Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Bộ Công an tới điểm cầu Công an 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an dự, chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường và triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong CAND, Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế - đơn vị Thường trực Bộ Công an tham mưu thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong CAND nêu rõ: Lực lượng CAND là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, có vai trò rất quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT).
Thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Y tế đã tham mưu lãnh đạo Bộ triển khai công tác quản lý Nhà nước về BVMT trong CAND và đã đạt được một số kết quả quan trọng: Từng bước hình thành và kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện nhiệm vụ BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu của lực lượng CAND từ cơ quan Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương.
Tổ chức xây dựng và hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch BVMT của Bộ Công an. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý quan trọng để triển khai công tác BVMT trong toàn lực lượng. Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ BVMT, ứng phó với thiên tai.
Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác BVMT định kỳ, đột xuất; tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng môi trường đối với một số lĩnh vực đặc thù và triển khai các giải pháp, mô hình BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu trong CAND. Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải và hiện trạng môi trường của ngành Công an tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình hành động BVMT ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công an.
Tại Hội nghị, Công an đơn vị, địa phương tập trung tham luận làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong triển khai các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và phương hướng, giải pháp triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong lực lượng CAND.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đề nghị Cục Y tế - đơn vị thường trực tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an để giao các đơn vị chức năng liên quan kiến nghị, sửa đổi bổ sung một số quy định để đảm bảo việc tổ chức triển khai Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có hiệu quả. Nhất là trong việc xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường với các bộ, ngành, địa phương hay vấn đề tổ chức tập huấn, bố trí kinh phí.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến khẳng định, vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường đã được Luật Bảo vệ môi trường xác định rất rõ, đây là trách nhiệm của mọi người dân, của các ngành, các cấp trên từng lĩnh vực công tác.
Bảo vệ môi trường không phải chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà cũng là vấn đề chung của các quốc gia, của toàn cầu, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nhấn mạnh vừa qua Hội nghị Thượng đỉnh COP 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã xác định vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, được các quốc gia rất quan tâm và xác định rõ những nguy cơ, thảm họa nếu thế giới, các quốc gia không có các giải pháp để ứng phó với những vấn đề biến đổi khí hậu.
Đối với Việt Nam, xuyên suốt trong các văn bản của Đảng, Nhà nước nhiều năm qua, từ Chỉ thị 36 ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, đến các Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 24 năm 2013 và Kết luận 56 năm 2019 và đặc biệt là trong các Nghị quyết qua các kỳ Đại hội Đảng đều xác định vấn đê bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại và nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ của Nhân dân.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người dân là mục tiêu hàng đầu, “quyết không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế”.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó xác định trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người dân đối với công tác bảo vệ môi trường và biến đổi khi hậu.
Đối với lực lượng CAND, tại Khoản 2 điều 167 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rất rõ trách nhiệm của lực lượng CAND với 3 nhóm nhiệm vụ mà Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện đó là: Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các đơn vị, các hoạt động công tác của lực lượng CAND theo quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ đấu tranh PCTP và vi phạm pháp luật về môi trường, bảo đảm an ninh, TTATXH trong lĩnh vực môi trường và là lực lượng nòng cốt trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Để việc tổ chức quán triệt nhiệm vụ triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản liên quan trong CAND có hiệu quả, đồng chí Thứ trưởng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản liên quan, nhất là các lực lượng tham gia trực tiếp vào công tác đấu tranh PCTP về môi trường và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh phòng ngừa tội phạm về môi trường; chủ động xây dựng kế hoạch để huy động các lực lượng tham gia xử lý, ứng phó với thiên tai hiểm họa liên quan đến môi trường.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đề nghị, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an phối hợp với Cục Y tế nghiên cứu, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và công tác bảo vệ môi trường trong CAND.
Cục Y tế - đơn vị thường trực Bộ Công an tích cực trao đổi, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, Chi cục Bảo vệ môi trường đối với công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trong CAND.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của Công an các đơn vị, địa phương. Kịp thời tổng hợp thông tin, báo cáo lãnh đạo Bộ phương án xử lý, khắc phục các hạn chế, thiếu sót.
Đối với lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường và các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đề nghị triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn cho CBCS và Công an các địa phương để việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu quả.
Nguồn: Báo CAND