Cách đây 40 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của chúng ta giành thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời kết thúc vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm (1945-1975) đấu tranh chống xâm lược ngoan cường, bền bỉ của dân tộc ta. Thắng lợi đó có được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; kết hợp sức mạnh đoàn kết quốc tế với sức mạnh thời đại...; sự chỉ đạo điều hành tác chiến chiến lược hết sức linh hoạt, tài tình của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương. Trong đó, Bộ Tổng tham mưu với chức năng là cơ quan tham mưu tác chiến chiến lược của Đảng và quân đội đã có nhiều đóng góp quan trọng vào chiến công chung này.

Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh thảo luận cách đánh trong Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Ảnh tư liệu
Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (1-1973), địch liên tục vi phạm Hiệp định, tình hình chiến sự trở nên căng thẳng. Trước tình thế mới, Bộ Tổng tham mưu đã khẩn trương tổng hợp tình hình, đánh giá thực trạng chiến trường miền Nam, báo cáo lên Quân ủy Trung ương, đề xuất một số nhiệm vụ trước mắt của các lực lượng vũ trang là đánh địch lấn chiếm, giữ vững và củng cố vùng giải phóng, bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược, đồng thời khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị kế hoạch tác chiến hiệp đồng binh chủng,...
Từ giữa năm 1973, khi Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang diễn ra, Bộ Tổng tham mưu đã tập trung nỗ lực chuẩn bị kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21(1), Bộ Tổng tham mưu tiếp tục chỉ đạo Tổ Trung tâm (2) tiếp thu nội dung nghị quyết để bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Kế hoạch được nghiên cứu rất công phu, có sự tham gia của nhiều cán bộ chủ chốt lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường và được bổ sung nhiều lần trước khi trình lên Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị. Một trong những vấn đề lớn và khó khăn nhất của kế hoạch là phải tìm hiểu khả năng can thiệp trở lại của đế quốc Mỹ và sự can thiệp của các nước trong khu vực khi ta mở cuộc tiến công lớn... Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo các chiến trường thực hiện một số chiến dịch để thăm dò phản ứng của Mỹ và sức mạnh của quân đội Sài Gòn như: Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức (từ ngày 17-7 đến ngày 25-8-1974), La Sơn-Mỏ Tàu (từ ngày 28-8 đến ngày 28-9-1974), Đường 14-Phước Long (từ ngày 17-12-1974 đến ngày 6-1-1975),...
Từ thực tiễn chiến trường và những ý kiến tham gia bổ sung của các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương, hướng dẫn của đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn, Tổ Trung tâm bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch và đến Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng vào cuối năm 1974, đầu năm 1975(3), "Kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976" đã được thông qua.
Sau Hội nghị Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược năm 1975. Triển khai các phương án nắm địch, nắm tình hình; hoàn thiện, bổ sung kế hoạch tác chiến cho từng chiến trường và kế hoạch bảo vệ miền Bắc.., hiệp đồng với các tổng cục trong Bộ Quốc phòng, các ngành, các cơ quan nhà nước, tính toán lại khả năng, bổ sung kế hoạch chuẩn bị lực lượng, trang bị kỹ thuật; đôn đốc việc mở rộng và nâng cấp mạng lưới đường chiến lược, chiến dịch; làm đường dây thông tin, ống dẫn dầu vào Nam Bộ; xây dựng các căn cứ, tổ chức hệ thống kho, trạm tại chỗ... Công tác bảo đảm cho kế hoạch tiến công chiến lược được chuẩn bị rất chu đáo và triển khai rộng khắp trên tất cả các chiến trường. Dự kiến quy mô sử dụng lực lượng trong bước phát triển cao nhất của chiến tranh, Bộ Tổng tham mưu tập trung chỉ đạo kế hoạch động viên tuyển quân và đề xuất tuyển thêm 30 vạn quân bổ sung trong hai năm 1975-1976, để thay thế đối tượng giải quyết chính sách và bổ sung tiêu hao, nhằm tăng cường chất lượng mới. Chỉ đạo phát triển đồng bộ ba thứ quân, nhất là các đơn vị binh chủng hợp thành, vừa chiến đấu, vừa củng cố tổ chức để tiến hành các chiến dịch lớn. Đồng thời, với chỉ đạo các hoạt động tác chiến trên các chiến trường, những tháng cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bộ Tổng tham mưu đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng liên tiếp tổ chức thành lập thêm các binh đoàn binh chủng hợp thành và một số đơn vị mới(4); tập trung xây dựng lực lượng chủ lực cơ động dự bị của Bộ; các quân khu phía Nam (từ Trị-Thiên đến Quân khu 9) kiện toàn về tổ chức, tăng cường trang bị kỹ thuật, đạn hỏa lực, khí tài công binh, thông tin...; các quân khu phía Bắc tập trung xây dựng, huấn luyện lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Chỉ đạo huấn luyện các binh đoàn chiến lược, các sư đoàn ở chiến trường; tổ chức một số cuộc diễn tập cấp sư đoàn, quân đoàn hiệp đồng binh chủng để rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo các chiến trường tăng cường các hoạt động tạo lực, tạo thế, tạo thời cơ, sẵn sàng dốc sức để giành thắng lợi.
Ngày 9-1-1975, sau khi đánh giá tình hình mọi mặt, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công vào Nam Tây Nguyên, mục tiêu chủ yếu là Buôn Ma Thuột. Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra với ba trận then chốt gần như đồng thời và liên tục(5). Bộ Chính trị cử đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng cùng một số cán bộ Bộ Tổng tham mưu và các tổng cục vào giúp Bộ tư lệnh Tây Nguyên (B3) điều hành chiến dịch. Quá trình chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu đã theo dõi sát diễn biến tình hình, lực lượng và thế trận của địch, tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chính xác, kịp thời chuyển sang tổng tiến công chiến lược, tạo và thúc đẩy thời cơ để giành thắng lợi, nhanh chóng và liên tiếp mở các chiến dịch tiếp theo.
Sau chiến thắng Tây Nguyên có ý nghĩa chiến lược, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển "Kế hoạch cuộc tiến công chiến lược 1975" thành cuộc "Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975". Ngay trong khi Chiến dịch Tây Nguyên đang diễn ra, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo các địa phương ở Trị-Thiên và Quân khu 5 thực hiện những chiến dịch địa phương và các đợt hoạt động mạnh, coi đây là hướng phối hợp chiến lược quan trọng. Tiếp đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm mở Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Trước yêu cầu rất gấp, phải hoàn thành trong một tuần (từ ngày 20 đến ngày 27-3), Bộ Tổng tham mưu đã phối hợp với các tổng cục và Đoàn 559 chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị bảo đảm 26 nghìn tấn hàng các loại cho hai chiến dịch này.
Với những thắng lợi rất nhanh trên các chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giao cho Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ huy Chiến dịch giải phóng Trị-Thiên-Huế. Sau đó, tiếp tục mở Chiến dịch Đà Nẵng và đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân khu 5, làm Chính ủy chiến dịch. Lúc đó, Bộ tư lệnh chiến dịch chưa có điều kiện trực tiếp tổ chức chỉ huy chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu đã giúp Bộ tư lệnh chiến dịch nắm tình hình, chỉ đạo chuẩn bị và thực hành chiến dịch với nhiệm vụ tiến công tiêu diệt Sư đoàn Bộ binh số 1 ở Trị-Thiên-Huế, cắt đứt Quốc lộ 1, phát triển tiến công xuống Đà Nẵng tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 1 và sư đoàn thủy quân lục chiến quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Sau 25 ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng cụm Quân đoàn 1, Quân khu 1 của địch, giải phóng 5 tỉnh Bắc Trung Bộ và đến ngày 3-4-1975, đã quét sạch quân địch, giải phóng toàn bộ đồng bằng và ven biển miền Trung, tạo nên một bước ngoặt chiến lược lớn.
Ngày 25-3-1975, báo cáo tại Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu đã nhận định: "So sánh lực lượng trên chiến trường đã thay đổi hẳn, ta đã có ưu thế áp đảo địch, khả năng chiến đấu của quân đội ta đã lớn mạnh hơn bao giờ hết"(6). Bộ Chính trị quyết định: "Giải phóng miền Nam trước mùa mưa"(7). Để tranh thủ thời cơ, Bộ Tổng tham mưu đã dồn sức tập trung mọi nỗ lực chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng Sài Gòn song song với tổ chức và cơ động lực lượng.
Bộ Tổng tham mưu quyết định điều Quân đoàn 1 chuyển trục hành quân từ Đường số 1 lên đường Trường Sơn, nhanh chóng cơ động vào chiến trường Đông Nam Bộ; Quân đoàn 2 tiến quân dọc theo đường số 1 vào Nam Bộ; điều chỉnh tuyến vận chuyển chiến lược về Đường số 1 và Đường 14, chuyển gấp trang thiết bị vật chất thu được của địch ở Tây Nguyên, trước hết là đạn pháo lớn vào Nam Bộ. Bộ Tổng tham mưu cùng Tổng cục Hậu cần đã huy động các phương tiện vận tải của các đơn vị phía sau, phương tiện vận tải của Nhà nước và của nhân dân; phương tiện vận tải thu được của địch để nhanh chóng cơ động lực lượng và bảo đảm kịp thời theo yêu cầu tác chiến, nhất là việc huy động đạn pháo lớn ở hậu phương, ở các kho của Quân khu 5 vào phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Để phát huy hơn nữa những thắng lợi của các đòn tiến công mạnh mẽ, áp đảo, dồn dập của ta, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị quyết định: "... nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm"(8).
Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, ngày 4-4, Bộ Tổng tham mưu tiếp tục chỉ đạo các hướng, các mũi tiến công quân địch trên khắp các mặt trận; đồng thời chỉ thị cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa...
Ngày 9-4-1975, ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế, phối hợp trong, ngoài. Khối chủ lực Miền mở cuộc tiến công lớn kết hợp với nổi dậy, bao vây, chia cắt thành phố Sài Gòn theo hai hướng: Tiến công đánh chiếm Xuân Lộc ở phía đông bắc và tiến công địch ở Thủ Thừa, Bến Lức ở phía tây nam, cắt Đường số 4, mở các hành lang xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu thành lập nhóm nghiên cứu(9) cách đánh trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Sau 5 ngày chuẩn bị, đến ngày 17-4-1975, Bộ Tổng tham mưu, trên cơ sở hai kế hoạch trước, đã hoàn chỉnh thành một kế hoạch về chiến dịch giải phóng Sài Gòn, trình lên Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương.
Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh", đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy; Phó tư lệnh là các đồng chí: Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện; đồng chí Lê Quang Hòa làm Phó chính ủy. Cơ quan Bộ tư lệnh cũng được tăng cường những cán bộ có kinh nghiệm của Bộ Tổng tham mưu và một số tư lệnh, phó tư lệnh các quân, binh chủng.
Là một chiến dịch quân-binh chủng hợp thành lớn (4 quân đoàn và một đơn vị tương đương quân đoàn), chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng, nhưng công tác tổ chức chiến dịch đều tiến hành trong hành tiến với khí thế "thần tốc, táo bạo". Trong lúc tập trung phục vụ Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tham mưu vẫn nắm chắc tình hình và chỉ đạo Bộ tư lệnh Miền thực hiện các chiến dịch ở các chiến trường khác. Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền cũng chủ động nắm thời cơ chung, mở các chiến dịch tiến công và nổi dậy ở các quân khu; các địa phương đã thực hiện tốt chủ trương: Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã.
17 giờ ngày 26-4-1975, trận Tổng tiến công vào Sài Gòn-Gia Định bắt đầu, với năm hướng tiến công: Đông, Đông Nam, Bắc, Tây và Tây Nam. Riêng hướng Đông và Đông Nam đánh trước 1 ngày (ngày 25-4). Sau 6 ngày, trên các hướng, lực lượng của ta đã tiêu diệt các sư đoàn phòng ngự vòng ngoài của địch, không cho chúng kịp rút về vùng ven đô. Cả năm hướng ta đều thọc mạnh vào thẳng nội đô Sài Gòn. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ Quân giải phóng được cắm lên nóc dinh Độc Lập, toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn bị bắt sống, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Các hướng tiến công khác cũng lần lượt chiếm các mục tiêu cuối cùng bao gồm: Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh, Tổng nha Cảnh sát, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô, căn cứ Hải quân cảng Bạch Đằng..., làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 3, Quân khu 3 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Nắm vững thời cơ địch đầu hàng, Bộ Tổng tham mưu và Bộ tư lệnh Miền chỉ đạo các lực lượng Khu 8 và Khu 9, nhanh chóng cùng nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp nổi dậy và tiến công tiêu diệt một bộ phận, bắt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 4, Quân khu 4 của địch, giải phóng hoàn toàn Đồng bằng sông Cửu Long trong hai ngày 30-4 và 1-5. Chỉ đạo Bộ tư lệnh Hải quân và Bộ tư lệnh Khu 5 giải phóng Trường Sa, giải phóng Côn Đảo. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước bước vào kỷ nguyên mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, đặc biệt là tình hình Biển Đông. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hòa bình", "Bạo loạn lật đổ" nhằm thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tình hình trên đặt ra cho quân đội chúng ta những nhiệm vụ hết sức nặng nề, Bộ Tổng tham mưu cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tốt các bài học kinh nghiệm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đồng thời, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tổng tham mưu cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện tốt chức năng làm tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng; xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tổ chức biên chế tinh gọn, cơ động, có sức mạnh chiến đấu cao; điều chỉnh thế bố trí chiến lược phù hợp; nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng các tuyến phòng thủ và khu vực phòng thủ các cấp đáp ứng yêu cầu khi chuyển đất nước sang thời chiến.
2. Thực hiện tốt Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với công an và cơ quan chức năng thường xuyên nắm chắc tình hình, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tham mưu xử lý kịp thời, chính xác ngay từ cơ sở, không mắc mưu tạo cớ, không để bị động, bất ngờ, nhất là bất ngờ về chiến lược.
3. Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu; chuẩn bị các phương án tác chiến phù hợp, xử lý linh hoạt các tình huống chiến lược, chiến dịch. Chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sức mạnh tổng hợp cho các đơn vị trong toàn quân.
4. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan Bộ Tổng tham mưu vững mạnh toàn diện, tổ chức biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; có đủ khả năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng dự báo và xử lý tốt các tình huống, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, chiến tranh công nghệ cao.
5. Xây dựng đội ngũ cán bộ Bộ Tổng tham mưu có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ, mưu lược, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và quân đội. Đồng thời, phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, nắm vững khoa học quân sự, hiểu biết thực tiễn, tư duy chiến lược sắc sảo, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ
Quân ủy Trung ương,Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Trích nguồn: Báo QĐND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK