Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Phiên họp thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030

Dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội, chủ trì phiên họp; đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành Trung ương.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.


Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT xuất phát từ thực tiễn diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước, làm gia tăng nguy cơ đe dọa đến sức khỏe nhân dân, đến giống nòi, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước; Chương trình nhằm tiếp nối, phát huy thành tựu, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma túy những năm qua và tiếp tục thực hiện các mục tiêu mà Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành; khắc phục những tồn tại, hạn chế và tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính cấp bách, trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống và kiểm soát ma túy…

Nội dung chủ yếu của Chương trình là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đấu tranh, phòng, chống TPMT. Bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng của chương trình. Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.


Về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: Chương trình đã đề ra 11 nhóm mục tiêu cụ thể và 20 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2030, bảo đảm toàn diện, xuyên suốt trên cả 03 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và chúc mừng Bộ Công an đã đề xuất một chương trình rất quan trọng, có ý nghĩa xã hội to lớn để đưa ra xem xét tại kỳ họp Quốc hội lần này. Khẳng định, qua nghiên cứu, hồ sơ, mục tiêu và những vấn đề đặt ra đã được Bộ Công an chuẩn bị kỹ lưỡng công phu, đồng thời đánh giá cao sự chủ động trong công tác chuẩn bị của Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, chúng ta đã rất thành công trong công tác đấu tranh PCMT; giúp chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác PCMT hiệu quả hơn không chỉ trong nước mà mở rộng trên phạm vi khu vực và toàn cầu, góp phần đảm bảo tuyệt đối an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, mục tiêu, chủ trương đặt ra trong đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là rất cần thiết…

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Các nội dung thảo luận cần tập trung vào 3 trụ cột, giảm cung, giảm cầu và giảm thiểu tác hại và bàn mục tiêu, chỉ tiêu, các giải pháp trên từng trụ cột nêu trên. Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với Bộ Công an, lực lượng Công an đang phải đối mặt rất nhiều hiểm nguy trong lĩnh vực này; đồng thời lưu ý, các thành viên của Ủy ban Xã hội Quốc hội tránh việc đưa ra mục tiêu quá lớn, giải pháp nhiều, song nguồn lực phục vụ cho những mục tiêu, giải pháp này chưa được tương xứng.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu, điều hành phần tham luận.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu, điều hành phần tham luận.


Phát biểu tại buổi thẩm tra, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Chương trình; đồng thời đánh giá cao Bộ Công an đã chuẩn bị báo cáo đề xuất chủ trương xây dựng chương trình nghiêm túc, có khảo sát thực tế, tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia. Các chỉ tiêu của Chương trình được xây dựng trên cơ sở chủ trương, chiến lược PCMT quốc gia đảm bảo bao quát, toàn diện trên phạm vi cả nước. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan chủ trì các dự án thành phần của Chương trình tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tiếp tục cân đối giữa mục tiêu và nguồn lực đảm bảo Chương trình đạt hiệu quả cao nhất khi đi vào triển khai thực hiện.

Thay mặt cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình, Bộ trưởng Lương Tam Quang cảm ơn các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và hiệu quả với Bộ Công an thời gian qua, góp phần xây dựng, thẩm định Chương trình để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
 

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại phiên họp.


Bộ trưởng Lương Tam Quang chia sẻ, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là nhiệm vụ hết sức trọng tâm, cấp bách, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện nhằm tập trung đầu tư, giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến ma túy; trong đó, nếu không có sự đầu tư tổng thể, chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm thì tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ ngày càng trở lên nguy hiểm, phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của đất nước.

Về các ý kiến của các đại biểu nêu tại phiên họp, Bộ Công an cảm ơn, khẳng định và sẽ khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện; đồng thời đề nghị các Bộ, ngành có Dự án thành phần, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình hoàn thiện các thủ tục, quy trình tiếp theo theo quy định. Bộ Công an cũng đề nghị Ủy ban Xã hội và các cơ quan, Uỷ ban của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, ủng hộ và tạo điều kiện để Bộ Công an hoàn thiện các thủ tục, báo cáo Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tại các phiên họp sắp tới theo Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Nguồn: Cổng TTĐT BCA

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi