Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tôn vinh lòng nhân ái của những người hiến tiểu cầu

Với thông điệp “Hiến giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng”, nhiều tấm lòng nhân ái đã sẵn sàng sẻ chia giọt máu của mình cho người bệnh, đặc biệt là hiến tiểu cầu cho người bệnh sốt xuất huyết đang cấp cứu. 

1.jpg -0
Vợ chồng Đại uý Nguyễn Văn Nguyên cùng 2 con tại Lễ tôn vinh người hiến tiểu cầu thường xuyên năm 2022.

Vợ chồng Đại uý Công an 112 lần hiến máu

Trong số hơn 250 đại biểu tham dự có vợ chồng Đại uý Nguyễn Văn Nguyên, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, Học viện ANND và Đại uý Bùi Hoàng Ly Ly, Học viện CSND hôm nay cùng nhau hiến tiểu cầu. Đem theo hai con nhỏ tới hoạt động nhân văn này, chia sẻ với phóng viên Báo CAND, Đại uý Nguyên vui vẻ cho biết: “Lâu lắm rồi hai vợ chồng em mới hiến máu cùng nhau. Rất may mắn, hôm nay cả hai vợ chồng đều đủ tiêu chuẩn hiến được tiểu cầu”.

Nên duyên nhờ hiến máu từ chương trình “Hành trình đỏ” tại Hà Nội vào năm 2013, hai chiến sĩ Công an có tấm lòng nhân văn, luôn khát khao được làm việc có ích cho xã hội đã tình cờ gặp nhau, sau đó có cơ hội gặp lại và về chung một nhà. Suốt từ đó cho đến nay, vợ chồng Đại úy Nguyễn vẫn bền bỉ gắn bó với hiến máu. “Hôm nay, là lần hiến máu và tiểu cầu thứ 80 của em, còn vợ em lần thứ 32, cộng lại vả hai vợ chồng đã hiến 112 lần”, Nguyên nói. Chàng Đại uý không nhớ rõ mình đã hiến bao nhiều lần tiểu cầu, nhưng theo anh khoảng 45 lần.

Vì nên duyên từ chương trình "Hành trình Đỏ", kể từ khi kết hôn, hai vợ chồng năm nào cũng hiến máu cùng nhau tại chương trình này. Nhưng trong 2 năm 2020 – 2021, họ không hiến máu cùng nhau do dịch COVID-19 và hiến máu cấp cứu. “Cả năm 2022 cứ định hiến chung nhưng do hai vợ chồng hiến máu cấp cứu cho bệnh nhân sốt xuất huyết nên thời gian bị lệch”, Nguyên nói.

Được biết, ngoài hiến máu thường xuyên, cố định, vợ chồng Đại uý Nguyễn Văn Nguyên và Bùi Hoàng Ly Ly còn là “ngân hàng máu sống” – hiến máu cấp cứu bất kể lúc nào khi có người bệnh nguy cấp cần máu. Vào ngày 20/9 vừa qua, anh Nguyên nhận được cuộc điện thoại của một người bạn là hàng xóm bị tụt tiểu cầu cấp do sốt xuất huyết, nhưng do anh vừa hiến máu cách đó 20 ngày nên gọi cho vợ. Nhận điện thoại của chồng, mặc dù ngoài trời đang mưa rất to, nhưng Đại uý Bùi Hoàng Ly Ly vẫn chạy đến ngay bệnh viện để hiến tiểu cầu.

Trong 80 lần hiến máu, Đại uý Nguyễn Văn Nguyên đã rất nhiều lần tham gia hiến máu phục vụ cấp cứu. Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, anh hiến máu cấp cứu 14 lần. Đến nay, anh đã có 10 năm gắn bó với Khoa Huyết học của Bệnh viện Việt Đức và trở thành thành viên Ngân hàng máu sống của Bệnh viện. Có đêm, nhận được điện thoại của Bệnh viện cần máu gấp cho bệnh nhân TNGT, anh vùng dậy, phóng xe tới bệnh viện hiến máu ngay.

Đại uý Nguyên kể, cách đây 10 năm, khi đang chuẩn bị đi công tác, anh nhận được cuộc điện thoại từ đồng đội cầu cứu hiến máu cho người nhà đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Anh lập tức đến bệnh viện. Khi đến nơi, anh mới biết không phải là hiến máu toàn phần mà hiến tiểu cầu. Tiểu cầu rất kén người hiến, người hiến được máu chưa chắc hiến được tiểu cầu. May mắn, hôm đó anh đủ tiêu chuẩn hiến tiểu cầu giúp người nhà đồng đội.

Vào tháng 8 vừa qua, Đại uý Nguyên là 1 trong 100 gương mặt được tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc. Còn vợ anh – Đại uý Bùi Hoàng Ly Ly được Bộ Công an đề cử tôn vinh năm 2012 và 2020. 

Chưa đến 1 tháng hiến tiểu cầu 1 lần

Chị Lê Thị Ngân (SN 1975, Hà Nội) – người đã 67 lần hiến tiểu cầu chia sẻ: “Không nhớ rõ bắt đầu hiến tiểu cầu từ khi nào, chỉ biết rằng trước đó đã thường xuyên tham gia hiến máu. Trong một lần hiến máu, bác sĩ ở viện cho biết test tiểu cầu chảy tốt nên được khuyến khích. Từ đó, tôi đều đặn đi hiến tiểu cầu”. Không chỉ vậy, chị Ngân còn rủ thêm nhiều bạn bè, hàng xóm cùng đi hiến máu, hiến tiểu cầu. “Với mình, hiến máu hay hiến tiểu cầu là việc làm rất bình thường ai cũng làm được. Vừa giúp ích cho người khác, cho cộng đồng vừa thấy mình sống cuộc đời có ý nghĩa”, chị Ngân nói.

Dù tiêu chuẩn đòi hỏi khắt khe hơn, thời gian hiến tiểu cầu cũng lâu hơn nhiều so với hiến máu toàn phần (từ 45 - 120 phút với hiến tiểu cầu, thay vì 5 phút khi hiến máu), nhưng nhiều người vẫn bền bỉ, đều đặn trao đi sự sống. “Điều đáng trân trọng nhất là một năm có 12 tháng nhưng có những người hiến tiểu cầu tới 13 – 14 lần trong năm mỗi khi đến lịch, mà không cần chờ điện thoại nhắc lịch của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương”, TS. BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết.

Theo ông Quế, tỷ lệ người hiến tiểu cầu thường xuyên đã tăng lên rất nhiều và có xu hướng tăng đều đặn hằng năm. Những người hiến tiểu cầu thường xuyên chính là những người đem đến những chế phẩm máu an toàn nhất, chất lượng nhất. Trong thời gian vừa qua, tiểu cầu khan hiếm bởi dịch sốt xuất huyết bùng phát, nhu cầu sử dụng tiểu khối tiểu cầu để truyền cho người bệnh có thể cao hơn 2-3 lần bình thường. Rất nhiều bệnh nhân chỉ cần được truyền nửa đơn vị tiểu cầu kịp thời cũng may mắn thoát nạn. Việc những người hiến tiểu cầu thường xuyên, hiến tiểu cầu cấp cứu rất đáng trân trọng, tôn vinh và cần nhân rộng.

Tiểu cầu được truyền cho người bệnh có từ 2 nguồn: Điều chế tiểu cầu từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng và phải gộp từ 3 - 4 đơn vị hiến máu sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường. Và gạn tách tiểu cầu từ một người hiến. Những năm gần đây, hình thức hiến tiểu cầu càng trở nên phổ biến hơn, lượng người hiến tiểu cầu liên tục gia tăng. Gạn tách tiểu cầu là kỹ thuật mà hiện chỉ một số trung tâm máu lớn mới thực hiện được. Do vậy, nhiều người từ Nam Định, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, thậm chí Cao Bằng, Lạng Sơn... cũng sẵn sàng di chuyển xa về Hà Nội để hiến tiểu cầu thường xuyên.

Tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, gạn tách tiểu cầu từ một người hiến bắt đầu được triển khai từ năm 2000. Giai đoạn năm 2011 - 2020 là 222.187 đơn vị (tăng 20 lần so với 10 năm trước). Năm 2021, con số này là 33.314 đơn vị tiểu cầu. Năm 2022, tính đến ngày 28-10, viện đã tiếp nhận được 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3 lần). Lượng tiểu cầu gạn tách được tiếp nhận của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã giúp cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi