Anh là Thượng tá Nguyễn Thành Lợi, Trưởng Công an quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Khi đại dịch ập đến, tất cả cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đều phải thực hiện nghiêm 3 việc là ăn, nghỉ tại đơn vị và làm việc tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Nhưng, riêng anh còn tận dụng thời gian ít ỏi giữa những ca trực, thay đôi dép lào, quần short, áo thun tranh thủ xách xe gắn máy len lỏi vào từng con hẻm, tất cả những khu vực có F0, khu có nhiều người lao động nghèo để thăm hỏi, chia sẻ, kịp thời giúp đỡ bằng những phần nhu yếu phẩm.
Đến tận nhà giúp dân “vùng đỏ”
Tôi gặp anh vào chiều tối một ngày ở đỉnh dịch năm 2021 tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình. Thấy anh trong bộ quần short, áo thun bạc màu, đi giày bata ngồi trên xe gắn máy với lỉnh kỉnh túi nylon đựng rau củ, gạo, mắm muối, cá khô đứng nói chuyện với cán bộ công an trực chốt, tôi đoán chắc là “tình nguyện viên” hoặc người hảo tâm hỏi đường đi tặng quà cho người khó khăn. Chỉ đến khi anh đi khỏi, nghe người cảnh sát trực chốt kể lại, tôi mới biết đó là Thượng tá Nguyễn Thành Lợi - Trưởng Công an quận Tân Bình đang trên đường đi động viên cán bộ cấp dưới cố gắng làm tốt nhiệm vụ, vừa tranh thủ mang nhu yếu phẩm đi tặng cho người nghèo trong đại dịch.
Ấn tượng về người cán bộ công an hết lòng chăm lo cho dân giữa đại dịch, nhiều lần liên hệ gặp để phỏng vấn, viết bài nhưng thời điểm thành phố chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, giải quyết hàng núi công việc và họp hành liên miên nên phải đến một ngày đầu tháng 12, tôi và anh mới có buổi trò chuyện chính thức. Sau cái bắt tay thật chặt, Thượng tá Lợi khiêm tốn bảo: “Có nhiều CBCS nổi bật lắm, anh viết về họ đi, chứ thành tích của mình có nhiều nhặn gì đâu...”. Cố gắng thuyết phục một hồi lâu, anh mới đồng ý, vui vẻ trả lời phỏng vấn.
Nhấp ngụm nước trà, anh Lợi trải lòng, Tân Bình là một trong những quận đông dân nhất thành phố (gấn 500 ngàn người), lại có nhiều tuyến đường huyết mạch kết nối với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, đặc biệt còn có cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất nên ngay từ ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16, anh dành thời gian suy nghĩ, đề ra các phương án và thấy tâm đắc nhất là lập chốt kiểm soát người và phương tiện không chấp hành quy định phòng, chống dịch. Mang phương án này ra bàn với anh em trong ban chỉ huy, ai cũng đồng ý và đề nghị ra thành văn bản gửi UBND quận với cái tên rút gọn: “Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19”. Ngay tối hôm ấy, 20 chốt lập tức được thiết lập và đến sáng hôm sau đã thực hiện nhắc nhở, tuyên truyền đối với hàng ngàn trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng trăm trường hợp khác theo quy định. Phát huy hiệu quả của phương án này, ngay khi thành phố thực hiện giãn cách cao hơn Chỉ thị 16 (16+), đơn vị đã đề xuất tăng số chốt lên 76, trong đó CBCS trong công an quận đảm nhận 27 chốt, 49 chốt còn lại giao cho các phường phụ trách.
Tất cả CBCS được yêu cầu phân thành ca, kíp thay phiên nhau đảm bảo có mặt trực ngoài chốt 24/24 giờ mỗi ngày. Riêng ban chỉ huy vừa kiểm tra, đôn đốc công tác trực chốt để ghi nhận, loại bỏ những thủ tục bất cập, phát huy cái tốt, vừa đảm bảo xuống tất cả địa bàn tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo và những người có ảnh hưởng trong cộng đồng thực hiện các biện pháp tuyên truyền phòng, chống dịch đến từng hộ dân song song với tự giác tham gia giữ gìn an ninh trật tự.
Trong những lần len lỏi vào từng khu phố, từng con hẻm, từng xóm đạo, Thượng tá Lợi phát hiện bên cạnh những gia đình có điều kiện nhưng không thể đi chợ mua nhu yếu phẩm, còn có rất nhiều hộ gia đình khác là công nhân, người lao động tự do thuê trọ và người già neo đơn, người nhặt ve chai... đang phải cầm cự từng ngày, thậm chí từng bữa, trong khi cán bộ phường chạy không xuể vì quá thiếu, gói trợ cấp cũng chưa kịp đến.
Nhìn bà con như những người thân của mình đang trong cơn túng thiếu mà lòng Thượng tá Lợi quặn từng hồi. Xách chiếc xe máy đảo thêm vài con hẻm, anh chợt nảy ý nghĩ tại sao mình không tranh thủ mối quan hệ để xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm... Và, anh lập tức trở về đơn vị đề nghị những anh em khác trong ban chỉ huy gọi điện liên hệ. Chưa đầy một ngày, các anh đã nhận được hàng ngàn phần gạo, rau củ, mắm muối, thực phẩm, thiết bị y tế và tất cả được chuyển đến tận tay những trường hợp khó khăn ngay trong đêm.
Nhận thấy phương án này mang lại hiệu quả tích cực, Thượng tá Lợi tiếp tục giao cho công an các phường chủ động vào cuộc, nếu xin được hàng hóa thiết yếu thì chỉ cần gọi điện báo cáo số lượng với ban chỉ huy rồi chuyển ngay đến tận tay bà con. Đối với cảnh sát khu vực, lên nhóm Zalo thông báo để người dân có nhu cầu mua nhu yếu phẩm thì tiếp nhận đơn hàng, đi chợ hộ và cũng phải mang đến tận cửa giao cho họ. Riêng phần việc nguy hiểm nhất đó là chở nhu yếu phẩm kèm theo túi thuốc đến từng hộ gia đình có F0 thì Thượng tá Lợi cùng ban chỉ huy xung phong đảm nhận để lúc trao tặng, các anh còn tranh thủ nắm tình hình, chia sẻ, động viên để họ vững tâm cùng nhau vượt qua khúc khó khăn.
Với sự nhiệt huyết ấy, trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến căng thẳng, Thượng tá Nguyễn Thành Lợi cùng Ban chỉ huy Công an quận đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế với tổng trị giá lên đến 1 tỷ 556 triệu đồng, trong đó chuyển đến người dân có hoàn cảnh khó khăn số hàng hóa tương đương 1 tỷ 277 triệu đồng, hỗ trợ cho 231 CBCS và học viên thực tập bị nhiễm COVID-19 và các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn số tiền 279 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi đơn vị công an phường trong quận cũng vận động ủng hộ bà con hàng ngàn phần nhu yếu phẩm các loại.
Công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân vừa đi vào ổn định thì phát hiện hàng loạt CBCS bị dính F0 khi thực hiện nhiệm vụ, trong lúc các cơ sở y tế đang quá tải. Để CBCS bị dích F0 nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất, nhanh nhất, Thượng tá Lợi đã liên hệ với Ban Giám đốc Bệnh viện 1A đóng trên địa bàn và thật may là bệnh viện này đã ký giao ước tiếp nhận điều trị cho những người nơi tuyến đầu như các anh bị dính F0. Không chỉ vậy, khi kiểm tra, phát hiện camera quét mã QR tại các chốt kiểm soát, phòng, chống dịch có những bất cập khiến người dân mất nhiều thời gian và gây ùn tắc cục bộ có thể ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, Thượng tá Lợi đã tự mày mò, nghiên cứu và sáng chế ra một khung định hình bằng gỗ gắn trước camera và kể từ đó, mỗi người qua chốt chỉ cần áp điện thoại vào khung trong tích tắc là đã được nhận diện...
“Tình nguyện viên” đặc biệt
Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất, anh Lợi bảo: “Hôm ấy, vào cuối giờ chiều ngày thứ ba thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trên đường mang suất ăn tối cho anh em trực chốt, đến đoạn đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình, mình phát hiện một thanh niên trẻ tuổi đang đứng dựa vào gốc cây ven đường, đôi mắt cứ liên tục nhìn ngược nhìn xuôi. Khi ấy mình thấy không tiện vì đang quần short, áo thun, giày bata nên đã bảo hai cán bộ trực chốt đến mời anh này về làm việc.
Sau một hồi định thần, người thanh niên khai tên Phan Quốc Hoàng, quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Vừa từ quê vào xin được một chân làm phụ hồ chưa được bao lâu thì dịch bệnh ập đến và thành phố lập tức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến nhà thầu buộc phải cho ngừng xây dựng. Công trình đang ở phần đổ móng chìm, không còn góc nào có thể che chắn để tá túc nên anh này phải ra gầm cầu. Đêm thứ nhất không sao nhưng đêm thứ hai thì bị kẻ gian móc túi lấy đi toàn bộ giấy tờ tùy thân và gần 500 ngàn đồng. Đói quá nên đành ra mặt đường Trường Chinh chờ xem có ai đi cho cơm từ thiện thì xin ăn nhưng chờ mãi mà không gặp... Người thanh niên này còn cung cấp địa chỉ, số điện thoại của cha mẹ ở quê và cả số điện thoại của người quản lý công trình...
“Lấy suất cơm tối của một chiến sĩ nhường cho bạn ấy ăn rồi liên hệ ngay với trung tâm bảo trợ xã hội đến tiếp nhận, đưa về chăm sóc tạm thời cho đến hết dịch. Trước khi lên xe, mình cũng chỉ kịp dúi vào tay bạn ấy mấy đồng nhưng đã nhận lại được câu nói chân thành từ đáy lòng: “Con hứa sẽ thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của trung tâm. Cho con xin số điện thoại để hết dịch con liên lạc đến trả ơn cưu mang của chú"... Cũng may là mình phát hiện kịp, nếu không chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với thanh niên này và cũng không loại trừ khả năng đói quá sẽ làm liều không chừng...”, Thượng tá Lợi chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Lam Phương khi nói về Thượng tá Lợi đã bảo: “Anh là người tình nguyện viên đặc biệt nhất”. Theo lời kể của chị Phương, tháng 4-2021, chị vay tiền của người thân rồi rời quê ở miền Tây Nam bộ lên thuê căn nhà ở khu phố 4, phường 9, quận Tân Bình mở tiệm làm móng, massage da. Tiền hết, tiệm chưa đi vào hoạt động thì dịch bệnh ập xuống, giãn cách xã hội được áp dụng. Nhiều lần gọi điện cho tổ trưởng dân phố nhưng phải chờ cấp trên duyệt danh sách nên chưa nhận được hỗ trợ. Trong lúc khó khăn, chị đánh liều hỏi xin số điện thoại của Thượng tá Lợi và sau nửa ngày đắn đo mới giám đánh liều gọi thử. Khoảng 10 phút sau khi cúp máy, chị nghe tiếng gõ cửa, nhìn qua cửa sổ, thấy một người đàn ông trung niên, quần short, áo thun bạc màu, đi dép Lào, chạy xe gắn máy cũ, nghĩ chắc nhầm nhà hoặc một người giao hàng nào đó nên không mở cửa. Chỉ đến khi anh lên tiếng giới thiệu về mình, tôi mới biết đó là anh Lợi - Trưởng Công an quận.
Sau khi động viên, chia sẻ với những khó khăn, căn dặn dù có thế nào cũng phải đảm bảo thực hiện tốt các quy định về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Nói xong, anh tặng túi nhu yếu phẩm, rồi còn gọi điện thoại dặn cảnh sát khu vực phải cập nhật ngay những trường hợp khó khăn để hỗ trợ trước khi nhận được tiền trợ cấp...
“Trước đây, sau vài lần bị phạt lỗi vi phạm giao thông, tôi nghĩ công an khô khan, cứng nhắc, lạnh lùng nhưng trong cơn hoạn nạn mới thấy đằng sau sự nghiêm khắc của những cán bộ thực thi pháp luật ấy là những trái tim nồng ấm, luôn sẵn lòng chia sẻ và hỗ trợ kịp thời cho những người hoàn cảnh khó khăn... Không chỉ với tôi mà với rất nhiều người trong xóm đạo này, anh Lợi là thần tượng, như là người ruột thịt...”, chị Lam Phương chia sẻ.
Nguồn: Báo CAND