Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nhiều điểm tương đồng trong chiến dịch của Nga ở Ukraine và Gruzia

Vài ngày sau khi Thế vận hội Mùa Đông ở Bắc Kinh bế mạc, Nga phát động một "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine nhằm bảo vệ lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine, đồng thời đặt mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi Phát xít hóa" quốc gia láng giềng.

Tình thế hiện nay ở Ukraine khiến nhiều người nhớ lại cuộc chiến kéo dài 5 ngày cách đây gần 14 năm của Nga nhằm vào Gruzia, vốn cũng bắt đầu sát thời điểm diễn ra một thế vận hội khác được đăng cai ở Bắc Kinh, Thế vận hội mùa Hè 2008.

Nga phô diễn sức mạnh quân sự

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia vẫn quyết liệt theo đuổi con đường ly khai khỏi sự kiểm soát của Tbilisi để thành lập quốc gia riêng. Giao tranh giữa các bên chỉ hạ nhiệt sau khi Nga "môi giới" thành công một lệnh ngừng bắn vào năm 1992 giữa Nam Ossetia và Gruzia, sau đó thiết lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực.

Những điểm tương đồng trong chiến dịch của Nga ở Ukraine và Gruzia -0
Lực lượng Nga kéo về biên giới Gruzia trong cuộc chiến năm 2008. Ảnh: AP

Sau hơn một thập kỉ ổn định, cuộc "Cách mạng hoa hồng" nổ ra ở Gruzia, dẫn đến việc thủ lĩnh phe đối lập Mikhail Saakashvili trở thành Tổng thống năm 2004, nước này từ đó theo đuổi tư cách thành viên của NATO với vai trò "tiền đồn chống Nga" tại Kavkaz.

Năm 2008, sự kiện Tổng thống Mỹ George W. Bush công khai ủng hộ ý tưởng kết nạp Gruzia và Ukraine làm thành viên của NATO khiến chính quyền của ông Saakashvili nóng lòng xử lý dứt điểm tình trạng ở Nam Ossetia và Abkhazia. Tbilisi cuối cùng đi đến "giải pháp" là một chiến dịch quân sự quy mô lớn, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn được Nga bảo trợ.

Sau vài ngày giao tranh qua lại ở quy mô nhỏ, đêm 7/8/2008, ngay trước lễ khai mạc Olympic mùa Hè Bắc Kinh 2008, quân đội Gruzia khai hỏa đạn pháo liên hồi vào thủ phủ Tskhinvali của vùng lãnh thổ Nam Ossetia và chỉ mất ít giờ để phá nát thành phố, làm chết gần 1.500 dân thường. Gruzia tưởng chừng chiến thắng đã trong tầm tay.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Saakashvili đã không dự đoán được phản ứng của Nga. Với cáo buộc đạn pháo của Gruzia làm chết lính Nga cùng nhiều người nói tiếng Nga, Tổng thống Nga khi đó, ông Dmitri Medvedev quyết định can dự để bảo vệ Nam Ossetia và Abkhazia ngay trong ngày 8/8/2008.

Hé lộ những điểm tương đồng trong chiến dịch của Nga ở Ukraine và Gruzia -0
Các hướng tấn công đa dạng của quân đội Nga. Ảnh: ITN
Một cuộc điều động lực lượng chiến đấu quy mô lớn nhất từ sau Chiến tranh Afghanistan được Nga thực hiện khẩn trương. Chiều 8/8/2008, ít nhất 2 đơn vị thiết giáp hạng nặng thuộc biên chế Quân đoàn 58 của Nga vượt hầm Roki tiến sang Nam Ossetia.

Sau vài giờ, lực lượng này đã bao vây Tskhinvali và bắt đầu tấn công vị trí đóng quân của Gruzia. Không quân Nga cũng liên tục yểm trợ bằng các đợt không kích. Bị áp đảo về năng lực quân sự, quân đội Gruzia mất thế chủ động tại Nam Ossetia trong vòng một ngày và bị đánh bật khỏi những vị trí đã chiếm được, phải lùi sâu về tuyến sau.

Nga không những không dừng lại mà tiếp tục huy động lượng lớn khí tài cơ giới tiến hành nhiều đòn không kích nhằm vào các cơ sở quân sự và công nghiệp quốc phòng của Tbilisi trên khắp lãnh thổ để thị uy. Các cuộc giao tranh xảy ra liên tục trên mặt đất, trên biển và trên không.

Ngày 11/8/2008, lực lượng Nga vượt qua ranh giới vùng Abkhazia và Nam Ossetia, đồng thời tiến vào phía Gruzia từ phía Tây. Tiếng súng chỉ thưa dần từ chiều 12/8/2008 với việc Tổng thống Medvedev lệnh ngừng chiến dịch tấn công vì "kẻ xâm lược đã bị trừng phạt đích đáng".

Hé lộ những điểm tương đồng trong chiến dịch của Nga ở Ukraine và Gruzia -0
Hình ảnh Tổng thống Saakashvili cắn cà vạt trong một cuộc điện đàm khi chiến sự với Nga nổ ra gây chú ý trên toàn thế giới khi đó. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, lực lượng Nga được cho là vẫn tiếp tục tiến sâu hơn về phía Tbilisi trong các ngày tiếp theo, giai đoạn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nỗ lực làm trung gian hòa giải cho một lệnh ngừng bắn.

Đến ngày 15/8/2008, Tổng thống Saakashvili, người muốn lật đổ ảnh hưởng của Moscow ở khu vực Kavkaz, đã buộc phải chấp nhận các biện pháp hòa bình do Điện Kremlin đưa ra, được Pháp làm trung gian, và kí trước vào thỏa thuận ngừng bắn. Sáng 16/8, ông Medvedev ký thỏa thuận. Mười ngày tiếp đó, 26/8/2008, Nga chính thức công nhận độc lập cho hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia.

Kết thúc cuộc xung đột, Nga mất 64 binh sĩ, 6 máy bay chiến đấu và hàng chục thiết giáp, theo truyền thông phương Tây. Trong khi đó, Gruzia mất 4.000 binh sĩ, các căn cứ quân sự tê liệt. Ngoài ra, ít nhất 5 xe thiết giáp Humvee do Mỹ cung cấp cho Gruzia cũng bị người Nga tịch thu sau chiến sự.

Hé lộ những điểm tương đồng trong chiến dịch của Nga ở Ukraine và Gruzia -0
Một chiếc xe tăng bị phá hủy trên đường phố Gruzia trong cuộc chiến năm 2008. Ảnh: AP

Thời điểm 2008, sau gần 2 thập kỷ Liên Xô tan rã, các trang bị vũ khí của quân đội Nga xuống cấp nghiêm trọng và năng lực tác chiến của binh sĩ không còn tinh nhuệ như trước; song chiến dịch chớp nhoáng của Moscow ở Gruzia đủ để khiến NATO "giật mình" và dè chừng.

Những điểm tương đồng

Đầu thập niên 2000, đà thắng thế của phe thân phương Tây tại cả Ukraine và Gruzia sau "Cách mạng cam" và "Cách mạng hoa hồng" khiến cả hai quốc gia này theo đuổi rốt ráo việc trở thành thành viên của NATO và EU cùng vọng tưởng đó là con đường nhanh nhất đạt được sự thịnh vượng.

Trong mắt nước Nga dưới thời Vladimir Putin, sự quay lưng của các quốc gia chia sẻ biên giới chung mang đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn về an ninh. Chủ nghĩa bài Nga bùng lên tại Gruzia và Ukraine cũng khiến các cộng đồng có yếu tố lịch sử gắn kết với Nga và người nói tiếng Nga gặp nguy hiểm.

Hé lộ những điểm tương đồng trong chiến dịch của Nga ở Ukraine và Gruzia -0
Miền Đông Ukraine và Nam Ossetia lẫn Abkhazia đều là khu vực có đông người nói tiếng Nga sinh sống. Đồ họa: WashingtonPost
"Nga luôn lo lắng về sự xâm nhập của yếu tố bên ngoài, không chỉ về quân sự và chính trị mà còn về mặt văn hóa", Nicoló Fasola, chuyên gia về chiến lược quân sự của Nga tại Đại học Birmingham, Anh, nêu quan điểm với FRANCE 24.

Với phương Tây, thái độ dè chừng Nga và những vấn đề nội tại của Ukraine, Gruzia như tình trạng tham nhũng, năng lực tài chính kém, mức độ hiện đại hóa quân đội không tương xứng… đã không cho phép họ lập tức kết nạp hai quốc gia này vào NATO, EU. Tuy nhiên, phương Tây nuôi hi vọng cho cả hai, bởi họ không muốn Kiev và Tbilisi rơi trở lại quỹ đạo của Nga.

Nhìn lại chuỗi sự kiện năm 2008, chính quyền Gruzia dường như đã tính toán rất kỹ trước khi tấn công Nam Ossetia, từ việc tập trung lực lượng, thời điểm tấn công cũng như những biện pháp kêu gọi sự can thiệp của phương Tây. Tuy nhiên, một kết quả như ý đã không đến với ông Saakashvili khi phương Tây phản ứng thiếu thống nhất và không can dự trực tiếp giúp Tbilisi chống đỡ đòn tấn công của Nga.

Dù hứng chịu thiệt hại không nhỏ, Nga đã được thừa nhận rộng rãi là đã đạt được mục tiêu của chiến dịch, đó là đảm bảo an toàn cho người nói tiếng Nga; thiết lập biên giới, duy trì tầm ảnh hưởng tuyệt đối ở Nam Ossetia và Abkhazia; đồng thời ngăn Gruzia gia nhập NATO trong ít nhất hàng thập kỉ.

Hé lộ những điểm tương đồng trong chiến dịch của Nga ở Ukraine và Gruzia -0
Một xe quân sự của Ukraine cháy trơ khung gần thủ đô Kiev. Ảnh: Interfax

Nhiều chuyên gia nhận định kịch bản Gruzia có thể đang lặp lại với Ukraine, nhưng Nga lần này có quyết tâm cao hơn.

Khi mở chiến dịch ở Ukraine, Nga không đặt vấn đề chiếm đóng mà nhằm "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng; cũng như trợ giúp hai nước cộng hòa ly khai mà Nga vừa công nhận là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) ở Đông Ukraine.

Với quan điểm Kiev đang bị kiểm soát bởi những người có tư tưởng "Phát xít mới", Moscow không giấu nỗ lực loại bỏ chính quyền Ukraine đương nhiệm, coi đây là giải pháp đưa quốc gia láng giềng này về tình trạng trung lập. Hôm 25/2, Tổng thống Putin kêu gọi quân đội Ukraine giành quyền kiểm soát đất nước và cho rằng ông không trông đợi vào bất cứ thỏa thuận nào với người đồng cấp Zelensky.

Mục tiêu tiếp theo của Nga được cho là nhằm thiết lập lại biên giới thực tế của LPR và DPR. Trong hiến pháp của hai nước cộng hòa, lực lượng ly khai muốn lãnh thổ của họ bao trùm hai tỉnh Lugansk và Donetsk của Ukraine. Tuy nhiên, sau các cuộc xung đột với quân đội Kiev kéo dài 8 năm, họ chỉ kiểm soát khu vực khá nhỏ giáp biên giới Nga.

Hé lộ những điểm tương đồng trong chiến dịch của Nga ở Ukraine và Gruzia -0
Bản đồ khu vực Donbass, trong đó khu vực màu nâu thẫm là toàn bộ địa giới hai tỉnh Donetsk, Lugansk, còn khu vực do phe ly khai kiểm soát có màu xanh. Đồ họa: BBC
Ông Putin đã nêu rõ rằng, Nga công nhận biên giới trong hiến pháp của LPR và DPR. Các quan chức Nga sau đó khẳng định đường biên giới trên giấy tờ của LPR và DPR cần được bảo vệ.

Khi chiến dịch của Nga nổ ra, lực lượng ly khai đã giao tranh với quân đội Ukraine và nhanh chóng giành quyền kiểm soát thêm các khu vực ở tỉnh Donetsk và Lugansk từ lực lượng chính phủ. Theo quân đội Nga, LPR và DPR đã tiến qua đường ranh giới thực tế trước đó đến 30km sau 2 ngày giao tranh.

Từ phương Tây, giống như khi Nga đưa quân sang Gruzia, Mỹ và các đồng minh gần gũi trong NATO tiếp tục lựa chọn đứng ngoài, dù họ dành cho Ukraine sự hậu thuẫn về mặt chính trị thông qua các biện pháp trừng phạt, cũng như viện trợ nhiều tiền cùng vũ khí sát thương cho Kiev hơn Tbilisi.

Hé lộ những điểm tương đồng trong chiến dịch của Nga ở Ukraine và Gruzia -0
Nga và Ukraine đến nay chưa tìm được tiếng nói chung để ngồi vào bàn đàm phán. Ảnh: Getty Images

Sức hấp dẫn của mối quan hệ đồng minh chưa được văn bản hóa với Gruzia và Ukraine không đủ để Mỹ và đồng minh mạo hiểm đưa lực lượng tới tham gia chiến đấu.

Hôm nay, 27/2, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang ngày thứ tư với việc cả hai bên hứng chịu thiệt hại nặng về người và của. Chưa rõ liệu Ukraine và Nga có thể sớm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn theo lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế hay không. Có vẻ như Nga quyết không khoan nhượng. Quân đội Ukraine đang chống trả quyết liệt. Ukraine sở hữu lực lượng vũ trang mạnh mẽ hơn Gruzia, nhưng Nga cũng đã hùng mạnh thêm rất nhiều cả về kinh tế và quân sự 14 năm sau cuộc chiến với Gruzia.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi