Một ngày ở xã có 90% đồng bào dân tộc thiểu số
Địa điểm cấp căn cước công dân (CCCD) lưu động lần này là Đồng Nai Thượng, xã khó khăn nhất huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) với 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại còn nhiều cách trở.
Trời dần sang trưa, thời tiết Tây Nguyên trở nên oi nồng, nắng nóng gay gắt. Trên từng gương mặt của CBCS thực thi nhiệm vụ đã nhễ nhại mồ hôi. Mệt, nhưng tất cả đều cùng chung một quyết tâm, nỗ lực hoàn thành công việc, tận tình phục vụ bà con trong việc cấp CCCD cho người dân nơi kinh tế khó khăn nhất huyện Cát Tiên. Một cụ già mặc áo sơ mi trắng ngồi xuống ghế, khẽ cười nói: “Cô chú vất vả quá!..”. Chỉ có vậy thôi mà trong lòng ai cũng vui đến lạ. Sự động viên rất đúng lúc của bà con đã giúp CBCS thêm ấm lòng, quyết tâm càng cao để phục vụ nhân dân.
12h30, dưới nắng nóng gay gắt, những đôi tay vẫn đều đều, cần mẫn, các CBCS vẫn hăng say, tận tụy. Gần 13h, những ổ bánh mì được ăn vội vã để đáp lại sự “đòi hỏi” của bao tử đã rỗng tuếch từ lâu. Công việc áp lực đến mức nhiều CBCS tay cầm bánh mì, miệng nhai vội nhưng đôi mắt vẫn chăm chăm nhìn vào màn hình máy tính để kiểm tra thông tin.
Mọi việc, mọi quy trình không có giờ nghỉ. 22h30, vẫn còn rất đông người chờ đến lượt để được làm hồ sơ cấp CCCD. Với phương châm làm hết việc chứ không hết giờ, ai cũng cố gắng, tận tụy phục vụ bà con, không để một ai phải trở về mà không làm được CCCD.
|
Người dân vùng cao vui mừng khi được tổ công tác Công an tỉnh Sơn La trao trả CCCD tại nhà.
|
22h57, chuông điện thoại của một nữ cán bộ trong tổ công tác vang lên, màn hình hiện tên “Con gái yêu”. Vì đang nhập hồ sơ, chị vội vã tắt chuông nhưng những cuộc điện thoại vẫn liên tục vang lên. Chị đành phải bật loa ngoài, vội nghe điện thoại của con gái: “Chào con gái yêu! Sao muộn mà còn chưa ngủ? Mẹ đang bận việc, con yêu ngủ đi nhé!...”. Tiếng bé gái với giọng nói còn chưa rõ vang lên: “Chúc mừng sinh nhật mẹ! Con yêu mẹ!...”. Thì ra là vậy. Có lẽ vì bận công việc, chị quên cả ngày quan trọng của mình.
23h, có đợt thay ca mới, chúng tôi rời điểm cấp CCCD lưu động ở xã nghèo nhất huyện để trở về trụ sở Công an huyện Cát Tiên. Đường về trời bỗng mưa rào, đêm khuya chuyển sang se lạnh. Lúc này, cơ thể vượt quá sức chịu vì công việc của các CBCS mới lộ rõ sự mệt mỏi, uể oải. Đã nhiều tháng ròng rã, những CBCS trong chiến dịch này phải làm việc xuyên ngày, xuyên đêm. Đi từ mờ sáng, về tới nhà thì cả nhà đã chìm sâu vào giấc ngủ. Với giờ giấc làm việc như thế, cuộc sống, sinh hoạt gia đình của nhiều CBCS bị đảo lộn. Khó khăn, gian khổ và sự hi sinh thầm lặng không nói nên lời là những gì mà CBCS Công an trong chiến dịch thần tốc này đã và đang trải qua.
Về đến trụ sở Công an huyện Cát Tiên cũng là lúc trời đã chuyển sang ngày mới. Căn phòng nhỏ của Đội Cảnh sát QLHC về TTXH vẫn sáng rực ánh điện. “Gian khổ, vất vả nhưng chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình trong chiến dịch lần này. Niềm vui của chúng tôi là hoàn thành mục tiêu cấp CCCD, hạnh phúc trong công việc là nhận được sự chia sẻ, động viên của chính bà con nơi tới làm căn cước!..”, một lãnh đạo đội chia sẻ.
Đến tận địa bàn vùng cao, biên giới trả CCCD cho người dân
Ông Cầm Sạch ở bản Ban, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La năm nay đã 89 tuổi, sức khoẻ yếu, đi lại khó khăn… Cầm tấm thẻ CCCD có gắn chíp điện tử được CBCS Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Sơn La trao trả tận tay cho mình, ông Sạch không sao giấu được cảm xúc…
Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt của ông. Chia sẻ với phóng viên, ông Sạch nói: “Hôm nay tôi vui lắm vì được lực lượng Công an đến tận nhà để trả căn cước cho tôi. Tôi già yếu rồi không đi lại được, nhà thì chỉ có mỗi hai vợi chồng nhà nên được quan tâm thế này tôi xúc động lắm, cảm ơn các cháu Công an nhiều”.
Anh Hà Văn Đông là công chức tài chính kế toán của xã… nhà xa trung tâm nên việc đi lại của anh Đông cũng gặp không ít khó khăn. Được Công an Sơn La đến tận trụ sở xã để trả CCCD gắn chíp điện tử cho cán bộ, công chức xã, anh và đồng nghiệp của mình rất hân hoan, phấn khởi… Anh Đông chia sẻ: “Hôm nay, được lực lượng Công an tỉnh đến tận xã để trả thẻ CCCD cho cán bộ, công chức xã, tôi rất vui mừng. Việc làm này hết sức ý nghĩa, giảm thiểu việc đi lại cho bà con, đặc biệt là mùa mưa lũ đi lại rất khó khăn…”
Là tỉnh miền núi, biên giới, việc triển khai cấp CCCD gắn chíp điện tử ở Sơn La khó khăn hơn so với các tỉnh đồng bằng. Song bằng những nỗ lực và sự tận tâm, không kể ngày nghỉ, thời gian qua, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Sơn La đã triển khai cấp CCCD lưu động, các thủ tục đơn giản, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh đã thu nhận 758.245 hồ sơ CCCD, tiến hành trả được gần 50% hồ sơ tới tay người dân.
Việc đến tận nhà các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp già yếu, cán bộ, công chức tại các xã khu vực biên giới trao trả CCCD là hoạt động thiết thực nhằm động viên, tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt khó khăn đi lại cho người dân tại các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng cao biên giới. Góp phần xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ CAND trong lòng nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ…
Nói về chủ trương trao trả thẻ CCCD tới tận tay người dân, Thượng tá Nguyễn Thị Thảo, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh cho biết: “Do là một tỉnh miền nui có nhiều xã giáp danh với biên giới, đường xá đi lại khó khăn, người dân kinh tế còn nghèo nàn, chúng tôi đã chủ động đề xuất với Ban Giám đốc thành lập các tổ công tác trả thẻ CCCD đến tận tay người dân, đặc biệt là các bác là người có công với đất nước, gia đình chính sách, người già yếu, neo đơn, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… nhằm tạo điều kiện để người dân không phải đi lại, sớm có thẻ CCCD phục vụ cho giao dịch và sinh hoạt”.
Một việc làm nhỏ, nhưng nó đã thật sự có ý nghĩa đối với bà con nhân dân nơi vùng cao biên giới ở Sơn La, không chỉ giúp họ yên tâm lao động sản xuất, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và biên giới Tây Bắc của Tổ quốc nói chung.
Nguồn: Báo CAND