Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo chủ trì phiên họp.
Tại cuộc họp các đại biểu đã được nghe nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT.
Theo đó, dự thảo Nghị định cơ bản kế thừa Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT năm 2017. Đồng thời đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau: Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) đã bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm và biện pháp bảo đảm an toàn đối với sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng dao có tính sát thương cao.
Về đối tượng áp dụng (Điều 2) đã bổ sung quy định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng dao có tính sát thương cao bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của nghị định.
Ngoài ra, bổ sung 02 điều (Điều 4, Điều 8) quy định về các hành vi bị nghiêm cấm và các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng VK, VNL và CCHT là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.
Dự thảo đã bỏ quy định điều kiện nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa VK đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các tổ chức doanh nghiệp khác được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa VK vì các nội dung này đã được quy định cụ thể trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ VK, VNL quân dụng, CCHT cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng (Điều 16), trong đó, giao Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an có thẩm quyền huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ VK, VNL quân dụng, CCHT cho các đối tượng thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trang bị, sử dụng VK, VNL, CCHT trên phạm vi toàn quốc;
Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ VK, VNL quân dụng, CCHT cho các đối tượng thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trang bị, sử dụng VK, VNL, CCHT có trụ sở đóng tại địa phương; đồng thời, quy định thời hạn của giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý là 5 năm (tăng 2 năm so với quy định tại Nghị định số 79).
Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về thủ tục và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu VK; quy định về đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ VK, VNL quân dụng, CCHT; trách nhiệm quản lý Nhà nước và điều khoản thi hành; các hành vi bị nghiêm cấm và các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao...
Phát biểu kết luận phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương nhấn mạnh, để việc xây dựng nghị định đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, trong quá trình xây dựng nghị định, Ban soạn thảo, tổ biên tập phải tiếp tục bám sát và thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT; dự thảo nghị định phải thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT và các văn bản pháp luật khác có liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết và đảm bảo chất lượng để trình Chính phủ theo đúng tiến độ.
Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đề nghị, để nội dung dự thảo nghị định bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn, có tính khả thi cao, ngoài sự tham gia ý kiến của các bộ, ban, ngành có liên quan, Thường trực Ban soạn thảo, tổ biên tập cần lấy ý kiến tham gia các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực này; tổ chức tuyên truyền các chính sách mới của nghị định trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và mọi công dân có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến…
Nguồn: Báo CAND