quá tải. Phần lớn những ca tử vong và bệnh trở nặng đều rơi vào nhóm người chưa tiêm chủng, thành phần dễ bị tổn thương”, chuyên gia Pang cho biết.
Thế giới ghi nhận một triệu ca tử vong đầu tiên do COVID-19 khoảng 7 tháng sau khi đại dịch được công bố vào đầu năm 2020. Chỉ 4 tháng sau, thêm một triệu người khác mất mạng vì căn bệnh này và cứ khoảng 3 tháng, thế giới lại ghi nhận thêm một triệu ca tử vong. Mốc 5 triệu ca tử vong được ghi nhận vào cuối tháng 10/2021 và con số này sẽ sớm vượt qua 6 triệu. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng trên thực tế, con số 6 triệu ca tử vong này đã bị xô đổ từ lâu. Nguyên nhân được cho là việc lưu trữ hồ sơ, năng lực xét nghiệm yếu tại nhiều nơi trên thế giới, ngoài ra, nhiều trường hợp tử vong khi chưa được điều trị vì bệnh viện quá tải.
Edouard Mathieu, trưởng bộ phận dữ liệu của cổng thông tin “Our World in Data” – một ấn phẩm điện tử về các vấn đề toàn cầu, cho biết số người chết thực tế vì COVID-19 có thể cao gấp 4 lần số liệu được báo cáo. Một nghiên cứu về vấn đề này do đội ngũ của tờ Economist cho thấy số người chết vì COVID-19 có thể từ 14 triệu đến 23,5 triệu.
Hơn 445 triệu ca nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới, số ca nhiễm mới theo tuần đã giảm đáng kể trong thời gian qua tại nhiều nơi trừ các nước phía Tây Thái Bình Dương, như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới. Mặc dù có vẻ không “thấm vào đâu” nếu so với số liệu tại các nước lớn, tuy vậy, số ca nhiễm mới tại một số quốc đảo Thái Bình Dương rất đáng kể nếu tính đến quy mô dân số và có thể đe dọa đánh sập hệ thống y tế hết sức mong manh tại những nước này.
Trong khi đó, bất cân bằng trong phân phối vaccine vẫn là một vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết. Chưa đến 7% dân số tại các nước nghèo được tiêm chủng đầy đủ, trong khi số liệu này tại các nước giàu là hơn 73%, theo “Our World in Data”. Cuối tháng qua, châu Phi đã vượt qua châu Âu về số liều vaccine được cấp phép mỗi ngày, tuy nhiên, đến nay chỉ khoảng 12,5% dân số tại châu Phi được tiêm đủ hai liều.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Phi cho biết vẫn đang kêu gọi vaccine từ nhiều phía, tuy nhiên trước mắt còn nhiều thách thức. Một số lô vaccine được vận chuyển đến châu Phi nhưng năng lực bảo quản của nước sở tại còn kém và số vaccine cũng gần ngày hết hạn, buộc phải tiêu hủy. Ít nhất 250.000 ca tử vong đã được báo cáo tại châu Phi, số liệu khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ là thấp hơn thực tế.
Tại Đông Âu, nhiều nước vật lộn với sự lây lan của biến thể Omicron cũng đang đối mặt với nguy cơ lớn đến từ dòng người tị nạn Ukraine, một nước có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Các chuyên gia y tế đề nghị tiêm vaccine miễn phí cho người di cư từ Ukraine, tuy nhiên, không thể tiến hành xét nghiệm hay cách ly cho toàn bộ những người này.
Ở châu Mỹ, Mexico đến nay báo cáo hơn 300.000 ca tử vong, nhưng với tỷ lệ xét nghiệm còn thấp, một phân tích giấy chứng tử của chính phủ nước này cho thấy con số thực tế có thể lên đến 500.000. Dù vậy, số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm liên tục trong 4 tuần vẫn khiến các quan chức y tế lạc quan. Còn tại Ấn Độ, nơi từng là ổ dịch của thế giới năm 2021, khoảng 500.000 ca tử vong đã được báo cáo.
Theo nhiều chuyên gia, con số thực tế tại Ấn Độ có thể lên đến hàng triệu. Nhiều người tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã bắt đầu trở lại thành phố kiếm việc làm, đường phố tấp nập trở lại, các trung tâm thương mại nhộn nhịp trong khi các trường học và đại học đã chào đón học sinh, sinh viên trở lại.
Trong khi đó tại Anh, số ca nhiễm đã giảm sau đợt bùng phát lây nhiễm chủng Omicron hồi cuối năm ngoái, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Anh hiện đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế, bao gồm việc đeo khẩu trang hay yêu cầu người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 phải tự cách ly tại nhà.
Nguồn: Báo CAND