Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
"Lật tẩy" thủ đoạn trộm cắp ở chốn tâm linh

Các cổ vật, di vật bị đánh cắp thường có giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, khoa học, mỹ thuật... nên các đối tượng trộm cắp thường xuyên rình mò gây án để mang bán cho những người chuyên buôn bán cổ vật hoặc một số người sưu tầm đồ cổ. Việc buôn bán cổ vật đem lại lợi nhuận rất lớn. Trong khi đó, việc truy tìm cổ vật bị đánh cắp thường gặp rất nhiều khó khăn. 

Theo thống kê từ cuối năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Nam Trực đã xảy ra khoảng chục vụ trộm cắp đồ thờ cúng. Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an huyện Nam Trực đã giao cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội xác lập chuyên án đấu tranh.


3 đối tượng trong vụ trộm cắp tài sản tại chùa Vụ (TP Nam Định) vừa bị cơ quan Công an bắt giữ.

Trên cơ sở lấy lời khai từ các bị hại cũng như quá trình thu thập dấu vết từ hiện trường vụ trộm để lại, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện thấy nổi lên đối tượng Tô Minh Cường, 30 tuổi, trú tại xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tô Minh Cường thường đi hát chầu văn tại các giá hầu đồng. Và tại những nơi thờ tự mà Tô Minh Cường đã đến hầu đồng thường xảy ra các vụ mất trộm. 

Điều tra thêm, các trinh sát được biết, mỗi khi đến nơi thờ tự, Cường sẽ đi tìm hiểu các lối đi, các di vật, cổ vật được thờ cúng. Nhất là tìm cách trò chuyện với người quản lý nơi thờ tự để hỏi về thói quen sinh hoạt. Từ những nghi vấn này, Ban chuyên án nhận định Cường chính là đối tượng gây án. Sau một thời gian ngắn tiến hành điều tra, chân dung đối tượng dần lộ rõ là một kẻ chuyên trộm đồ thờ cúng. Dưới danh nghĩa hầu đồng, Tô Minh Cường đã thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm cắp.

Khi bị bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của Cường, phát hiện nhiều cổ vật dùng để thờ cúng như bát hương, bình, chóe, đôi lọ lộc bình… Trong đó, đôi lọ lộc bình cổ là tang vật của vụ trộm xảy ra tại đền Am.

Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, Cường khai nhận đã thuê xe ôtô đi vào đền Am, thị trấn Nam Giang mang lễ vào nhờ cụ từ đi lễ giúp, sau đó Cường đã điều cụ đến một ngôi chùa khác trên địa bàn huyện mà hắn đã tìm hiểu trước đó để nhờ cụ vào lễ. Khi đến nơi, Cường giả vờ quên đồ lễ nên đã bảo cụ từ cứ vào trước rồi hắn quay trở lại đền để trộm cắp 2 lọ lộc bình cổ làm đồ thờ cúng tại đền.

Hai chiếc lọ lộc bình cổ này có niên đại hơn 100 năm và là cổ vật được thờ cúng tại Đền Am. Sáng 12-7, Công an huyện Nam Trực đã bàn giao cổ vật này cho Đền Am. Nhận lại cổ vật, Ban quản lý Đền Am và bà con nhân dân địa phương vô cùng xúc động, bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới CBCS Công an huyện đã không quản ngại khó khăn, tích cực điều tra phá án bắt giữ đối tượng, thu hồi tang vật trả lại cho nhà Đền.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Đoàn Đức Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Nam Trực cho biết: Sở dĩ các đối tượng dễ dàng “gây án” bởi nhiều di tích tọa lạc ở những nơi biệt lập, vắng người qua lại, xa khu dân cư, người trông coi thường nghỉ ở các gian nhà cách xa nơi chứa di vật, cổ vật. Ở một số nơi, người quản lý còn chủ quan, chưa thật sự chú trọng công tác phòng ngừa việc trộm cắp di vật, cổ vật, vì cho rằng “không ai to gan dám trộm đồ thờ cúng trong đình, chùa”. Ngoài ra, hệ thống cổng, cửa chính, cửa sổ, khóa, hàng rào bảo vệ ở một số di tích chưa được kiên cố, không bảo đảm an toàn.

Cơ quan Công an khuyến cáo đến ban quản lý các khu di tích, đền chùa, nơi thờ tự cần nâng cao ý thức cảnh giác trong công tác bảo vệ bằng các biện pháp như: gia cố chắc chắn các cổng, cửa chính, cửa phụ; xây dựng hàng rào bảo vệ kiên cố, lắp đặt hệ thống camera giám sát cả ngày lẫn đêm; đề cao ý thức cảnh giác với các đối tượng lạ mặt, những người thu mua cổ vật… Đối với các di vật, cổ vật có giá trị cao nên cất giữ ở nơi kín đáo, an toàn, có khóa kiên cố hoặc cắt cử người trông coi cẩn thận.

Trích nguồn: Báo điện tử CAND
Biên tập: Hoàng Linh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi