
Vừa tham gia giao thông, vừa sử dụng điện thoại di động là hình ảnh dễ nhận thấy hằng ngày trên các tuyến đường.
Vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại, nhắn tin, thậm chí lướt web là hình ảnh dễ bắt gặp trên các tuyến đường giao thông hằng ngày… Đây là một trong những thói quen nguy hiểm gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thời gian qua.
Vi phạm tràn lan
Trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), đoạn gần khu đô thị Royal City chưa đầy 15 phút đầu giờ sáng, đã có hàng chục người điều khiển phương tiện, cả ô-tô lẫn xe máy, vừa đi vừa tranh thủ sử dụng ĐTDĐ. Một phụ nữ đi ô-tô, một tay cầm điện thoại nhắn tin, tay còn lại cầm vô-lăng nhích từng chút trên đoạn đường tắc chật kín. Chỉ khi thấy các xe phía trước quá gần, người phụ nữ này mới giật mình phanh dúi dụi để tránh va chạm. Ngay bên cạnh, một người đàn ông đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, miệng phì phèo thuốc lá, một tay cầm lái, một tay vẫn nhoay nhoáy bấm điện thoại, không hề để ý xe cộ phía trước cho dù đang chở con nhỏ.
Thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn không đáng có do vừa tham gia giao thông vừa sử dụng ĐTDĐ. Theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ TNGT do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu, bia. Dùng ĐTDĐ khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung, khả năng điều khiển, kiểm soát vận tốc rất lúng túng, lúc gặp tình huống bất ngờ sẽ không kịp thời xử lý, rất dễ gây tai nạn. Điều đáng nói, ở các thành phố lớn, với mật độ phương tiện lưu thông cao, giao thông phức tạp, nhưng hiện tượng người lái xe vừa điều khiển phương tiện vừa dùng ĐTDĐ khá phổ biến. Nguyên nhân một phần do lực lượng cảnh sát giao thông không thể kịp thời phát hiện, xử lý hết những lỗi vi phạm này nên người dân dần “quên” rằng mình đang phạm luật. Không chỉ người điều khiển xe máy, ô-tô cá nhân, mà ngay cả với xe ta-xi, xe khách, các lái xe vẫn vô tư, thoải mái sử dụng điện thoại nhắn tin, gọi điện “buôn dưa lê” khi đang nắm giữ nhiều mạng sống trong tay.
Xử lý triệt để
Những năm trước đây, ĐTDĐ có tính chất đúng như một phương tiện liên lạc để nghe gọi và nhắn tin, với các phím bấm vật lý, thì việc nghe hay nhắn tin khi tham gia giao thông cũng đã nguy hiểm. Hiện nay, những chiếc smartphone (điện thoại thông minh) trở thành một thiết bị máy tính cá nhân bỏ túi với đầy đủ chức năng, việc sử dụng một chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng lớn dường như khiến người dùng mất thời giờ hơn, xao nhãng quan sát đường phố để thực hiện những thao tác phức tạp trên máy. Muốn nhắn tin bằng điện thoại iPhone 6 Plus, khi ngồi một chỗ phải sử dụng cả hai tay, còn nếu đang điều khiển xe máy trên đường, sẽ rất khó thao tác bằng một tay. Theo nghiên cứu của Viện An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Mỹ (IIHS), bất cứ một thao tác nào với ĐTDĐ cũng làm giảm mức độ tập trung của người lái xe đến 10 phút sau khi kết thúc thao tác. Việc nhắn tin khi đang lái xe có thể làm tăng nguy cơ gây tai nạn lên tới 23 lần. Cũng theo IIHS, mỗi năm tại Mỹ, các tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại đã gây ra 636 nghìn vụ va chạm xe, khiến 333 nghìn người thương vong, trong đó có 12 nghìn người bị thương nặng và 2.600 người chết. Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng thực tế cho thấy rất nhiều vụ va chạm không đáng có xuất phát từ việc sử dụng ĐTDĐ.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, theo phân tích của lực lượng cảnh sát giao thông, có khoảng hơn 30% số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát, chú ý khi tham gia giao thông. Hành vi sử dụng ĐTDĐ khi tham gia giao thông làm phân tán khả năng quan sát và việc xử lý tình huống bị giảm sút nên nguy cơ gây TNGT rất lớn. Tình trạng này ngày càng phổ biến do nhận thức của người dân còn hạn chế, mức xử phạt còn thấp, chưa đủ tính răn đe. Mặt khác, hành vi này diễn ra nhanh, việc ghi lại hình ảnh để chứng minh vi phạm gần như không thể. Vì vậy, thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường phát hiện trên đường, lắp đặt các ca-mê-ra quan sát nhằm xử lý nghiêm các trường hợp nghe điện thoại khi lái xe, tạo thói quen cho người dân đã điều khiển phương tiện thì không sử dụng ĐTDĐ. Nếu bắt buộc phải sử dụng, hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi hoặc khi có nhu cầu sử dụng điện thoại. Đây là cách an toàn cho cả bản thân và những người chung quanh.
Để hạn chế những vụ TNGT liên quan ĐTDĐ, cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, người dân cần thực hiện văn hóa giao thông. Không có một cuộc gọi hay tin nhắn nào đáng giá bằng mạng sống của bản thân và những người chung quanh.
Luật Giao thông đường bộ không cấm sử dụng điện thoại trên ô-tô, nhưng đây là điều cấm trong công ước quốc tế về ATGT vận tải mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi) trình Chính phủ, sẽ bổ sung và tăng mức phạt với nhiều hành vi nguy hiểm trong đó có việc sử dụng ĐTDĐ khi tham gia giao thông với cả xe máy và ô-tô. Theo đó, người điều khiển ô-tô sẽ bị phạt 600 đến 800 nghìn đồng, với mô-tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự sẽ bị phạt 60 đến 80 nghìn đồng.
Trích nguồn: Báo Nhân dân điện tử Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK