Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tuyên truyền Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng tại Việt Nam có những diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số nạn nhân với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Đặc biệt là việc lợi dụng “không gian mạng” để thực hiện tội phạm.

Tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nạn nhân của tội phạm mua bán người có thể là người lạ, bạn bè hoặc người quen, thậm chí cả đối tượng phạm tội. Thủ đoạn hoạt động của đối tượng phạm tội thường là: Hứa hẹn giới thiệu việc làm nhàn hạ, có thu nhập cao; núp dưới hình thức đi du lịch, xuất khẩu lao động, du học theo các tổ chức lừa đảo ở trong nước hoặc nước ngoài; hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ lầm lỡ hoặc có hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế để môi giới, lừa bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn giúp đỡ về tiền bạc rồi đẩy họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc vào chúng; làm quen với những phụ nữ có con nhỏ, lợi dụng họ sơ hở để chiếm đoạt con và dùng giấy tờ giả mạo để đem bán, sử dụng “không gian mạng” để hoạt động phạm tội mua bán người.

Đồng chí Đại tướng, GS.TS Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Hậu quả của tội phạm mua bán người là nạn nhân: Bị bóc lột sức lao động, làm những công việc nặng nhọc, quá sức; bị hành hạ đánh đập tàn nhẫn; bị thương tích, tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong; bị cưỡng bức, bóc lột tình dục…; có nguy cơ bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS; Bị tước mất quyền công dân và quyền con người; tinh thần suy sụp, lo âu, sợ hãi; mặc cảm, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống; khó hoà nhập với cuộc sống và cộng đồng; dễ sa vào các tệ nạn xã hội hoặc trở thành đối tượng mua bán người.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, Bộ Công an được Quốc hội khóa XV giao chủ trì xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Dự thảo luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện pháp luật liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có nội dung mua bán người; tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) dành toàn bộ Chương II gồm 14 điều để quy định về việc phòng ngừa mua bán người, có thể chia làm hai nhóm:

Nhóm thứ nhất gồm 06 điều (từ Điều 7 đến Điều 12) quy định về các biện pháp phòng ngừa chung, bao gồm: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mua bán người, về mối hiểm họa của mua bán người, từ đó đề cao cảnh giác, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống mua bán người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán. Tư vấn về phòng ngừa mua bán người, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến nguy cơ mua bán người. Để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý an ninh, trật tự nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa mua bán người, Điều 9 của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) xác định rõ 07 nhóm biện pháp để quản lý về an ninh, trật tự. Xuất phát từ nhận thức có một số lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ rất nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người; Điều 10 của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) xác định rõ phải quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ đối với các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.

Nhóm thứ hai gồm 08 điều (từ Điều 13 đến Điều 20) quy định về các biện pháp phòng ngừa thông qua hoạt động của các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ quan thông tin đại chúng; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng như sự tham gia của cá nhân và gia đình trong công tác phòng ngừa mua bán người, trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người, cụ thể: Mỗi cá nhân, gia đình có vai trò quan trọng, từng cá nhân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc phòng ngừa để không trở thành nạn nhân bị mua bán, đồng thời, cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa tội phạm này, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Do đó, Điều 14 của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định cá nhân tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người; kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người. Học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng mà công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người hướng trọng tâm đến. Điều 15, Điều 16 của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) xác định việc gia đình, cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa mua bán người nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nói riêng là hết sức quan trọng.

Trong thời gian gần đây, tội phạm thường lợi dụng sơ hở trong một số lĩnh vực hoạt động để phạm tội như: hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch... Vì thế, để ngăn ngừa có hiệu quả việc mua bán người, Điều 17 của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định về việc phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Cơ quan thông tin đại chúng có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người, nó tác động trực tiếp tới ý thức của từng người dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và mua bán người nói riêng. Điều 18 của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mua bán người.

Lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền phòng, chống mua bán người ở cộng đồng.

Cùng với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng, chống mua bán người cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân. Vì vậy, để ghi nhận vài trò của các đoàn thể xã hội cũng như tạo cơ chế pháp lý để các đoàn thể tham gia tích cực. Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã có quy định về sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác phòng ngừa mua bán người.

Để phòng, chống tội phạm mua bán người, mỗi người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hãy cảnh giác với những người không quen biết, không được tự ý đi theo người khác mà không báo cho gia đình, cần cân nhắc và thảo luận với cha mẹ, người thân trước khi đi tìm việc, cần được biết địa chỉ, số điện thoại nơi mình đến và phải có cam kết lao động được chính quyền tại địa phương công nhận.

Tích cực phòng, chống mua bán người, mỗi người cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp toàn xã hội./.

Bài: Khoa Cảnh sát hình sự

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi