Trong buổi giao lưu trực tuyến “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức” do Báo CAND phối hợp với Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC – FE Credit tổ chức vào ngày 24/12 vừa qua, trả lời độc giả, đề cập đến vấn đề này, Đại tá Hoàng Ngọc Bách, trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cảnh báo, hiện hình thức cho vay kiểu “tín dụng đen” đã xuất hiện ở nhiều nước từ khoảng năm 2006 ở Anh, sau đó là Trung Quốc giai đoạn những năm 2013-2014.
Phần lớn những app cho vay này ban đầu là hợp pháp, những sau đó xuất hiện hành vi có tính chất “tín dụng đen”. Sau đó, Chính phủ các nước đã siết chặt các quy định pháp lý thì số lượng ứng dụng đã giảm. Các đối tượng chuyển sang hoạt động tại Việt Nam và câu kết với người dân bản địa cho vay theo dạng “tín dụng đen”.
Đại tá Bách cũng cảnh báo, yếu tố nguy hiểm ở đây là, với doanh nghiệp nước ngoài, khi khách hàng đăng ký vay, dữ liệu cá nhân của họ có thể được lưu lại ở nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ khó kiểm soát, khó kiểm tra. Đôi khi, thi thông tin bên cho vay là giả, dữ liệu khách hàng có nguy cơ bị lộ lọt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác nữa.
Còn Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng đưa ra khuyến nghị cho người đi vay, nhất là những người có ý định vay từ tổ chức tín dụng không chính thống, đó là nên lường trước về việc thông tin cá nhân có thể bị thu thập và sử dụng thông tin cá nhân bất hợp pháp, hoặc đối mặt với hành vi đe dọa, người thân có thể bị quấy rối. Người đi vay cần nâng cao trách nhiệm trong tìm hiểu thông tin về lãi suất khoản vay, hợp đồng hoặc người cho vay, góp phần bảo vệ bản thân và người thân tránh bẫy “tín dụng đen”.
Câu chuyện bỗng dưng bị đòi nợ và đưa ảnh lên mạng khiến anh X.A. vẫn khiến anh rất bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của anh. Tuy nhiên, để cảnh báo và cũng là để rộng đường dư luận, anh vẫn quyết định chia sẻ câu chuyện của mình với báo chí, nhằm nâng cao cảnh giác cho nhiều người, để tránh bẫy “tín dụng đen”.
Đó là một ngày bỗng nhiên anh bị ghép ảnh cùng với một người bạn, rồi đăng lên facebook của anh, nói rằng anh là đồng phạm trong một vụ vay lãi “tín dụng đen” của bạn anh. Chúng ghép ảnh anh cùng bạn anh để lấy áp lực bắt bạn anh phải trả tiền một khoản vay với lãi suất cắt cổ. Khi thông tin này được đăng lên Facebook của anh, với hơn 1000 bạn bè, người thân người sơ, cũng có người hiểu anh, cũng có người không hiểu, đã tưởng anh cũng là người đi vay lãi “tín dụng đen” và không trả. Họ không hiểu rằng, các đối tượng cho vay chỉ lấy ảnh anh để gây áp lực bắt bạn anh phải trả nợ, bởi khi vay lãi “tín dụng đen”, bạn anh đã bắt buộc phải “thế chấp” danh bạ những người thân, cả zalo và facebook để họ lấy áp lực đòi nợ.
Khi công bố câu chuyện bỗng dưng bị đòi nợ và bị bêu ảnh lên Facebook, anh X.A cũng không quên cảnh báo, mọi người nên tìm đến các nguồn tín dụng chính thống, tránh “tín dụng đen”, vì với lãi suất cắt cổ, sớm muộn người vay sẽ trở thành nạn nhân khi số nợ lên tới quá lớn, mất khả năng chi trả và phải đối mặt với các kiểu đòi nợ khủng bố và thông tin bị rêu rao trên mạng như trường hợp bạn của anh.
Ngoài ra còn xuất hiện một số trường hợp bị hack zalo và điện thoại rồi lấy thông tin để đi vay “tín dụng đen” cũng đã nhiều người bị mắc phải, và bỗng dưng trở thành con nợ của “tín dụng đen”.
Theo như cảnh báo của Đại tá Hoàng Ngọc Bách, khi người vay các app của các doanh nghiệp nước ngoài, thì rất khó kiểm soát. Vậy nên, với mỗi cá nhân, hãy luôn cẩn trọng trước khi quyết định làm một việc gì, hãy tìm hiểu thật kỹ, tránh để lộ lọt thông tin cá nhân để kẻ xấu lợi dụng, cũng như tránh bẫy “tín dụng đen”, càng về cuối năm càng giăng bẫy khắp nơi.
Nguồn: Báo CAND