Xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Luật tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến thăm quan gian trưng bày một số sản phẩm đặc thù phục vụ công tác chiến đấu của Ngành do các doanh nghiệp Công an sản xuất.
Nội dung Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tập trung vào 05 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, gồm:
Chính sách 1: Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Chính sách 2: Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Chính sách 3: Thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Chính sách 4: Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Chính sách 5: Bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.
Trên cơ sở các chính sách trên, Dự thảo Luật được xây dựng gồm 07 chương và 81 điều, cụ thể:
Chương I - Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7)
Chương này quy định về: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ; Vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; Nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
Ảnh sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z115 (Bộ Quốc phòng).
Chương II - Công nghiệp quốc phòng, an ninh (từ Điều 8 đến Điều 43)
Chương này gồm 07 mục quy định các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh: Quy hoạch công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh; nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; tổ chức và hoạt động công nghiệp quốc phòng; tổ chức và hoạt động công nghiệp an ninh; Tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Trong đó quy định một số nội dung trọng tâm sau:
- Xác định quy hoạch công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh là quy hoạch ngành quốc gia. Phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an làm chủ tịch Hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với chương trình, dự án nhóm A; xây dựng chính sách tuyển dụng, bố trí chức danh biên chế.
- Xác định việc cung cấp sản phẩm quốc phòng, an ninh thực hiện theo hình thức chuyển giao nhiệm vụ, đặt hàng theo quy định của Luật này.
- Xác định các hình thức bố trí nguồn lực, kinh phí đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Chương III - Chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp (từ Điều 44 đến Điều 58)
Chương này gồm 03 mục quy định các hoạt động chuẩn bị động viên công nghiệp gồm: Khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp; Đăng ký, quản lý, theo dõi năng lực doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp; Kế hoạch Nhà nước về động viên công nghiệp; Kế hoạch động viên công nghiệp các cấp.
Chương IV - Chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (từ Điều 59 đến Điều 66)
Chương này gồm 03 mục quy định về: Chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở công nghiệp động viên; Chế độ, chính sách đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, cơ sở công nghiệp động viên; Chính sách đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Trong đó, quy định một số chính sách về ưu đãi thuế, tín dụng, đầu tư; Quy định bố trí kinh phí thuê chuyên gia, nhà khoa học, tổng công trình sư; Ưu tiên bố trí ngân sách xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Chương trình, đề án không thành công được bù đắp kinh phí; Chuyển giao công nghệ… (Điều 59, Điều 60, Điều 61); cơ chế trả lương tương xứng cho nhân lực chất lượng cao, đảm bảo thu hút nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 62, Điều 63).
Chương V - Hợp tác quốc tế và thương mại quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh (từ Điều 67 đến Điều 72)
Chương này quy định về: Nguyên tắc hợp tác quốc tế; Nội dung, hình thức hợp tác quốc tế; Đào tạo, nghiên cứu khoa học; Liên doanh, liên kết trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh; Nhập khẩu hàng hóa phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; Xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; Hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ; Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm quốc phòng, an ninh.
Chương VI - Trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (từ Điều 73 đến Điều 79)
Chương này quy định về: Nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; Trách nhiệm của Chính phủ; Trách nhiệm của các bộ: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Chương VII - Điều khoản thi hành (Điều 80, Điều 81)
Chương này quy định về: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh; Hiệu lực thi hành.
Thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm qua và dự báo trong tương lai cho thấy, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin; tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chịu sự tác động mạnh của xung đột quân sự Nga - Ucraina. Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng cao nhất trong lịch sử, nhiều loại vũ khí mới ra đời, trong đó vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, tấn công an ninh mạng được sử dụng là chủ yếu; đồng thời, phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến... để tiến hành chiến tranh rất đa dạng.
Tình hình an ninh phi truyền thống, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao và những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng gia tăng...; các thế lực thù địch triệt để sử dụng môi trường không gian mạng để tiến hành các hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, tuyên truyền chống chế độ, kích động biểu tình, bạo loạn, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” đối với nước ta....
Trước tình hình đó đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, quy hoạch sắp xếp các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với thế trận phòng thủ chiến lược, đáp ứng yêu cầu đảm bảo tại chỗ cho các lực lượng khi có tình huống xảy ra; thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, sẵn sàng đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh quốc gia./.
Bài: Phòng Hậu cần