Sáng 12/8, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật Cảnh vệ. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an - Trưởng Ban Soạn thảo xây dựng dự án Luật Cảnh vệ chủ trì hội nghị.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo xây dựng Luật Cảnh vệ đang chủ trì buổi thảo luận.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, ngày 16/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1441/QĐ-TTg về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình năm 2014 và các dự án luật, pháp lệnh đã có hoặc mới bổ sung vào Chương trình khóa XIII của Quốc hội. Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật Cảnh vệ.
Ngày 22/7/2013, Bộ Công an ban hành Công văn số 2776/BCA-V19 giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trủ trì xây dựng dự án luật Cảnh vệ. Thực hiện kế hoạch xây dựng dự án Luật Cảnh vệ, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã phối hợp với Vụ Pháp chế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế thực hiện Pháp lệnh Cảnh vệ tại Công an 10 tỉnh, thành phố trong cả nước là địa bàn trọng điểm về công tác cảnh vệ.
Theo Trung tướng Vũ Xuân Sinh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổng kết 8 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh vệ và phối hợp với Vụ Pháp chế và các cơ quan, đơn vị có liên quan, xây dựng dự thảo các văn bản thuộc dự án Luật Cảnh vệ. Qua 6 lần dự thảo và tiếp thu ý kiến tham gia vào dự thảo lần 1, lần 2 Luật Cảnh vệ, ngày 8/5/2014, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã tổ chức họp Tổ biên tập xây dựng Luật Cảnh vệ. Tiếp thu ý kiến tham gia của thành viên Tổ biên tập, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã nghiên cứu, chỉnh sửa thành dự thảo lần 3 Luật Cảnh vệ và dự thảo một số văn bản trong hồ sơ Luật Cảnh vệ.
Bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 5 chương, 31 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ tăng 1 chương và 10 điều, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của công tác cảnh vệ, đồng thời sắp xếp lại bố cục của các chương, điều trong dự thảo Luật để đảm bảo tính logic và phù hợp với quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cùng các đại biểu dự hội thảo.
Về các nội dung quy định mới của Luật Cảnh vệ so với Pháp lệnh Cảnh vệ: Đối tượng cảnh vệ, bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời quy định biện pháp cảnh vệ đối với từng đối tượng cảnh vệ cụ thể. Về biện pháp và chế độ cảnh vệ, để phù hợp với tình hình hiện nay, dự thảo luật quy định đối với các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt được áp dụng các biện pháp cảnh vệ: Bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận, trong trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác. Không áp dụng vũ trang tuần tra, canh gác thường xuyên nơi ở và nơi làm việc. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh Cảnh vệ.
Dự thảo luật quy định lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng. Đồng thời quy định lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an được tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Đây là quy định mới của dự thảo Luật so với Pháp lệnh Cảnh vệ hiện hành.
Về quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ, dự thảo luật bổ sung quyền hạn cho Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi thực hiện công tác cảnh vệ để tránh lạm quyền trong quá tình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, theo hướng tăng quyền hạn cho lực lượng Cảnh vệ, như quy định được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tín hiệu của xe ưu tiên và xe Cảnh sát dẫn đường để thực hiện công tác cảnh vệ, quyền được miễn phí giao thông đường bộ khi sử dụng phương tiện giao thông.
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online