Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Haiti - Hòn đảo của những băng cướp

An ninh bất ổn, khủng hoảng chính trị sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise đã khiến các băng nhóm tội phạm vũ trang tại Haiti nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động. Tội phạm đang “làm vua làm chúa” trên các đường phố của đất nước Haiti.

Tình hình an ninh, ổn định của đảo quốc này có được lập lại hay không phụ thuộc trực tiếp vào việc liệu Chính phủ Haiti có đẩy lùi được các băng cướp hay tội phạm có tổ chức sẽ trở thành một thế lực chính trị thật sự?

Mất kiểm soát

Các băng đảng tội phạm đầu tiên xuất hiện từ thời Haiti vẫn chịu sự thống trị của nhà độc tài Francois Duvalier. Khi đó cảnh sát Haiti hà hiếp người dân, thu tiền bảo kê chẳng khác gì côn đồ. Còn những tên côn đồ thật lại giống như “lính đánh thuê”. Chúng nhận tiền của các quan chức chính phủ hoặc ông chủ công ty để đe dọa, hành hung, bắt cóc thuê, v.v... Nhiều người đã trở thành nạn nhân của chúng chỉ vì lỡ nói ra vài lời mang tư tưởng “chống đối” chính phủ.

a1.jpg -0
Các băng đảng lộng hành trên đường phố Haiti.

Năm 1971, sau khi Francois Duvalier chết, chế độ độc tài Haiti cũng sụp đổ theo. Tuy vậy, những băng nhóm vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Các chính trị gia tiếp tục sử dụng những tên tướng cướp làm tay sai. Họ không ngờ rằng, có ngày những kẻ tội phạm sẽ “đủ lông đủ cánh” để tự sải cánh bay mà không cần họ che chở.

Sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát hồi tháng 7-2021 vừa qua, Haiti đã rơi vào trạng thái khủng hoảng toàn diện. Quốc hội đã bị giải tán nên không chỉ định được tổng thống hay chính phủ tạm thời. Trận động đất 7,2 độ Richter khiến hàng trăm người chết và bị thương, đặt gánh nặng lên các bệnh viện vốn đã quá tải vì COVID-19. Các cơ quan công quyền, trong đó có cả cảnh sát, phải đóng cửa hàng loạt vì chính phủ không có tiền để trả lương.

Trong bối cảnh đó, cũng không có gì lạ khi các băng đảng tội phạm lộng hành giữa thanh thiên bạch nhật. Ngoại trừ một số khu vực, thủ đô Port-au-Prince hiện nay đã rơi hoàn toàn vào tay các băng nhóm. Bạo lực giữa các nhóm côn đồ để tranh giành địa bàn hoặc hàng cứu trợ (thức ăn, thuốc men, v.v…) là chuyện thường ngày. Người dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ cho mạng sống của mình.

Bé gái Remy Sanon, 11 tuổi, đã kể cho phóng viên đài truyền hình Al Jazeera: “Em đang đi học về thì có mấy người cầm súng bất ngờ nhảy ra chặn đường rồi bắt em phải đi theo họ. Họ bắt em đọc một tờ giấy để quay phim. Sau đó em bị nhốt trong một cái lán ở đâu đó…”. Remy không thể tiếp tục nói chuyện với phóng viên được nữa. Theo lời mẹ em kể, bọn bắt cóc đòi phải trả 10.000 USD tiền chuộc. Mẹ em phải bán nhà để có hơn 1.000 USD để chuộc lại em. Hiện hai mẹ con đang sống tại một trung tâm bảo trợ dành cho những người mất nhà cửa. Remy phải bỏ học để chữa trị chấn thương vật lý và tâm lý do bị cưỡng hiếp.

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), kể từ tháng 2-2021 đến nay đã có 455 người Haiti bị bắt cóc, trong đó có 71 phụ nữ và 30 trẻ em. Bà Jean Gough, Giám đốc khu vực Mỹ Latin của UNICEF, viết: “Trên đất Haiti không có nơi nào là an toàn đối với trẻ em. Kể cả trường học hay nhà thờ cũng không thể bảo vệ các em được nữa. Đây là cơn ác mộng đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào”.

Haiti - Hòn đảo của những băng cướp -0Jimmy Cherizier - tướng cướp tự xưng là “nhà cách mạng”.

Gần như ngày nào cũng có người Haiti bị bắt cóc đòi tiền chuộc, nhưng thế giới chỉ chú ý đến thảm cảnh khi nạn nhân là người phương Tây. Một nhóm 16 nhà truyền đạo người Mỹ, một người Canada, và năm đứa trẻ là con cháu của họ bị băng đảng 400 Mawozo bắt cóc cách đây hơn tháng. Chúng đòi đổi 1 triệu USD lấy một mạng người. Nhưng chưa rõ là số tiền này có áp dụng với những đứa bé và anh lái xe người Haiti bị bắt cóc cùng với đoàn.

Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Ariel Henry từ trước đến nay “im hơi lặng tiếng” trước cảnh hỗn loạn bất ngờ ra thông cáo báo chí sau vụ bắt cóc. Thủ tướng Henry tuyên bố: “Nếu những kẻ tội phạm không ngừng ngay việc họ đang làm, luật pháp sẽ nghiêm trị họ…Sự lựa chọn duy nhất của các đối tượng côn đồ là chuyển nghề, bị tống vào tù, hoặc bị xử tử”. Đây là tuyên bố duy nhất mà Chính phủ Haiti đưa ra kể từ khi xảy ra sự việc. Cho đến nay báo chí vẫn không được biết quá trình thương lượng với những kẻ bắt cóc đã đi đến đâu.

Sự hỗn loạn có chủ đích

Bạo lực chỉ là một cách để các băng đảng Haiti giành quyền lực. Hiện tại chúng đang kiểm soát những tuyến đường giao thông và hải cảng huyết mạch. Các tài xế xe chở nhu yếu phẩm, xăng, v.v…phải trả những khoản tiền mãi lộ “cắt cổ” mới được phép đi lại. Đấy là trong trường hợp họ may mắn. Có những vụ toán cướp giết hoặc bắt cóc tài xế, còn hàng hóa đem đi bán chợ đen.

Cả Haiti đã bị tê liệt vì bọn tội phạm. Những nhu yếu phẩm cần thiết nhất vốn khan hiếm từ trước trận động đất nay trở thành thứ còn hiếm hơn kim cương. Các cửa hàng, bệnh viện, trường học buộc phải đóng cửa vì không có điện và xăng để hoạt động. Người dân đã nhiều lần xuống đường biểu tình yêu cầu nhà nước giải quyết sự thiếu hụt nhưng cũng chẳng thấy động tĩnh gì. Đâu đó có những câu chuyện người dân cố gắng vượt qua thời điểm khó khăn. Đơn cử như việc một người đàn ông lái xe lôi vượt 40 km để chở xăng và bình dưỡng khí đến bệnh viện. Nhưng những cá nhân tốt bụng và kiên cường đấy không thể một mình cải thiện tình hình được.

Trong câu chuyện này có một nhân vật không thể không nhắc đến. Jimmy “Barbecue” Cherizier là một cựu cảnh sát trở thành ông trùm tội phạm. Gã hiện lãnh đạo G9, một liên minh của 30 băng đảng khác nhau đang chiếm hữu hơn nửa thành phố Port-au-Prince, trong đó có cả nhóm 400 Mawozo bắt cóc đoàn truyền giáo.

Haiti - Hòn đảo của những băng cướp -0
Băng nhóm bắt cóc người Mỹ cùng tấm bảng ghi yêu sách của mình.

Không lâu sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị sát hại, Jimmy Cherizier công khai tuyên bố Thủ tướng tạm quyền Ariel Henry có liên quan đến vụ ám sát và yêu cầu ông này từ chức. Tướng cướp cũng ra lệnh cho đàn em chặn đường những xe chở nhiên liệu và cho biết sẽ chỉ rút quân khi Thủ tướng Ariel Henry làm theo yêu cầu của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP, Jimmy Cherizier nói thẳng: “Nước ngoài đã đổ hàng trăm triệu USD vào Haiti để tái thiết sau trận động đất năm 2010. Năm nay là kỷ niệm tròn 10 năm vụ động đất, người dân Haiti vẫn thiếu ăn, vẫn không có việc làm, nhà cửa; thử hỏi số tiền đó đã được dùng vào làm việc gì? Tất cả đều chảy vào túi các chính trị gia và sáu gia đình làm chủ hòn đảo này”.

“Sáu gia đình” mà Jimmy Cherizier nói đến là hậu duệ của những chủ đồn điền người da trắng tham gia thuộc địa hóa hòn đảo vùng Carribe này. Con cháu họ mới là những ông chủ, bà chủ thật sự của Haiti. Chỉ riêng dòng họ Mevs đã sở hữu hầu như tất cả các sân bãi chứa container trên đảo. Trong đó có Shodecosa, nơi 93% lương thực nhập khẩu của quốc gia được tập trung lại. Trong cảnh người dân Haiti đang chết đói, thật khó để xã hội chấp nhận được những gia đình sở hữu nhiều quyền lực, của cải như vậy.

Jimmy Cherizier tự coi mình là đại diện của nhân dân chống lại sáu gia đình nắm quyền. Gã từng cho côn đồ bao vây chặn mọi đường ra vào Shodecosa, đồng thời ra yêu sách với nhà Mevs: Đóng vào một quỹ “từ thiện” 500.000 USD/ tháng để G9 có tiền mua thức ăn cho người nghèo và tiếp tục chiến đấu chống lại nhà nước Haiti. Không rõ hai bên đã thỏa thuận với nhau như thế nào, nhưng sau đó bang nhóm này đã rút đi để bãi tập kết hoạt động trở lại.

“Ước mơ” của thủ lĩnh G9 là toàn dân có cuộc sống tốt hơn: “Chỉ có 5% người da trắng ở Haiti là được sống sung sướng. 95% còn lại sống cũng như chết. Chúng tôi chỉ đang cầm súng để đòi quyền được uống nước sạch, quyền được có nhà để ở, quyền được đi học miễn phí cho tất cả mọi người dân Haiti”, Jimmy Cherizier tuyên bố.

Haiti - Hòn đảo của những băng cướp -0
Người dân Haiti đứng trên bờ vực bị chết đói.

Thật khó để nói rõ được Jimmy Cherizier chân thật đến đâu. Có bằng chứng cho thấy G9 từng tổ chức những vụ bắt cóc, ám sát và ngộ sát tập thể. Jimmy Cherizier luôn phủ nhận việc các cấp dưới quyền mình thực hiện những tội ác trên, nhưng ít nhà quan sát tỏ ra tin vào lời khẳng định này. Họ cũng nghi ngại đến khả năng Jimmy Cherizier chỉ đang lợi dụng tình hình hiện tại để tập trung quyền lực vào tay mình.

Vấn đề là Jimmy Cherizier có người ủng hộ. Phóng viên hãng tin AFP và Al Jazeera khẳng định rằng ông trùm và các băng nhóm thuộc G9 từng phát tiền và thực phẩm cho các gia đình nghèo ở Port-au-Prince. Mà chẳng cần đến sự hỗ trợ trực tiếp, bản thân những lời nói của Jimmy Cherizier cũng đã rất cuốn hút. Không người dân Haiti nào lúc này lại không giận dữ trước sự bất lực của chính phủ; họ cũng đã chán ngán cảnh phải sống khổ cực cả đời, trong khi chỉ cách họ vài cây số là những gia đình đang hưởng cuộc sống giàu sang, sung sướng như vua chúa.

Sự lộng hành của các băng đảng chỉ là “triệu chứng” của một “căn bệnh”. Haiti đang đứng trên bờ vực của sự sụp đổ. Không ai rõ tương lai đất nước này sẽ ra sao nhưng có một điều chắc chắn là bạo lực và khổ đau vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống của những người dân thường.

Nguồn: Báo CAND

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi