Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đức 'phân cực' vì mở cửa giúp người di cư

Liên minh cầm quyền ở Đức cho biết, Chính phủ nước này đã quyết định chi thêm 6 tỷ euro (khoảng 6,7 tỷ USD) đễ hỗ trợ số người người di cư và tị nạn cao kỷ lục tràn vào nước này và hỗ trợ các biện pháp đối phó với làn sóng di cư đang có khả năng tăng cao đột biến.

Quyết định này được đưa ra bất chấp những chỉ trích từ đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) thuộc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng, quyết định tiếp nhận người tị nạn từ Hungary của chính phủ là một “bước đi sai lầm”.

Quyết định vấp phải chỉ trích từ trong và ngoài nước

Chính phủ Đức mô tả quyết định trên là “làn sóng đoàn kết” mà người Đức đang thể hiện với những người di cư, và khẳng định sức mạnh kinh tế Đức đủ để giúp họ vượt qua những thách thức khi tiếp nhận người xin tị nạn. Bộ Nội vụ Đức ca ngợi quyết định trên của Chính phủ là một ngoại lệ để giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Theo quyết định trên, 3 tỷ euro sẽ được bổ sung vào chi tiêu ngân sách liên bang năm 2016 và 3 tỷ còn lại là dành cho các bang để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất mà châu Âu phải đối mặt từ Thế chiến II. Trong khi đó, nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) ước tính chi phí của Đức tiếp nhận người tị nạn vào khoảng 10 tỷ euro trong năm nay, gấp bốn lần con số nước này đã tiêu tốn để thu xếp 203.000 người nhập cư trong năm ngoái.

Theo tờ báo trên, Berlin dự kiến ngân sách khoảng 5,6 tỷ euro để hỗ trợ cho 450.000 người tị nạn. Tuy nhiên, lượng người tị nạn đổ vào Đức năm nay ước tính tăng lên con số kỷ lục khoảng 800.000 người. Thực tế cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 8, hơn 100.000 người tị nạn đã được đăng ký ở quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu.

Ông Christopher Hillenbrand, người đứng đầu chính quyền vùng Bavaria Thượng, cho biết thành phố Munich đang trở nên quá tải do dòng người tị nạn quá đông đảo. Ông Hillenbrand dự kiến có khoảng 6.800 người nhập cư vào thứ bảy (5/9), 13.000 người đến Munich vào Chủ nhật (6/9), tăng so với ước tính trước đó là 11.000 người. Ông Hillenbrand nói có thể 11.000 người khác sẽ đến Đức vào thứ hai (12/9).

Trong khi đó, quyết định mở rộng cửa đón người tị nạn của Thủ tướng Đức lại đang vấp phải nhiều chỉ trích từ chính những đồng minh trong khối bảo thủ của bà. Tổng Thư ký CSU Andreas Scheuer lo ngại rằng, việc cho phép người tị nạn kéo sang từ Hungary sẽ thổi bùng làn sóng nhập cư không thể kiểm soát.

Dòng người tị nạn tại Đức.

Theo ông Scheuer, “điều này không thể tiếp tục. Đức không thể thực hiện kế hoạch này một mình”. Bộ trưởng Nội vụ Bavaria Joachim Herrmann thì cho rằng, quyết định của bà Merkel “gửi tín hiệu sai lầm tới châu Âu”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng đang bị chỉ trích vì chậm can thiệp trong các vụ bạo lực xảy ra tại một số trại tập trung tiếp nhận người di cư trên lãnh thổ Đức. Không chỉ ở trong nước, ở nước ngoài, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo sự hào phóng của Đức và Austria có thể khuyến khích thêm hàng triệu người tị nạn đổ vào châu Âu. Về phần mình, người đứng đầu Chính phủ Đức cho biết, ý định của bà là muốn thúc đẩy các thành viên Liên minh châu Âu (EU) làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ người di cư.

Bà Merkel khẳng định Đức có thể đối phó với lượng người di cư kỷ lục mà không cần phải tăng thuế. Quyết định tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Đức được cộng đồng đánh giá là một hành động với sự quyết đoán cao độ. Quyết định này khẳng định, trên khía cạnh nhân đạo, Đức làm gương cho cả châu Âu trong việc tuân thủ một trong những nguyên tắc hàng đầu mà EU đưa ra là đoàn kết.

Tại sao Berlin lại “rộng lượng” như vậy?

Có nhiều lý do khiến nhiều người di cư chọn đến “miền đất hứa” Đức. Đầu tiên, nước Đức có nền kinh tế mạnh nhất, lớn nhất châu Âu; hệ thống phúc lợi tốt và ổn định nhất; xã hội tổ chức tốt. Nếu được Đức tiếp nhận, tương lai của người di cư sẽ bảo đảm. Tiếp đó, chủ trương của Đức đối với giải quyết nhập cư vào châu Âu ôn hoà hơn. Người tị nạn cân nhắc khá kỹ lưỡng thông số về chất lượng của các trại tị nạn, thời gian chờ xét duyệt đơn tị nạn, cơ hội việc làm, việc hoà nhập với cuộc sống mới, mức độ thân thiện với người dân tị nạn... những tiêu chí mà Đức đang đáp ứng khá toàn diện.

Một yếu tố tiên quyết nữa chính là thái độ của chính phủ đối với sự khác biệt tôn giáo. Trong khi Tổng thống Hungary hùng hồn tuyên bố họ không muốn có một cộng đồng Hồi giáo tồn tại trong lãnh thổ đất nước, thì Thủ tướng Merkel cho biết sẽ không có bất cứ sự khác biệt nào giữa người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo trong đất nước của bà.

Tính tới thời điểm này, Đức đã tiếp nhận con số người tị nạn kỷ lục, lên đến 800.000 người, gấp 4 lần so với năm ngoái. Theo bình luận của tờ Bussiness Insider, có thể người Đức đang xem đây là một dịp để giải thoát chính họ khỏi bóng ma của quá khứ, khi Đức quốc xã thực hiện cuộc diệt chủng tàn bạo đối với dân Do Thái. Bên cạnh đó, với tiềm lực kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức luôn cần người lao động nhập cư, nguồn lực vốn đã vận hành nền kinh tế nước này kể từ những năm 1960.

Theo kết quả thống kê, tính đến tháng 7/2015, Đức còn khuyết 589.000 vị trí lao động vẫn chưa được lấp đầy. Do đó, việc tiếp nhận lượng lớn dân nhập cư từ Trung Đông, tuy đem đến mối nguy tiềm tàng cho xã hội, nhưng trước mắt sẽ phần nào giải quyết được nạn khan hiếm lao động tại Đức.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè