Tròn một tháng các tân sinh viên được làm quen với môi trường mới, tôi có mặt tại Trung tâm HL&BDNV "mục sở thị" nơi thao trường, bãi tập. Một không khí học tập sôi nổi, nghiêm túc ngay từ đoạn đường bước vào cổng Trung tâm đến khoảng sân rộng rãi bên trong, có chỗ các sinh viên được tập ke chân, ke tay với các động tác điều lệnh đều tăm tắp; nơi thì tập cách tháo, lắp, cầm súng, ngắm bắn; góc khác tập võ thuật, hay các động tác kỹ chiến thuật, đội hình chiến đấu; một số học viên đang học bơi... Đây cũng là điểm đổi mới so với các năm trước khi các học viên được rèn luyện xen kẽ, luân phiên các môn học thay vì học cuốn chiếu.
Đang trong giờ học ngắm bắn súng ngắn, Nguyễn Thanh Hải, sinh viên Học viện An ninh nhân dân tỏ ra hào hứng, thích nghi tốt với chế độ luyện tập tại Trung tâm. "Vào đây, chúng em được làm quen, tiếp cận với cuộc sống, sinh hoạt mà học sinh phổ thông chưa bao giờ nghĩ đến. Ban đầu còn bỡ ngỡ, nhất là những phiên gác đêm đầu tiên lạ lẫm lắm, 1-2h sáng khung cảnh lặng im như tờ nhớ nhà kinh khủng, cảm thấy mủi lòng vì xa nhà, xa gia đình...", Hải kể.
Quê ở TP Thái Nguyên, nghĩa là ngay gần Hà Nội, và cũng đã có sự chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng tuần đầu ở đây em vẫn thấy choáng ngợp. Tuy nhiên, sau 4 tuần, Hải và các bạn đều dần thích nghi, tâm trạng thoải mái hơn, cơ thể khoẻ mạnh hơn, bắt nhịp được với công tác huấn luyện chính quy nơi đây. "Ban Giám đốc Trung tâm, Ban Chỉ huy đại đội và các thầy trực tiếp giảng dạy, rèn luyện rất bài bản. Những người bạn mới từ nhiều ngôi trường khác nhau, những vùng miền xa xôi nơi em chưa bao giờ đặt chân tới nhưng không hề xa lạ mà quây quần hoà nhập như một gia đình", nam sinh bộc bạch.
"Cuối tuần đầu tiên, mẹ xuống thăm, thấy em khác quá, mẹ bảo, "trông con đen đi nhưng trưởng thành hơn". Nay mẹ còn vui hơn vì thấy em rắn rỏi, nhanh nhẹn", Hải cười và bảo, giờ bớt trắng trẻo, thư sinh nhưng đổi lại học được nhiều kinh nghiệm.
Ví dụ rõ nhất là, trước đây điện thoại di động là vật bất ly thân đối với Hải, sang đây 3 ngày đầu cảm giác bứt rứt, khó chịu, nhưng bây giờ thì rất cứng rắn, yên tâm cách ly với điện thoại. Thậm chí thứ 7, chủ nhật, điện thoại cũng chỉ là phương tiện để em liên lạc với gia đình, không còn "ôm khư khư" như trước đây. Thay vào đó là tranh thủ giặt giũ, dọn vệ sinh, rèn luyện thể lực tốt hơn để theo kịp nội dung trong giáo án...
Đại tá Phan Công Côn, Giám đốc Trung tâm HL&BDNV I cho biết, năm học 2022 - 2023, Trung tâm đón nhận 1.158 học viên từ Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị CAND, Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND và Đại học Phòng cháy, chữa cháy. Đơn vị đã bố trí sơ đồ tổ chức bộ máy từ cấp Tiểu đội đến cấp Tiểu đoàn, chỉ đạo cán bộ quản lý hướng dẫn, kèm cặp học viên từng bước hoà nhập, làm quen với môi trường vũ trang ăn ở, chiến đấu tập trung.
Quá trình giảng dạy, từng giáo viên, cán bộ quản lý đã bám sát phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc và nâng cao", duy trì huấn luyện, rèn luyện học viên đúng chương trình khung theo quy định. "Để bảo đảm chất lượng huấn luyện tốt, Ban Giám đốc đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên, huấn luyện chuẩn bị kỹ giáo án; dụng cụ, vũ khí trang bị, công cụ hỗ trợ đầy đủ, chu đáo. Tổ chức cho giáo viên, Đội mẫu thục luyện giáo án; thực hiện đúng, đủ, chính xác từng động tác mẫu trong quá trình lên lớp giới thiệu và tổ chức luyện tập; duy trì ôn luyện, có học mới, ôn cũ; kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi buổi tập" - Đại tá Phan Công Côn thông tin.
Đặc biệt, các giáo viên thực hiện việc phân loại chất lượng từng học viên để có biện pháp bồi dưỡng, chỉnh sửa thống nhất, chú trọng phổ biến, quán triệt kỹ quy tắc an toàn; nghiêm cấm các biểu hiện tiêu cực, "bệnh thành tích" trong huấn luyện.
Hàng ngày, Trung tâm duy trì đầy đủ, chặt chẽ 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần theo quy chế của Bộ Công an, tổ chức cho học viên học tập ngoại khóa, kết hợp rèn luyện thể lực theo tiêu chuẩn chiến sỹ Công an khỏe, hành quân rèn luyện ban đêm, sinh hoạt, tổ chức văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao...
Đến những giờ phút ấm tình thầy trò, bè bạn
Đối với Đinh Ngọc Thảo My, sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân thì khi mới vào em gặp nhiều khó khăn vì bản thân thể lực không được tốt, sợ nhất là võ thuật vì chưa từng học trước đây và học võ "vừa mệt, vừa khó".
Nhìn nữ sinh trắng trẻo, mảnh mai rời vòng tay gia đình vào môi trường quân ngũ kỷ cương, kỷ luật khắc nghiệt như thế này, hẳn bố mẹ rất xót ruột? - tôi hỏi. Nhưng không, Thảo My nói, bố mẹ rất thích và luôn ủng hộ em vào ngành Công an vì kỷ luật và an toàn. "Mẹ từ Phú Thọ xuống thăm, ôm con gái và bảo, người và chân tay con cứng cáp hơn, đồng thời động viên em cố gắng luyện tập tốt", Thảo My tâm sự. Đối với em, 5 tháng huấn luyện tại Trung tâm HL&BDNV rất hữu ích vì giúp em chuẩn bị những hành trang cần thiết để trở thành một CBCS trong hàng ngũ của lực lượng CAND, vừa rèn tính kỷ luật, vừa nâng cao năng lực nghiệp vụ.
"Tuy việc luyện tập có khắc nghiệt nhưng chúng em có nhiều bài học, kỷ niệm đẹp, sau này về trường sẽ rất nhớ. Không chỉ là sự tận tình giúp đỡ của các thầy cô mà còn là những buổi tối sinh hoạt đại đội, tham gia văn hoá văn nghệ, chia sẻ khó khăn, ấm tình thầy trò, bè bạn - đó là những giờ phút được giải toả, xả stress sau một ngày tập luyện căng thẳng", em kể.
Nữ học viên Học viện Cảnh sát nhân dân bày tỏ sự quý trọng tình cảm của những người thầy trong Ban Chỉ huy Đại đội, như thầy Nguyễn Quang Trường, thầy Nguyễn Đức Thắng, thầy Dương Mạnh Hải... "Đại đội em có một bạn ở Khánh Hoà bị phồng rộp chân, nhiễm trùng, phải nhập viện điều trị, các thầy rất quan tâm, chăm lo và thường xuyên cập nhật tình hình cho chúng em", Thảo My kể thêm.
Theo Thượng uý Phạm Thanh Tùng, giáo viên huấn luyện Điều lệnh CAND, các tân sinh viên đều có trình độ học thức cao, tuy nhiên việc thực hiện các động tác điều lệnh còn hạn chế, tay chân chưa linh hoạt. Do đó, các thầy phải chia nhỏ từng động tác để hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, tiến dần từ dễ tới khó.
"Điều kiện thời tiết cũng khắc nghiệt, nắng nóng nhiều hơn mọi năm khiến việc tập luyện ra nhiều mồ hôi, mất sức. Chúng tôi chia ra các khoảng thời gian tập luyện phù hợp, chẳng hạn đầu giờ sáng trời mát thì tập các động tác di chuyển; trưa, chiều nắng nóng tập các động tác từng người, tại chỗ, tranh thủ bóng râm", anh chia sẻ. Khi thời tiết đang nắng nóng chuyển lạnh như vừa qua, các học viên được mặc đủ ấm, khởi động chạy vài vòng làm ấm người trước khi tập luyện, hoặc tập các nội dung dậm chân tại chỗ, đi đều... trước các nội dung ít hoạt động di chuyển hơn.
Nhìn chung, qua một tháng huấn luyện, thầy và trò ở Trung tâm HL&BDNV I đều đã khắc phục khó khăn, "vượt nắng thắng mưa, say sưa luyện tập" để có kết quả tốt nhất. Việc đổi mới chương trình xen kẽ cũng sẽ giúp các em được ôn luyện các môn học, động tác nhiều hơn, trong suốt thời gian 5 tháng huấn luyện tại Trung tâm...
Nguồn: Báo CAND