Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Luật hóa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không tăng biên chế, ngân sách

Sau một buổi sáng làm việc trách nhiệm, tập trung, trí tuệ và khoa học, Hội thảo "Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở" do Bộ Công an chủ trì, tổ chức sáng 14/3 đã hoàn thành nội dung đề ra.

Tại hội thảo,  các đại biểu đã được nghe 11 ý kiến phát biểu tham luận của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài lực lượng CAND. Ban Tổ chức cũng đã nhận được gần 60 báo cáo khoa học chất lượng, tâm huyết về các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo được biên tập, đăng trong kỷ yếu.

Luật hóa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không tăng biên chế hay đè nặng ngân sách -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã tổng hợp, khái quát lại những ý kiến thảo luận tại hội thảo, những vấn đề quan trọng, cốt lõi, chủ trương, đường lối của Ban soạn thảo cũng như yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong Chương trình xây dựng pháp luật cho năm 2022 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, tất cả các ý kiến và báo cáo đều cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án luật, phân tích làm rõ, sâu khắc hơn để khẳng định rằng, việc luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thì không hình thành tổ chức mới, không tăng biên chế, không đè nặng, phát sinh lên ngân sách Trung ương và địa phương; làm rõ hơn mối quan hệ phối hợp của các lực lượng này với các lực lượng sẵn có ở cơ sở, nhất là hệ thống chính trị và lực lượng Công an xã chính quy tại các xã, phường, thị trấn.

Luật hóa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không tăng biên chế hay đè nặng ngân sách -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng với các đại biểu tham dự hội thảo.

Đồng chí Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Công an đã tăng cường gần 50.000 Công an chính quy về xã. Tuy nhiên, lực lượng này không hề trùng dẫm với công việc của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn, ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại hội thảo và khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, tổng hợp và điều chỉnh trong dự thảo luật, cũng như các báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tiếp thu ý kiến góp ý của các cử tri, nhà khoa học, nhà thực tiễn để báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

"Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, tôi xin ghi nhận, đánh giá cao các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hoạt động thực tiễn, các đại biểu đã tham dự hội thảo, trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền địa phương và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các đồng chí trong thời gian tới", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh và phát biểu bế mạc hội thảo.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Quan tâm tích hợp các phong tục tập quán để xây dựng luật mềm mại, phù hợp

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn cho biết, sau khi đất nước đổi mới, khoảng 20 năm đầu nông thôn của chúng ta biến đổi chậm, khoảng 10 năm trở lại đây ở nông thôn biến đổi rất mạnh mẽ, vượt bậc. Đây là cơ sở quan trọng đòi hỏi chúng ta phải cơ cấu lại.

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trước đây là kinh tế nông nghiệp, hiện nay là kinh tế nông thôn. Nhiều nơi chỉ còn các hộ thôn dân chứ không còn nông dân nữa, ở nông thôn có dịch vụ, công nghiệp nhỏ. Quan hệ kinh tế ở nông thôn cũng đã thay đổi khác, ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, số dân làm nông nghiệp không còn nhiều, những người còn làm ruộng thì tính chất cũng đã khác. Bên cạnh đó, còn có số người có ruộng nhưng không làm, họ cho mượn, cho thuê.

Luật hóa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không tăng biên chế hay đè nặng ngân sách -0
PGS.TS Đoàn Minh Huấn trình bày tham luận tại hội thảo.

Chính vì vậy, lực lượng tham gia Dân phòng trước đây chủ yếu làm nông nghiệp, hiện nay khi quan hệ kinh tế thay đổi thì lực lượng này cũng phải thay đổi để phù hợp với thực tế. "Thôn, làng không còn như trước, hiện ngoài cư dân bản xứ còn có dân nhập cư, di dân lên thành phố, mạng internet phát triển, người dân đi lại, làm ăn…nên đối tượng ANTT ở nông thôn cũng thay đổi, phương thức bảo vệ ANTT thay đổi, nhận thức về công tác ANTT ở khu vực này cũng phải khác, đòi hỏi phải có lực lượng ở cơ sở để xử lý các vấn đề về ANTT" – PGS.TS Đoàn Minh Huấn lý giải.

Bên cạnh thay đổi mạnh mẽ ở nông thôn, ở khu vực đô thị cũng thay đổi mạnh mẽ từ quy mô, kinh tế. "Từ giờ đến năm 2030, 2045 còn tăng trưởng rất mạnh mẽ nữa. Khi kinh tế càng phát triển thì quan hệ kinh tế, nghề nghiệp, lợi ích… cũng thay đổi. Chính vì vậy, ở khu vực đô thị thì vấn đề ngày càng quan trọng là ANTT, phòng cháy chữa cháy, an ninh môi trường; trong khi các vấn đề khác ngày càng giảm đi nên cũng đòi hỏi phải có lực lượng ở cơ sở để tham gia bảo vệ ANTT" - PGS.TS Đoàn Minh Huấn phân tích.

Ông cũng cho rằng, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở rất cần quan tâm tích hợp các phong tục tập quán, vì phong tục tập quán có hàng nghìn năm, chúng ta càng tích hợp được thì luật càng nhuần nhị, mềm mại hơn, nhất là luật điều chỉnh hành vi ở cơ sở như Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở càng cần thiết hơn.

Thiếu tướng, TS Lê Xuân Thành, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng: Tinh gọn đầu mối, tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Góp ý kiến tại hội thảo, Thiếu tướng, TS Lê Xuân Thành đã phân tích các đặc điểm về địa bàn, dân cư; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các văn bản pháp luật về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đặc biệt là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của Nhân dân; nêu rõ số lượng, nhiệm vụ, thành tích nổi bật của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, từ đó khẳng định cần thiết duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Luật hóa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không tăng biên chế hay đè nặng ngân sách -0
Thiếu tướng Lê Xuân Thành trình bày tham luận tại hội thảo.

"Cần nghiên cứu kiện toàn, sắp xếp, hợp nhất các lực lượng, chức danh đang tồn tại để đồng bộ, tránh chồng chéo; thống nhất chỉ huy, chỉ đạo, điều hành; không làm tăng ngân sách nhà nước; phù hợp với phương châm "bốn tại chỗ" trong huy động các lực lượng tại chỗ giải quyết các vấn đề phức tạp về ANTT" - Thiếu tướng, TS Lê Xuân Thành nhấn mạnh, khẳng định việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp… sẽ góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

"Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở" nếu được Quốc hội thông qua và ban hành sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để tổ chức hoạt động và quản lý hiệu quả hơn, góp phần kiện toàn, tinh gọn đầu mối, tránh những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đồng thời, xác định, quy định rõ tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chính sách đãi ngộ, chế độ bảo đảm, phương tiện hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở phù hợp với trình độ, năng lực, thể hiện rõ tính chất lực lượng tham gia hỗ trợ", Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng nhấn mạnh.

Thiếu tướng, TS Lê Xuân Thành cũng nhắc lại 6 nhóm nhiệm vụ quan trọng của lực lượng này; khẳng định không trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường thị trấn và chính quyền cơ sở; đồng thời nhấn mạnh, lực lượng Dân phòng là một bộ phận của lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở, hỗ trợ Công an cấp xã trng công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi