Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Mô hình “Con nuôi Công an xã”, mái ấm ươm những mầm non của đất nước

Đầu Xuân, đặt chân đến vùng cao, biên giới Hà Giang, chúng tôi ấn tượng bởi những ngôi nhà đơn sơ của đồng bào dân tộc thấp thoáng, ẩn hiện trên cao nguyên đá tai mèo. Nhưng trong không ít những ngôi nhà đó, đói nghèo vẫn đang bủa vây, sự học nơi vùng cao phía trước với nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều gian nan.

Từ khi có mô hình “Con nuôi Công an xã” triển khai đến từng thôn, bản, nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được Công an cơ sở đỡ đầu, nuôi dưỡng, cùng người thân của các em và nhà trường thắp sáng những ước mơ của trẻ em vùng cao, biên giới. Việc hai em bé người dân tộc Mông được lực lượng Công an xã, thị trấn ở huyện Mèo Vạc đón về nuôi nấng, chăm sóc tại trụ sở, “ba cùng” với các “bố nuôi” đẹp như câu chuyện cổ tích giữa đời thường ở nơi vùng cao còn nhiều gian khó.

Bài 2:  Chuyện cổ tích ở nơi khởi nguồn của mô hình “Con nuôi Công an xã”

Trong vòng tay, tình thương của các CBCS Công an xã, thị trấn ở huyện vùng cao Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã lớn lên từng ngày, được tiếp tục cắp sách đến trường. Rồi các em sẽ dần trưởng thành để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Trong ánh mắt của những em bé người dân tộc Mông, chúng tôi nhận thấy khát vọng về sự đổi đời, mơ ước về một tương lai tươi sáng. Và mai này, chính các em sẽ là những người xây dựng bản làng quê hương ngày một đổi mới, tươi đẹp hơn.

Công an huyện Mèo Vạc, Công an tỉnh Hà Giang là nơi khởi nguồn, là một điển hình trong việc triển khai hiệu quả mô hình “Con nuôi Công an xã” với nhiều cách làm sáng tạo, được cấp ủy, chính quyền và bà con thôn bản đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ.

Mái ấm đặc biệt ở vùng cao Niêm Sơn

Vượt qua quãng đường dài gần 130km với hơn 5h di chuyển trong điều kiện sương mù dày đặc cùng những khúc cua tay áo “đặc sản” vùng cao từ TP Hà Giang, chúng tôi tìm về nơi khởi nguồn mô hình “Con nuôi Công an xã” ở xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc.

Có mặt tại trụ sở Công an xã Niêm Sơn những ngày cuối năm lạnh giá, chứng kiến những buổi sinh hoạt thường nhật của Công an chính quy về xã chúng tôi mới cảm nhận thêm được những khó khăn bộn bề mà các anh phải đối mặt hàng ngày cũng như 1001 chuyện chỉ có ở xã vùng cao mà các anh phải giải quyết trong quá trình bám bản, giữ ANTT tại địa bàn cơ sở. Lúc này, tại căn phòng làm việc diện tích khiêm tốn tại trụ sở Công an xã, trong khi Thượng úy La Tuấn Anh đang vào bếp sơ chế vài món ăn cho bữa tối, Thượng sĩ Và Mí Nô lại bận rộn nhập dữ liệu hồ sơ căn cước công dân trên địa bàn, còn Trung tá Vùi Ngọc Chiến, Trưởng Công an xã tranh thủ dạy “con nuôi” Ly Mí Hồng làm các bài tập.

Mô hình “Con nuôi Công an xã”, mái ấm ươm những mầm non của đất nước -0
 “Con nuôi” Giàng Mí Chá trong vòng tay dạy dỗ, nuôi dưỡng của các CBCS Công an thị trấn Mèo Vạc. 

Tại trụ sở xã Niêm Sơn, cũng chính là mái ấm, nơi có gia đình thứ 2 của “con nuôi Công an xã” Ly Mí Hồng, chúng tôi thực sự xúc động bởi hành trình gian nan nhận con nuôi, chăm sóc, cảm hóa em của lực lượng Công an cơ sở. Tìm hiểu được biết, em Ly Mí Hồng người dân tộc Mông, SN 2007 trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Niêm Đồng, xã Niêm Sơn. Gia đình có 10 nhân khẩu, ông, bà già yếu, bố mất sớm, mẹ bỏ đi làm ăn xa không vềđể lại Mí Hồng và 4 em nhỏ bơ vơ tự chăm sóc lẫn nhau. Sau này, các anh, chị của Mí Hồng đều lấy vợ, lấy chồng, cuộc sống cũng khó khăn, cả năm “cắm mặt” vào làm nương rẫy trên núi đá mà cũng chẳng đủ trang trải cuộc sống, bởi thế nên chẳng thể chăm sóc cho em được chu toàn. Để không làm gánh nặng cho mọi người trong gia đình, Mí Hồng tự xuống các khu chợ phiên của xã và huyện làm thuê cho các tiểu thương, người buôn bán ở chợ để đổi lấy thức ăn, bữa no bữa đói qua ngày…

Được biết, Trung tá Vùi Ngọc Chiến, Trưởng Công an xã Niêm Sơn và các đồng chí Công an viên qua rà soát, khi nắm được hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của em Ly Mí Hồng nên Công an xã đã xin ý kiến các cấp lãnh đạo và làm thủ tục đón Mí Hồng về nuôi dưỡng. Lúc đó, cậu bé còi cọc do bữa đói, bữa no khiến em trông nhỏ hơn tuổi rất nhiều. Ngày đầu tiên về trụ sở, ở cùng các “bố” Công an, trở thành “con nuôi” của Công an xã Niêm Sơn, được ăn cơm trắng có rau, có thịt, ngủ trong phòng cùng các “bố nuôi”, được hướng dẫn tắm rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ, Mí Hồng còn nhiều rụt rè và nhiều bỡ ngỡ. Hôm ấy, có lẽ sẽ mãi là kỷ niệm không bao giờ quên trong hành trang cuộc đời cậu bé người Mông Ly Mí Hồng.

Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bỏ đi, Mí Hồng như con chim non thiếu thốn tình thương, hơi ấm bậc sinh thành. Trong những bỡ ngỡ của tuổi học trò đến trường, Mí Hồng luôn thèm khát một lời khích lệ âu yếm của mẹ, cha. “Tối hôm đó, đang dạy Mí Hồng học, con bảo tôi rằng,lúc mới vào lớp 1, mỗi lần đến trường con rất buồn vì nhìn thấy các bạn được gia đình đưa đi và đón về… Thương Mí Hồng quá, tôi chỉ biết lặng người” - Trung tá Vùi Ngọc Chiến nhớ lại. Vì thế, anh và anh em trong đơn vị thường dành thời gian để có thể đưa đón cháu, bù đắp phần nào những thiệt thòi của con. Các anh còn dành tiền lương để mua tặng quần áo, sách vở, kèm cặp Mí Hồng học hành, uốn nắn, dạy dỗ từng lời ăn, tiếng nói...

Là người luôn theo sát từ khi cậu bé được các CBCS Công an xã Niêm Sơn gửi gắm tới lớp, thầy Đinh Công Nguyên, giáo viên chủ nhiệm của Mí Hồng vui mừng cho biết: “Dưới sự đùm bọc, kèm cặp của các anh Công an, cậu bé Mí Hồng đã có những tiến bộ lớn trong rèn luyện, học tập. Tôi đánh giá cao Mô hình “Con nuôi Công an xã”, dựa trên tình thương và hành động thiết thực, các anh đã nuôi dưỡng, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn; cảm hóa các trường hợp trẻ em lang thang, nhiều khi hành động sốc nổi vì chưa có nhận thức pháp luật đầy đủ để có cơ hội sửa sai, được giáo dục, học tập, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, không sa vào tệ nạn xã hội…”.

3.jpg -0
“Con nuôi” Giàng Mí Chá trong vòng tay dạy dỗ, nuôi dưỡng của các CBCS Công an thị trấn Mèo Vạc.

Thắp sáng ước mơ cho cậu bé người Mông

Nhiều lần đưa “con nuôi” Giàng Mí Chá về thăm nhà tại thôn Lùng Vái B, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, biết hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, Thiếu tá Đỗ Trung Kiên, Trưởng Công an thị trấn Mèo Vạc và anh em trong đơn vị lại dành tiền tiết kiệm để xuống chợ mua thêm gạo, thịt làm quà gửi biếu gia đình “con nuôi”. Có lần mưa rừng xối xả, từ đỉnh núi nhà Chá, Thiếu tá Đỗ Trung Kiên phải đi bộ vài ba tiếng đồng hồ mới về tới đơn vị. Gặp chúng tôi, chị Vừ Thị Xia (mẹ Chá) không giấu được xúc động, bởi đứa con gầy gò, nhút nhát ngày nào từ ngày được các “bố” Công an đón về trụ sở Công an thị trấn đỡ đầu, nuôi dưỡng, chăm sóc giờ đã hoàn toàn khác. Chá vui vẻ, hoạt bát, còn biết hỏi thăm, lo lắng sức khỏe mọi người trong gia đình.

Thiếu tá Đỗ Trung Kiên chia sẻ, đơn vị anh nhận nuôi cháu Giàng Mí Chá, SN 2006, từ tháng 7/2021. Chá là con lớn trong gia đình có 5 anh, chị em. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc trồng ngô theo mùa vụ. Cuộc sống khó khăn, miếng ăn không đủ no và mong muốn giúp đỡ gia đình có thêm tiền nuôi các em nhỏ, khi đang học lớp 7, Chá bỏ dở và lang thang xuống thị trấn Mèo Vạc tìm đủ mọi việc làm thuê… Trước hoàn cảnh khó khăn của Chá, Công an thị trấn Mèo Vạc đã nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng, phân công Thượng úy Hoàng Văn Đế, cán bộ đơn vị trực tiếp hướng dẫn cháu về học tập, lao động.

Thấy cháu Giàng Mí Chá đang càng ngày ngoan ngoãn, học hành tiến bộ, đồng chí Giàng Vả Sính, Trưởng thôn Lùng Vái B, xã Tả Lùng và bà con thôn bảncũng vui lây, bởi từ đây, những đứa trẻ như Chá sẽ có nhiều điều kiện hơn để phát triển, sau này chung tay cùng bà con xây dựng thôn bản…

Trao đổi với PV, đồng chí Đỗ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND thị trấn Mèo Vạc cho biết, bên cạnh việc đảm bảo rất tốt ANTT ở cơ sở, các CBCS Công an thị trấn còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng. Trong đó có mô hình “Con nuôi Công an xã”, với cách làm không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà còn là điểm sáng trong giáo dục con người, vừa mang tính chủ động phòng ngừa sớm, từ xa các yếu tố hình thành nên tội phạm và vi phạm pháp luật, vừa mang tính giáo dục, thay đổi cuộc đời của một con người; kéo giảm tình hình tội phạm, đồng thời tạo ra cơ hội sửa sai, hướng con người đến tính đúng đắn, bởi lẽ “Giáo dục là cách phòng ngừa tội phạm hiệu quả nhất”.

Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng từ thực tiễn ở vùng cao Mèo Vạc, bằng tình yêu thương đặc biệt với những đứa trẻ kém may mắn, các “bố nuôi” Công an xã đã và đang tiếp tục quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và bồi đắp ước mơ cho các mầm non tương lai của đất nước.

Đại tá Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết: “Sau khi bố trí Công an chính quy về cơ sơ ãđảm nhiệm chức danh Công an xã, thị trấn ở các huyện, quá trình làm nhiệm vụ, qua rà soát, lực lượng Công an cơ sở đã phát hiện trên địa bàn có nhiều trẻ em mồ côi cả cha, mẹ hoặc bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, sống lang thang cơ nhỡ, thậm chí có trường hợp bị rủ rê, tham gia các hoạt động trái pháp luật.

Mô hình “Con nuôi Công an xã”, mái ấm ươm những mầm non của đất nước -0
Đại tá Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang thăm hỏi, động viên tặng quà “con nuôi Công an xã” Ly Mí Hồng.

Xuất phát từ thực tiễn, bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại cơ sở, Công an xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc đã có sáng kiến nhận nuôi dưỡng 1 cháu nhỏ bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Từ kết quả thiết thực ban đầu và ý nghĩa nhân văn của việc làm trên, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tổ chức rà soát và xây dựng Mô hình “Con nuôi Công an xã” với mục tiêu là đỡ đầu, nuôi dưỡng, cảm hóa, tạo điều kiện để các cháu có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường, học hành tiến bộ, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội…

Đến nay, Công an toàn tỉnh đang duy trì 3 cách thức tổ chức Mô hình nêu trên, gồm: Nhận nuôi tại trụ sở Công an xã, thị trấn; hỗ trợ học phí, mua sách vở, quần áo và các điều kiện sinh hoạt khác cho các cháu nhỏ mồ côi cả cha, mẹ hoặc bị bỏ rơi sống cùng người thân nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Vận động các hộ gia đình trên địa bàn có điều kiện về kinh tế nhận nuôi các cháu.

Mô hình “Con nuôi Công an xã”, mái ấm ươm những mầm non của đất nước -0

Mô hình “Con nuôi Công an xã” tuy mới chỉ là kết quả bước đầu nhưng qua gần 1 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và tinh thần “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an” khi lực lượng Công an chính quy về xã, được cấp ủy, chính quyền cơ sở ghi nhận, đánh giá cao, Nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực chung tay cùng lực lượng Công an thực hiện mô hình này. Thời gian tới, bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Công an tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công; đặc biệt, sẽ tiếp tục rà soát, nhân rộng mô hình “Con nuôi Công an xã” với nhiều cách làm phù hợp với từng địa bàn trên phạm vi toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình hiện có, qua đó, góp phần phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm ANTT và an ninh xã hội ở cơ sở, góp phần cùng cả nước bảo đảm an sinh xã hội; từ đó, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, góp phần xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ…


Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi