Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Có loại ma tuý chỉ một lượng bằng đầu tăm có thể gây chết người, tỷ lệ tử vong gấp trăm lần heroin

Chiều 13/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy (PCMT) đến năm 2030. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung họp. Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự, phát biểu tiếp thu giải trình ý kiến đại biểu. Phiên thảo luận có 16 đại biểu phát biểu tại hội trường, 1 đại biểu tranh luận. Các đại biểu đều tán thành với mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể như dự thảo chương trình đã nêu; khẳng định đầu tư vào chương trình PCMT là hết sức cần thiết và thể hiện quyết tâm bảo vệ an ninh và sức khỏe của cộng đồng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý, giám sát con em

Đóng góp vào dự thảo chương trình, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết Quốc hội ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT với những cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn tại tờ trình Chính phủ. Đại biểu cho rằng, cần quan tâm đến người chưa sử dụng ma túy nhưng có nguy cơ cao sử dụng ma túy và dễ dẫn tới nghiện ma túy là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động. “Đây phần nhiều là những đối tượng con trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách hay đua đòi dễ bị sa ngã. Do vậy, muốn giảm tỷ lệ và giảm tuyệt đối số người sử dụng và nghiện ma túy thì Nhà nước, xã hội, nhà trường và gia đình cần phải có các biện pháp hữu hiệu để giám sát, quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng này” – đại biểu đề nghị và cho rằng, cần đặc biệt chú trọng đến chủ thể là gia đình vì người sử dụng ma tuý xuất phát từ nhiều thành phần, cả các gia đình có điều kiện hay không có điều kiện về kinh tế. “Suy cho cùng trong cuộc sống hàng ngày các cháu đi đâu, làm gì, quan hệ với ai, các đối tượng nào thì gia đình là người nắm rõ, biết đầu tiên sau đó mới đến nhà trường và xã hội. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung phần mục tiêu cụ thể về giảm cầu trong dự thảo” – đại biểu nêu.

Đại biểu Quốc hội: 1 -0
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường. 

Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị chú ý truyền thông, giáo dục ở trường, lớp, công đoàn cơ quan, công ty, đặc biệt là ở Hội phụ nữ các cấp, hội người cao tuổi.. “Tôi có kinh nghiệm khi làm những vấn đề liên quan đến xã hội, nhất là các tầng lớp trẻ thì tác động qua các bà mẹ cực kỳ có giá trị, rất hiệu quả” – đại biểu nêu.

Đại biểu Quốc hội: 1 -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) chia sẻ có lần ông tham gia buổi triển lãm tranh vẽ của các cháu thiếu nhi trong trường học, trong đó có bức tranh cây kim tiêm đâm gãy cột cờ trong sân trường. “Đây có thể được xem là thông điệp mạnh mẽ mà các cháu thiếu nhi muốn gửi tới chúng ta. Một khi ma túy thâm nhập vào học đường thì sự tồn vong của chế độ sẽ bị đe dọa nên phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm về ma túy được xem là vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài” – đại biểu nêu đồng thời đề nghị Bộ Công an cần quan tâm khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, thống kê, cập nhật số liệu, qua đó quản lý tốt hơn người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác đấu tranh, công tác xác định tình hình thực trạng nghiện, cai nghiện và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Nhiều loại ma tuý mới được phát hiện

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình) cũng cho rằng, ma túy hiện nay đang len lỏi vào học đường, nếu chúng ta không quyết liệt đấu tranh ngăn chặn thì thế hệ tương lai sẽ chịu hậu quả rất nặng nề. “Theo thống kê trong công tác giám định chất ma túy của lực lượng Công an, trong 4 năm gần đây số vụ việc đều tăng bình quân khoảng 8% mỗi năm. “Đặc biệt qua công tác giám định chất ma túy thì hàng năm đều phát hiện các chất ma túy mới, nhiều chất chưa nằm trong danh mục do Chính phủ quy định. Từ năm 2021 đến nay phát hiện 18 chất ma túy mới. Một trong những chất ma túy mới, nguy hiểm nhất đang có xu hướng lan rộng trên thế giới gần đây là ma túy nhóm Fentanyl. Đây là ma túy cực độc, khi tiếp xúc chỉ một lượng rất nhỏ bằng đầu tăm khoảng 2 mg có thể gây chết người, tỷ lệ tử vong cao gấp trăm lần so với sử dụng heroin. Đặc biệt, nhóm chất này không màu, không mùi nên công tác phòng chống ma túy rất khó phát hiện được bằng mắt thường hay dùng ít thông thường mà phải dùng các thiết bị phân tích hiện đại có độ nhạy cao mới phát hiện được. Người dùng cũng khó phát hiện do không biết hàm lượng, liều lượng bao nhiêu” – đại biểu chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội: 1 -0
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam cho biết, sự phát triển khoa học công nghệ thì những phương thức, thủ đoạn bọn tội phạm về ma túy cũng tinh vi, xảo quyệt như núp bóng ma túy dưới loài thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, điện tử hay thủ đoạn mua bán ma túy đêm, sàn giao dịch điện tử sử dụng thiết bị bay không người lái… cũng phát triển theo. Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Đại biểu đề xuất các bộ, ngành chủ trì như Bộ Y tế để triển khai nhiều hoạt động chuyên môn y tế liên quan đến phòng, chống ma túy, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy trong cộng đồng, xem xét điều chỉnh tăng kinh phí trong khi sơ kết chương trình…

Đại biểu Quốc hội: 1 -0
Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu tại phiên họp.

Nêu quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, nếu như trước đây đa phần người sử dụng ma túy là hút thuốc phiện, tiêm chích heroin những năm gần đây xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, cần sa trong nhóm trẻ tại các tỉnh, thành phố lớn ngày càng phổ biến và gia tăng nhanh chóng. Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy, ma túy núp bóng trong thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng diễn biến phức tạp và ngày càng phổ biến, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân. “Do đó, trong chương trình mục tiêu này, tôi đề nghị cần bổ sung mục tiêu phòng, chống, ngăn chặn ma túy trong giới trẻ, đặc biệt trong giới học sinh, sinh viên, đề nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng” – đại biểu đề xuất.

Phát biểu kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá các ý kiến phát biểu sôi nổi, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm rất cao, góp phần hoàn thiện nội dung cụ thể của chương trình và dự thảo nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ xin ý kiến đồng chí Chủ tịch Quốc hội, xin Quốc hội đồng ý  phương án được ghi trong nghị quyết phê duyệt chương trình phòng, chống ma túy, đó là trong quá trình thực hiện chương trình, căn cứ vào tình hình thực tiễn và qua sơ kết, đánh giá chương trình hằng năm sẽ bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt chương trình. Chú trọng các giải pháp có hiệu quả hơn đối với những vấn đề nổi lên trên thực tiễn, như kiểm soát vận chuyển ma túy qua cảng biển, cửa khẩu hàng không, trên không gian mạng, xung quanh trường học; việc sản xuất ma túy tổng hợp từ hóa chất, tiền chất sản xuất, mua bán, sử dụng các chất gây ảo giác như bóng cười, nước vui, thuốc lá nung nóng...; bảo đảm tính linh hoạt trong cơ chế quản lý, điều hành...

“Ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 này” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi