Hương Giang, 38 tuổi, chuyên viên phân tích dữ liệu cho một hãng đầu tư đặt trụ sở tại thành phố cảng Detroit, Michigan, phía Đông Bắc nước Mỹ. Sau 15 năm nỗ lực, gia đình cô đã biến giấc mơ Mỹ thành hiện thực với căn biệt thự ở vùng ngoại ô thượng lưu Detroit, chỉ cách cảng biển sầm uất với các trung tâm thương mại sang trọng nửa giờ lái xe. Cuộc sống sẽ êm ả trôi đi, nếu không có một ngày đầu tháng 3, khi đang chơi bóng cùng con trong công viên, một nhóm trẻ thiếu niên da trắng tầm 14-16 tuổi đã ném cát vào người con cô với lời nói cay nghiệt: “Virus Trung Quốc. Hãy cút về nước mày đi".
Cậu bé 10 tuổi òa khóc, nằng nặc đòi về nhà trong nỗi hoảng loạn bóp nghẹt trái tim người mẹ. Giang đã từng nhiều lần nghe, chứng kiến hoặc đích thân cảm nhận “làn sóng thù ghét" người châu Á nhưng chưa bao giờ cô cảm thấy đau đớn, phẫn nộ đến vậy. Đó là vì những lời nói xúc xiểm kia đâm trực diện vào con tim thánh thiện, vô tư của con trai cô - đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ, được luật pháp Mỹ công nhận.
|
Tuần hành yêu cầu chấm dứt bạo lực nhằm vào người gốc Á tại Mỹ. Ảnh: L.G. |
Trải nghiệm này khuấy lại trong hồi ức Giang nhiều năm về trước, lần đầu cô đặt chân đến thành phố New York, một người đàn ông vô gia cư đã nhổ nước bọt khi cô vừa đi qua kèm theo những lời nói tục tĩu về màu da và chủng tộc châu Á. Giang đã được cảnh báo và chuẩn bị trước về những tình huống gây sốc này. Thậm chí, có nhiều người bạn và đồng nghiệp gốc Á còn chia sẻ với cô: “Hãy cúi đầu xuống, đừng lên tiếng. Chỉ cần chịu đựng, chấp nhận và làm tốt việc cần làm. Bạn sẽ đàng hoàng và yên ổn trên mảnh đất này".
Chịu đựng, chịu đựng và chịu đựng - giống như một câu thần chú đeo bám Giang trong những năm vật lộn sinh tồn trên đất Mỹ. Khi ở văn phòng toàn người da trắng, Giang lảng tránh câu hỏi về văn hóa và chủng tộc. Cô yêu thích món trà sữa Hong Kong nên luôn dành thời gian buổi trưa đi dạo và mua một cốc hồng trà trân châu đen. Nhưng, khi đồng nghiệp người Mỹ hỏi gặng, cô nói dối là mua cà phê, chứ không phải thứ đồ uống được ưa chuộng ở châu Á. Giang chỉ muốn tàng hình, trở thành bánh răng trong cỗ máy, chăm chỉ làm lụng mỗi ngày, tích cóp thu nhập mỗi tháng. “Những cuộc tranh luận về văn hóa, màu da, sắc tộc hay bầu cử, chính trị, tôi đều tránh mặt”, Giang tâm sự.
Khi gia đình Giang chuyển về khu ngoại ô Detroit, cô mơ hồ cảm nhận thái độ lạnh nhạt của một số hàng xóm ở sân chơi công cộng, nhất là khi con họ đến chơi với hai đứa trẻ nhà cô. Ở trường học, một số lần con trai Giang phản ứng không chịu đến trường vì bị bạn chê cười “đồ ăn châu Á nặng mùi”, phát âm “nặng tiếng”. Thậm chí, cậu bé bị bắt nạt, cô lập, chỉ vì cái tên và màu da khác lạ trong trường học chủ yếu là trẻ em da trắng Mỹ. Sự phân biệt đối xử ở trường học đã đẩy con trai Giang vào trạng thái lo âu, căng thẳng, ăn kém, ngủ ít, có xu hướng mất tập trung và cư xử hung hăng. May thay, người mẹ bằng sự nhạy cảm và kiến thức của mình đã dành thời gian, nỗ lực và tình yêu để kéo con ra khỏi cơn trầm cảm, giúp cậu bé sớm hòa nhập với môi trường mới.
Song, từ đầu năm 2021, nước Mỹ đã chứng kiến một đại dịch khác, bên cạnh COVID-19, đó là làn sóng người châu Á bị thù ghét. Lần này, Giang không thể “tàng hình” như trước, bởi làn sóng thù ghét đã chạm đến con cô, thậm chí cả đời cháu chắt sau này, nếu vấn đề không được cải thiện. Năm 2020, chính quyền Mỹ ghi nhận 3.800 hành vi thù ghét và đôi khi là bạo lực với người Mỹ gốc Á. Theo Trung tâm Nghiên cứu về hận thù và chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino, tội ác thù ghét nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng 149% vào năm 2020 so với năm trước.
|
Cảnh sát New York dán cáo thị truy tìm kẻ hành hung người gốc Á. Ảnh: L.G. |
Các nhà nghiên cứu phát hiện tội ác thù ghét tăng đột biến vào tháng 3 và 4-2020 "trong bối cảnh gia tăng ca nhiễm nCoV và định kiến tiêu cực với người gốc Á liên quan đến đại dịch". Tại thành phố New York, cảnh sát chỉ ghi nhận 1 tội ác thù ghét người gốc Á vào năm 2019. Con số này tăng lên 28 vào năm ngoái. Nhiều vụ rất nghiêm trọng. Cụ ông gốc Á 84 tuổi bị một thanh niên 19 tuổi tấn công ở San Francisco và sau đó qua đời. Vào tháng 2, một phụ nữ châu Á 52 tuổi bị xô ngã xuống vỉa hè bên ngoài tiệm bánh ở Queens, New York. Hôm 16-3, 8 người, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, bị sát hại ở Georgia.
Hàng loạt sự kiện người châu Á bị chửi bới, xúc phạm, tấn công, thậm chí đe dọa tính mạng đã khiến hàng triệu người Mỹ gốc Á rơi vào trạng thái tức giận, lo lắng, bất an. “Trước kia, tôi đánh đổi tuổi xuân, xa cách gia đình, thân phận tha hương để đổi lấy tự do, an toàn. Nhưng, giờ đây, tôi luôn sống trong thấp thỏm, sợ hãi. Liệu ngày mai, tôi sẽ là nạn nhân tiếp theo của làn sóng thù ghét?”, Giang tức giận nói.
Theo anh Michael Hung, một người Mỹ gốc Việt, sống tại California, lý do làn sóng kỳ thị người châu Á bùng phát phần nào bắt nguồn từ thuyết “thượng đẳng da trắng” và quan điểm chống nhập cư của cựu Tổng thống Donald Trump cùng việc ông miêu tả nCoV là "virus Trung Quốc". Khi đại dịch lây lan từ Vũ Hán sang châu Âu và sau đó đến Mỹ, Trump liên tục gọi nó với những biệt danh như "virus Vũ Hán", "dịch Trung Quốc".
Ngoài ra, nhiều người Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như mất việc, giảm thu nhập, đổ vỡ gia đình, người thân đau ốm, tâm lý căng thẳng từ cách ly, phong tỏa, mối lo bệnh thật... Tất cả những yếu tố đó gây nên sự tức giận, bức bối, làm cho con người ta dễ bị kích động. Lương Anh, một người Việt sống nhiều năm tại Washington, phân tích thêm: Người da vàng, trong thâm tâm nhiều người Mỹ khác, đã không tự nhiên được xem là người Mỹ trong văn hóa chính. Từ lịch sử lập quốc cho đến nay, người châu Á thường bị coi là “người ngoài".
Ngoài ra, người châu Á hay bị ghen tị vì là chủng tộc chăm chỉ làm ăn, lành hiền, yên phận, thành đạt, giàu có. Nhiều người Mỹ bị hạn hẹp bởi trình độ, kiến thức, xuất thân, mức sống, “khi lợi ích của họ bị ảnh hưởng, những người này lấy cớ để xả cơn giận lên người da vàng yếu thế về sức mạnh thân thể, người già, phụ nữ, trẻ em...”, Anh nói.
Trải nghiệm thù ghét châu Á đã khiến Hương Giang thức tỉnh. Vào tháng 4, khi công ty tổ chức một số buổi thảo luận về chủ đề người châu Á bị tấn công, Giang đã đăng ký tham gia để “cất lên tiếng nói của mình". Trong buổi nói chuyện, cô nói về những trải nghiệm bị phân biệt đối xử của bản thân và bạn bè, đồng thời, kêu gọi các đồng nghiệp cùng lên án nạn kỳ thị và thảo luận các giải pháp bảo vệ người châu Á.
“Tôi chợt nhận ra cần phải dùng tiếng nói của mình để gây ảnh hưởng. Lần đầu tiên, tôi nói về màu da, chủng tộc của mình bằng sự tự tin và niềm hãnh diện. Nếu càng nhiều người lên tiếng, tôi tin, vấn đề sẽ được giải quyết", Giang nói. Bên cạnh đó, mỗi khi có cơ hội, hai vợ chồng Giang chia sẻ với các con về những sự kiện và tình huống một số người da vàng đang bị đối xử thậm tệ như thế nào, từ đó khơi gợi cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức của trẻ về thực tế cuộc sống.
“Tôi luôn nói với con, để cảm thấy tự tin, hãnh diện, con phải thấy mình quan trọng, tiếng nói của mình có tác động. Đồng thời, mỗi cá nhân tồn tại đều có khác biệt và con cần tôn trọng sự khác biệt đó, ngay cả khi con không thích. Tôi không dạy con phải câm lặng và cam chịu trước bất công, bắt nạt như bố mẹ từng nói với tôi ngày trước", Giang tâm sự. Song, bài học lớn nhất, Giang muốn truyền cảm hứng cho con, chính là lòng yêu thương và trắc ẩn sẽ xóa bỏ thù hận, chữa lành mọi vết thương. Ngoài ra, Giang nhấn mạnh, một điều rất quan trọng là con phải học các kỹ năng bảo vệ bản thân trước các vụ tấn công như học võ, luôn đem theo số điện thoại, còi báo động, kể cả xịt hơi cay khi ra đường buổi tối.
Sau những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á gần đây, người dân ở nhiều nơi tại Mỹ đã xuống đường tuần hành kêu gọi chống lại sự kỳ thị, thù ghét. Tổng thống Joe Biden cũng kêu gọi dân Mỹ chống lại "sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài ngoại". "Sự thù ghét không thể có bến đỗ an toàn ở Mỹ. Nó phải được chấm dứt", Tổng thống Joe Biden nói.
Những tiếng nói, những cuộc biểu tình không chỉ gây chú ý tại Mỹ mà còn thu hút sự quan tâm toàn cầu. Đối với Giang, nước Mỹ vẫn là mảnh đất “đa sắc dân, đa sắc tộc”, hứa hẹn nhiều cơ hội và thách thức như 15 năm trước, khi lần đầu cô đặt chân. Bằng việc đứng lên đấu tranh cho danh tính và bản sắc của người châu Á,cô tin, hành động của mình sẽ tạo ra thay đổi cho thế hệ con cháu sau này.
Nguồn: Báo CAND