Tuyên bố này của bà Ardern được đưa ra khi các quốc gia Thái Bình Dương và nhiều tổ chức nhân đạo nỗ lực liên lạc với Tonga, một ngày sau khi thảm họa thiên nhiên cắt đứt kết nối điện thoại và internet tại quốc đảo này, khiến 105.000 cư dân tại đây gần như không thể liên lạc được.
Thủ tướng Ardern cho biết chính phủ của bà hiện đã liên hệ với Đại sứ quán New Zealand ở Nuku’alofa, nói thêm rằng “sóng thần đã ảnh hưởng đáng kể đến vùng bờ biển phía Bắc Nuku’alofa, tàu thuyền và những tảng đá lớn dạt vào bờ”. Ngoài ra, toàn bộ Nuku’alofa bị bao phủ bởi một lớp màng bụi núi lửa dày đặc.
Bà Ardern cho biết vẫn chưa có báo cáo chính thức về số người bị thương hoặc tử vong ở Tonga.
Một máy bay giám sát quân sự do New Zealand điều động đã không thể tiếp cận Tonga do đám mây tro bụi cao 19 km vẫn bao phủ quốc đảo này. New Zealand sẽ tiếp tục cử máy bay đến Tonga vào ngày 17/1 “ngay khi điều kiện khí quyển cho phép”.
Núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai đã phun trào nhiều lần trong vài thập kỷ qua nhưng vụ phun trào hôm 15/1 mạnh đến nỗi cư dân ở Fiji (cách đó 800 km) và New Zealand (cách hơn 2.300 km) cho biết họ có thể nghe thấy tiếng nổ.
Cột khói bụi cao đến 20 km do vụ nổ phun lên bầu khí quyển có thể được quan sát từ vũ trụ.
Vua Tupou VI của Tonga được cho là đã sơ tán khỏi Cung điện Hoàng gia ở Nuku’alofa và được đoàn xe cảnh sát đưa đến một biệt thự cách xa bờ biển.
Văn phòng Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tại Suva, Fiji, cho biết họ đang theo dõi tình hình và không có thông tin cập nhật về thiệt hại hoặc thương vong.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông “quan tâm sâu sắc đến người dân Tonga và Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ các nước láng giềng Thái Bình Dương”.
Vụ phun trào khiến nhiều nước ở khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Samoa, Australia, Nhật Bản, Hawaii, Chile và Mỹ, kích hoạt báo động sóng thần.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin những con sóng cao hơn 1 m đã ập vào các khu vực ven biển nước này và cho biết nhà chức trách khuyến cáo khoảng 230.000 người ở khu vực có khả năng bị ảnh hưởng sơ tán.
Ở Chile, những con sóng cao 1,74 m được ghi nhận tại thị trấn ven biển Chanaral.
Nguồn: Báo CAND