Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
“Chảo lửa” Ukraine ngày càng tăng nhiệt

Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/1 (giờ Việt Nam) đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Anh và Mỹ về việc Kremlin đang tìm cách thay thế chính phủ Ukraine bằng một chính quyền thân Nga, nhấn mạnh chính những thông tin vô căn cứ này khiến tình hình khu vực ngày một leo thang. Đáp lại, cả London và Washington đã quyết định rút một phần các nhân viên ngoại giao và người thân của họ tại đại sứ quán ở Kiev về nước nhằm thể hiện thái độ cứng rắn với Moscow.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: “Thông tin sai lệch mà Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Anh đưa ra là bằng chứng cho thấy các nước NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), dẫn đầu bởi nhóm Anglo-Saxon, đang gây leo thang căng thẳng tình hình Ukraine. Chúng tôi kêu gọi Anh dừng các hoạt động khiêu khích, chấm dứt truyền bá những thông tin vô nghĩa”.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Anh cho rằng điện Kremlin đang tìm cách thay thế chính phủ Ukraine bằng chính quyền thân Nga và cựu nghị sỹ Ukraine Yevheniy Murayev là một ứng cử viên tiềm năng trong kế hoạch của Moscow. Ngoài ông Murayev, lãnh đạo của một đảng nhỏ không có ghế trong quốc hội, Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Anh trước đó đã nêu tên một số chính trị gia khác của Ukraine mà họ cho là có liên hệ với các cơ quan tình báo Nga, trong đó có Mykola Azarov, cựu Thủ tướng dưới thời chính quyền Viktor Yanukovych và cựu Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Yanukovych là ông Andrey Kluyev.

“Chảo lửa” Ukraine ngày càng tăng nhiệt -0
Nga và phương Tây “khẩu chiến” khiến căng thẳng tại Ukraine ngày càng tăng nhiệt. Nguồn: Reuters.

Trước thông tin này, ông Murayev đã phát biểu trên tờ AP rằng tuyên bố của Anh là “điều nực cười” bởi ông đã bị từ chối nhập cảnh vào Nga kể từ năm 2018 với cáo buộc là mối đe dọa đối với an ninh nước Nga. Biện pháp trừng phạt này được đưa ra sau những xung đột giữa ông Murayev với Viktor Medvedchuk, chính trị gia thân Nga nổi tiếng nhất của Ukraine, đồng thời là một người bạn của Tổng thống Putin. Không những vậy, ông Murayev còn đăng tải một dòng trạng thái trên trang mạng xã hội cá nhân với nội dung “Thời của các chính trị gia thân phương Tây và thân Nga ở Ukraine đã vĩnh viễn không còn nữa”.

Dù phía Nga đã phủ nhận hoàn toàn cáo buộc, Anh và Mỹ cũng không đưa ra bằng chứng cụ thể, nhưng Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab ngày 24/1 vẫn tiếp tục lên tiếng cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng nhất nếu nước này cố tìm cách thiết lập một chính quyền thân Nga tại Ukraine. Đặc biệt, Anh và Mỹ đã quyết định rút một phần nhân viên của Đại sứ quán hai nước này ở Kiev trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng để ngỏ khả năng rút người.

Không đưa ra bình luận trực tiếp về thông tin này, nhưng Bộ Quốc phòng Ukraine cùng ngày thông báo, đã nhận được lô vũ khí thứ hai từ Mỹ trong khuôn khổ viện trợ có tổng giá trị lên tới 200 triệu USD và tiến hành tập trận tên lửa gần khu vực Crimea.

Trên trang Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận, lô vũ khí thứ hai, với trọng lượng hơn 80 tấn, từ Mỹ đã tới Ukraine, nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của nước này. Trước đó một ngày, lô vũ khí đầu tiên đã tới Ukraine. Đây là số khí tài nằm trong gói viện trợ được Mỹ phê duyệt hồi cuối năm ngoái. Được biết, những động thái trên diễn ra sau khi cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về vấn đề Ukraine diễn ra vào cuối tuần qua không đạt được tiến triển.

Chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại của Nga Fyodor Lukyanov nhận định, trong bối cảnh ngoại giao bế tắc, thì những hành động biểu dương lực lượng dù tại Ukraine hay xa hơn đều khiến nguy cơ leo thang dường như khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, thực tế cuộc đàm phán không sụp đổ ngay lập tức cũng là một chỉ dấu rằng các bên có thể tìm được cách thỏa hiệp nào đó để đạt được kết quả khả thi. Dự kiến ngày 25/1, Nga, Ukraine, Pháp và Đức sẽ nối lại đàm phán theo định dạng Normandy tại Paris (Pháp) nhằm thảo luận về tình hình miền Đông Ukraine, vốn bị đình trệ từ năm 2019.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Quân đội Ukraine tuần trước nhận định Nga đang duy trì 127.000 binh sĩ và nhiều lữ đoàn tên lửa đạn đạo Iskander ở biên giới, lưu ý nhiều khu vực trọng yếu của nước này, trong đó có Thủ đô Kiev, đều nằm trong tầm bắn tên lửa Nga. Trước đó, Nga thông báo sẽ điều quân và khí tài, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không S-400, tới Belarus để tham gia diễn tập chung. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo đây có thể là "dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị cho chiến tranh", đồng thời khẳng định "rất cảnh giác với mọi điều Nga đang làm".

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi