Tiếp tục chương trình công tác tại vùng Tây Nam Bộ, sáng 4/8, tại TP Cần Thơ, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công an TP Cần Thơ, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Tây Nam Bộ, Trại giam Cao Lãnh (đóng tại Đồng Tháp), Trại giam Mỹ Phước, Trại giam Phước Hòa (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng Bộ Công an, đóng tại tỉnh Tiền Giang) về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công an. Cùng dự buổi làm việc, về phía địa phương có đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.
Thông tin diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP Cần Thơ, đồng chí Trần Việt Trường cho biết, tính đến ngày 3/8, Cần Thơ ghi nhận 1.697 trường hợp mắc COVID-19. Các lực lượng chức năng, trong đó Công an thành phố đã thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho trên 12.000 trường hợp F1, F2. Tiến hành phong tỏa 163 điểm, thành lập 37 khu cách ly tập trung và 9 bệnh viện dã chiến. Hiện, toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, ca F0 đầu tiên của thành phố lại rơi vào chợ đầu mối Tân An, lớn nhất của thành phố, khiến công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn. Hiện, thành phố đang tập trung toàn lực lượng để dập dịch tại 5 địa bàn quận, huyện có ca nhiễm cộng đồng nhiều. “Cuộc chiến phòng, chống dịch lần này chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng bằng tinh thần quyết liệt, trách nhiệm các lực lượng chức năng thành phố đã vào cuộc kịp thời. Trong đó, lực lượng Công an đã xung kích tham gia từ vòng ngoài lẫn vòng trong, trên toàn diện các mặt trận trong công tác phòng, chống dịch”, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ báo cáo với đồng chí Thứ trưởng, công tác phòng, chống dịch của Công an thành phố luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP Cần Thơ và sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng liên quan. Công tác truy vết, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, đảm bảo ANTT tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến được thực hiện nghiêm, đúng quy định. Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ yêu cầu, hướng dân phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Triển khai đồng bộ các phương án góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. Công an TP Cần Thơ đã chủ động tham mưu, xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ thành lập 2 khu cách ly tập trung, điều trị dành cho CBCS, 1 khu dành cho các can phạm nhân tại các cơ sở giam giữ.
Thượng tá Nguyễn Tấn Phúc, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ cho biết, từ khi dịch COVID-19 khởi phát tại miền Tây Nam Bộ, đơn vị triển khai công tác nắm tình hình, xây dựng phương án ứng phó với nhiều cấp độ, không để đột xuất, bất ngờ. Hiện, Trung đoàn đang tăng cường CBCS hỗ trợ Công an tỉnh, thành trong khu vực, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đơn vị đã thực hiện ứng trực 100% quân số, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Ban Chỉ huy Trung đoàn đề xuất lãnh đạo Bộ Công an và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Cần Thơ quan tâm, hỗ trợ nguồn vaccine để tiêm cho tất cả CBCS của đơn vị.
Ban Giám thị các Trại giam Mỹ Phước, Cao Lãnh, Phước Hòa cho biết, đơn vị đã thực hiện ứng trực, cắm trại 100% quân số, không giải quyết nghỉ phép, nghỉ tranh thủ, không đi ra ngoài khu vực cơ quan, đơn vị. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu công tác hoặc công việc cấp thiết thì sau khi trở lại đơn vị phải thực hiện xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định. Tổ chức cho CBCS làm việc theo nhiều vòng độc lập, nghiêm ngặt. Kiểm soát chặt các đường lây, nguồn lây dịch bệnh vào đơn vị. Hiện các trại đã thành lập các khu cách ly, điều trị tại chỗ phạm nhân.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công an đã có trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch của các đơn vị. Đồng thời, từ các đề xuất, kiến nghị về kinh phí, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế của các đơn vị, các Cục nghiệp vụ sẽ nhanh chóng phối hợp, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt nhằm phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đánh giá tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại 19 tỉnh, thành phía Nam. “Các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam sông Hậu, trong đó chủ lực là TP Cần Thơ phải quyết liệt tận dụng “giai đoạn vàng” chuyển từ thế đuổi theo dịch sang thế chặn dịch và dập dịch. Từ đó, mở rộng “vùng xanh” tại phía Nam sông Hậu, sau đó phát triển ra phía Nam sông Tiền, lấn ra TP Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ”, đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước tình hình trên địa bàn TP Cần Thơ có khoảng 40% ca nhiễm cộng đồng, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chỉ đạo, trong công tác truy vết, Công an TP Cần Thơ phải thay đổi chiến thuật, tăng cường các giải pháp công nghệ để điều tra lịch sử dịch tễ. Đồng thời, nhanh chóng củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực, khiến dịch bệnh lây lan cộng đồng. “Ban Giám đốc Công an thành phố phải có những chỉ đạo cụ thể, thống nhất để công tác truy vết dịch tễ đạt hiệu quả cao nhất. Chủ động thành lập Đội đặc nhiệm truy vết và phải truy ngược lại dịch tễ tại ổ dịch chợ đầu mối Tân An nhằm đảm bảo không lọt thêm F0 ra cộng đồng” đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu Công an TP Cần Thơ và các đơn vị ứng trực 100% CBCS. Củng cố lại các chốt vành đai từ tỉnh đến xã phường, kiểm soát chặt người và phương tiện vào địa bàn. Song song đó, đảm bảo an toàn giao thông, thông suốt “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Tăng cường, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp ra đường không cần thiết. Đối với các doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động phải đảm bảo sản suất an toàn theo “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Thành lập Tổ công tác liên ngành hướng dẫn doanh nghiệp bình tĩnh xử lý khi có ca nhiễm, không để công nhân bất an. Tăng cường xử lý các thông tin xấu, độc hại liên quan đến tình hình dịch bệnh lan truyền trên không gian mạng để ngăn chặn nguy cơ làm ảnh hưởng đến ANTT.
Dịp này, Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an trao tặng Thành ủy, UBND thành phố, Công an TP Cần Thơ, Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ và các Trại giam Mỹ Phước, Cao Lãnh, Phước Hòa các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Nguồn: Báo CAND