Ngay sau cuộc họp khẩn của nội các chính phủ hôm 1/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị Quốc hội chuẩn chi khoản ngân sách 263 triệu USD để chỉnh đốn lực lượng cảnh sát. Đồng thời, Nhà Trắng cũng đang xem xét việc cung cấp trang thiết bị cho các cơ quan hành pháp địa phương, trong đó có bộ trang phục gắn camera để giám sát cách ứng xử của lực lượng cảnh sát với người dân.
Hàn gắn niềm tin
Một tuần sau khi tòa án quyết định không khởi tố nhân viên cảnh sát da trắng Darren Wilson, người bắn chết một thiếu niên da màu 18 tuổi không vũ khí tại Ferguson, tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trên toàn nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã có một cuộc họp khẩn với nội các chính phủ và đại diện chính quyền địa phương, cùng cơ quan thực thi luật pháp trên toàn nước Mỹ.
Ngay trước thềm cuộc họp, rất nhiều quan chức Mỹ đã hy vọng sẽ tìm được “nút mở” để tháo gỡ những bế tắc về an ninh mà Mỹ đang đối mặt hiện nay, nhất là vấn đề gia tăng các cuộc biểu tình phản đối vụ việc ở Ferguson trên đất Mỹ cũng như trên thế giới. Theo tin từ hãng Washingtonpost, cuộc họp khẩn này kéo dài vài tiếng và có nhiều tranh cãi đã xảy ra.
Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là xây dựng lòng tin giữa lực lượng cảnh sát Mỹ và nhân dân, đặc biệt là cộng đồng người da màu ở quốc gia này. Phát biểu trước giới chức Mỹ, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: “Dường như có quá nhiều người, đặc biệt là những thanh niên da màu cảm thấy họ không được đối xử công bằng. Khi một phần của nước Mỹ cảm thấy không được đối xử công bằng thì đó là vấn đề của tất cả chúng ta”.

Cuộc họp giữa Tổng thống Barack Obama với nội các, đại diện chính quyền địa phương và lực lượng an ninh họp giải quyết cho những xung đột hiện nay.
Cho rằng vụ việc tại thành phố Ferguson không đơn thuần chỉ là vấn đề địa phương, mà là vấn đề mang tính toàn quốc và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh xã hội cũng như uy tín của nước Mỹ, người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng: “Nước Mỹ phải cải cách để các nhân viên cảnh sát và cộng đồng có thể trở thành đối tác trong phòng chống tội phạm và tất cả mọi người đều cảm thấy an toàn”.
Đồng thời, ông Barack Obama cũng cảnh báo rằng, những gì xảy ra đã xói mòn lòng tin của người dân và chỉ có cách gây dựng lại lòng tin bằng những hành động thiết thực mới có thể đưa cảnh sát và người dân xích lại gần nhau. Tổng thống Mỹ nói: “Chúng ta có thể xây dựng lòng tin nhưng quá trình này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều”.
Mở rộng giám sát
Trong một bước đi phản ánh rõ quyết tâm của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã công bố một kế hoạch 3 năm nhằm hỗ trợ hoạt động cảnh sát và cộng đồng với kinh phí lên tới 263 triệu USD, trong đó 75 triệu USD sẽ được sử dụng để mua 50.000 camera gắn trên người các nhân viên cảnh sát nhằm cung cấp các thông tin cụ thể và xác thực trong trường hợp xảy ra sự cố, chẳng hạn như vụ việc tại Ferguson.
Các cảnh sát cũng sẽ được giáo dục và hướng dẫn về trách nhiệm khi sử dụng các loại vũ khí. Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng trình Quốc hội duyệt chi khoản kinh phí nói trên và việc thành lập một nhóm công tác đặc biệt của liên bang, nhằm xem xét lại tổng thể vụ Ferguson và trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất cách thức cải thiện hoạt động của lực lượng cảnh sát.
Giám đốc cảnh sát thành phố Philadelphia, bang Pensylvania, ông Charles Ramsey và Giáo sư Đại học George Mason, cựu Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp, bà Laurie Robinson, sẽ đồng đứng đầu nhóm công tác đặc biệt này. Chưa hết, ông Barack Obama còn yêu cầu thắt chặt kiểm soát đối với ngân sách liên bang được sử dụng để mua trang thiết bị kiểu quân sự cho cảnh sát địa phương nhằm đảm bảo rằng, nước Mỹ không xây dựng “văn hóa quân sự hóa” trong các lực lượng này. Trong một diễn biến khác, tại thành phố Atlanta ở bang Georgia, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã gặp gỡ giới chức chấp pháp và lãnh đạo thành phố để thảo luận về những cách nhằm cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan chấp pháp và người dân.
Cùng với động thái này của chính phủ, giới truyền thông Mỹ cũng vào cuộc với chiến dịch tìm kiếm hình ảnh đẹp về cảnh sát và người dân. Cụ thể, hôm 1/12, một số tờ báo của Mỹ đã đăng tải bức ảnh đầy ấn tượng, trong đó một cảnh sát ở Portland đã ôm chầm lấy cậu bé người Mỹ gốc Phi khi cậu đứng khóc trước một hàng rào cảnh sát trong cuộc tuần hành phản đối ở đây.
Trích nguồn: Báo CAND online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK