Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giảm chi ngân sách khi thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Có thể giảm nửa triệu người và hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng

Từ góc nhìn của chuyên gia xây dựng pháp luật, TS Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội cho rằng, Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong, gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN).

Giảm chi ngân sách khi thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở -0
Lực lượng Bảo vệ dân phố phối hợp lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại một chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ ANTT trong dự án luật được thể hiện rõ ở việc sắp xếp, bố trí thống nhất các lực lượng Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ thành một lực lượng chung, với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an xã chính quy trong công tác bảo vệ ANTT. Bên cạnh đó là việc giảm số người hoạt động không chuyên trách và giảm chi NSNN.

Cụ thể, theo Phó Chủ nhiệm UBTP, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng: Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã bán chuyên trách theo hướng bảo đảm mỗi thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư chỉ bố trí không quá 3 người như Kết luận số 64 ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị định số 34 ngày 24/4/2019 của Chính phủ thì có thể cắt giảm được khoảng 500.000 người, tương đương cắt giảm 375 tỷ đồng/tháng để chi hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở. Như vậy, hiệu quả giảm chi ngân sách là rõ rệt.

Thêm vào đó, pháp lệnh hiện hành quy định Bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách được hưởng phụ cấp hàng tháng và bồi dưỡng, hỗ trợ. Toàn quốc có 72.456 thành viên thuộc lực lượng Bảo vệ dân phố; 126.084 Công an xã, thị trấn bán chuyên trách. Nếu tính trung bình mỗi người được hưởng phụ cấp bằng mức lương cơ sở (tương đương 1,49 triệu đồng/tháng) thì NSNN mỗi tháng phải chi trả khoảng 100 tỷ đồng cho lực lượng Bảo vệ dân phố (trung bình mỗi tỉnh, thành phố phải bảo đảm 1,5 tỷ đồng/tháng) và khoảng 180 tỷ đồng cho Công an xã, thị trấn bán chuyên trách (trung bình mỗi tỉnh, thành phố phải bảo đảm 2,8 tỷ đồng/tháng).

Còn dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở quy định thống nhất các lực lượng trên toàn quốc, bỏ phụ cấp hàng tháng và chỉ được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ thì các địa phương có thể cắt giảm số tiền nêu trên. "Như vậy, việc đề xuất xây dựng, ban hành luật không làm phát sinh biên chế, không tăng chi NSNN, mà góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi NSNN", TS Đỗ Đức Hồng Hà nêu quan điểm.

Sớm ban hành luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ANTT

Chia sẻ kinh nghiệm ở địa phương, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc Tổ quốc, đường biên giới hơn 230km, có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tập trung chỉ đạo kiện toàn, củng cố lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, để lực lượng này phát huy vai trò, trách nhiệm, phối hợp với lực lượng Công an triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Từ kết quả trên đã góp phần tạo môi trường ổn định, an toàn, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của tỉnh, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại Lạng Sơn cho thấy còn hạn chế, bất cập trong hành lang pháp lý. "Mỗi lực lượng được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, dẫn đến thiếu đồng bộ; chưa có quy định rõ ràng về chế độ, chính sách nên chưa phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở", đồng chí phân tích.

Ngoài ra, với đặc thù một tỉnh miền núi biên giới, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, đường biên dài, đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, dù đã bố trí Công an xã chính quy nhưng với yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng tinh gọn đầu mối như hiện nay thì công tác nắm tình hình, xử lý thông tin địa bàn có nơi, có lúc còn chưa kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do vậy, cần có sự phối hợp, giúp đỡ của các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đây là "cánh tay nối dài" của lực lượng Công an. Từ nhận định trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm đề xuất sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để thống nhất, điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của các lực lượng.

Góp tiếng nói ở cơ sở, đại diện Huyện ủy Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết, toàn huyện có diện tích 1.488km2, lớn nhất tỉnh với 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, mặt bằng dân trí còn thấp, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở đặt ra, tính đến tháng 12/2021, huyện đã bố trí Công an chính quy tại 16 xã, thị trấn và 383 người tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (203 Công an xã bán chuyên trách, 50 Bảo vệ dân phố và 130 đội viên Dân phòng).

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thời gian qua nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết kịp thời nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia  giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, phòng, cháy chữa cháy, phối hợp tuần tra, kiểm soát, giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT... Tuy nhiên, bất cập ở chỗ là việc thực hiện chế độ, chính sách, công cụ hỗ trợ, phương tiện phục vụ công tác chưa phù hợp với nhiệm vụ và tính chất công việc được giao; công tác tuyển dụng và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở còn gặp khó khăn...

Huyện ủy Bù Đăng kiến nghị Bộ Công an cần sớm đề xuất ban hành Luật Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở để xác định rõ hơn, cụ thể hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp, trách nhiệm quản lý, chế độ, chính sách đối với lực lượng này. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ANTT, góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về ANTT ở địa bàn cơ sở.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi