Chưa xem trọng việc thực hiện văn hoá giao thông
Theo TS Lê Thanh Liêm, nhiều năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có nhiều hoạt động tích cực, quyết liệt triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ từ trung ương tới địa phương, góp phần đưa nội dung tiêu chí “văn hoá giao thông” vào trong đời sống; vận động nhân dân thực hiện nếp sống “văn hoá giao thông”, góp phần từng bước hình thành thói quen nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT; kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông. Công tác kiểm tra, xử lý phạm vi trật tự ATGT và hậu quả do các hành vi vi phạm gây ra được khắc phục kịp thời, tăng cường kỷ cương, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, TS. Lê Thanh Liêm cũng nhìn nhận về một số khó khăn như: Ý thức chấp hành trật tự ATGT của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa thực sự xem việc chấp hành nghiêm chỉnh luật là nét văn hoá giao thông trong đời sống hàng ngày. Trình độ, nhận thức và hiểu biết pháp luật về trật tự ATGT, tiêu chí văn hoá giao thông đường bộ của người tham gia giao thông ở các địa phương không đồng đều, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT chưa phù hợp với từng đối tượng tham giao thông, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa và đối tượng là học sinh ở các bậc học. Ngoài ra, nguồn kinh phí được phân bổ cho công tác tuyên truyền hàng năm còn hạn chế nên phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng của hoạt động tuyên truyền.
Từ đây, TS. Lê Thanh Liêm bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi ủng hộ quan điểm xây dựng Luật Trật tự ATGT đường bộ (tách riêng với Luật Giao thông đường bộ) vì dự án Luật này có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tương đối độc lập”. Đứng từ phía cơ quan phối hợp trong công tác xây dựng văn hoá giao thông thì việc có Luật Trật tự ATGT đường bộ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng văn hoá giao thông của người dân trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ vậy, việc tách riêng luật sẽ giúp nội dung về văn hoá giao thông được thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn trong Luật Trật tự ATGT đường bộ vì xây dựng văn hoá giao thông là một trong những biện pháp bảo đảm trật tự, ATGT hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, với hệ thống pháp luật cụ thể hơn, chi tiết hơn, đầy đủ hơn, phạm vi và đối tượng áp dụng rõ ràng hơn thì việc chấp hành sẽ thuận lợi, việc tuyên truyền, phổ biến sẽ gần và sát với đối tượng áp dụng.
Trên cơ sở thực tiễn quá trình phối hợp, TS. Lê Thanh Liêm đề xuất đưa vào trong Luật Trật tự ATGT đường bộ một số nội dung như: Nên có một mục về xây dựng văn hoá giao thông; quy định rõ xây dựng văn hoá giao thông là một trong các nguyên tắc của việc công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ. Trên cơ sở Bộ tiêu chí văn hoá giao thông đường bộ hiện hành, nghiên cứu luật hoá trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm trật tự, ATGT. Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí văn hoá giao thông đường bộ nói chung và quy tắc xử sự văn hoá khi tham gia giao thông nói riêng.
Xây dựng luật mới phải tăng hình thức xử lý nghiêm
Với quan điểm, việc nghiên cứu biên soạn luật thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cần thiết, ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tĩnh cho hay, yếu tố cực kỳ quan trọng và là tác nhân tác động đến trật tự ATGT chính là yếu tố về con người (bao gồm người điều khiển phương tiện, người đi bộ, hành khách đi xe, người điều tiết giao thông, phương án tổ chức điều hành giao thông và các chủ thể sử dụng lòng, lề đường).
Vị này bày tỏ, cũng là người Việt Nam nhưng khi ra nước ngoài thì ý thức chấp hành các luật lệ của nước sở tại rất nghiêm túc, nhưng khi người Việt Nam quay về Việt Nam thì thiếu ý thức. Từ đây, câu hỏi được đặt ra, phải làm sao cho mọi thành phần tham gia giao thông có văn hoá giao thông, phải nắm vững các quy định của luật và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông; bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng phải thực sự nghiêm minh, hạn chế thỏa thuận dân sự mà tăng hình thức xử lý hình sự theo quy định.
Ông Lương Phan Kỳ cũng cho rằng, về phía người lái xe, cần yêu cầu phải có trình độ tay nghề cao, kỹ năng lái xe vững vàng, có sức khoẻ tốt, có tâm lý ổn định khi lái xe và phải có đạo đức nghề nghiệp, có tính kỷ luật cao. Ổn định tâm lý lái xe là nội dung quan trọng nhất, quyết định đến hiệu quả trong việc điều khiển phương tiện của lái xe; bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng tay nghề và trau dồi đạo đức nghề nghiệp, người lái xe phải luôn luôn có tâm lý tốt nhất. Do đó, yêu cầu phải có quy định bằng điều luật đối với các cơ sở y tế được phép khám sức khoẻ cho người lái xe…
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tĩnh cũng đề cập tới việc, Luật mới phải quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn để hạn chế việc ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Việc thực hiện xây dựng luật mới phải gắn với kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, mọi hoạt động liên quan đến giao thông đường bộ từng bước phải được thực hiện trong môi trường số, hạn chế việc đổ lỗi cho con người do lực lượng mỏng như hiện nay.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ nói chung và Luật Trật tự ATGT đường bộ nói riêng có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng văn hoá giao thông đường bộ giai đoạn hiện nay. Chỉ khi chúng ta có một hệ thống pháp luật rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, dễ nắm bắt, dễ thực hiện, kèm theo đó là hệ thống các chế tài đủ sức răn đe thì việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường bộ mới được đảm bảo.
Nguồn: Báo CAND